31/03/2015 - 10:30

Xây dựng Bộ luật Dân sự trở thành luật chung điều chỉnh các quan hệ xã hội

Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 14-6-2005 trên cơ sở kế thừa truyền thống của pháp luật dân sự Việt Nam, thành tựu của BLDS năm 1995 và kinh nghiệm gần 20 năm đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn phát triển mới của đất nước, BLDS hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Trước thực trạng trên, Dự thảo BLDS sửa đổi đã được xây dựng nhằm đưa BLDS trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành theo nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia; góp phần ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, tổ chức trong giao dịch dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Trong BLDS hiện hành, quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản của người khác chưa được quy định đúng với vai trò trong nền kinh tế thị trường và trong việc phát huy giá trị kinh tế của các loại tài sản trong xã hội. Các quy định về giao dịch, đại diện, nghĩa vụ và hợp đồng trong BLDS hiện hành chưa rõ ràng, cụ thể, dẫn đến việc rất khó áp dụng trong thực tiễn. Đặc biệt là, nhiều quy định còn tỏ ra cứng nhắc, có thể tạo nguy cơ cao cho việc tuyên bố giao dịch bị vô hiệu hoặc bị hủy bỏ. Ngoài ra, cũng chưa có cơ chế pháp lý hữu hiệu để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên thứ ba ngay tình, của bên thiện chí trong quan hệ dân sự…;

Các đại biểu tham dự Hội thảo lấy ý kiến đóng góp BLDS (sửa đổi) tại Sở Tư pháp TP Cần Thơ.

Để khắc phục những hạn chế này, Dự thảo BLDS sửa đổi đã quy định chủ thể quan hệ dân sự gồm có cá nhân và pháp nhân. Đối với cá nhân, Dự thảo bổ sung cơ chế pháp lý mới, hợp lý để bảo vệ tốt hơn quyền của những cá nhân yếu thế về năng lực hành vi dân sự trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của mình. Đối với pháp nhân, dự thảo tập trung quy định về những vấn đề cơ bản, đặc trưng cho tất cả các loại pháp nhân, còn những vấn đề đặc thù, liên quan đến các loại pháp nhân cụ thể thì để các luật chuyên ngành quy định. Bổ sung các quy định có tính nguyên tắc về căn cứ xác lập, điều kiện đối kháng của quyền sở hữu và các vật quyền khác; sửa đổi quy định về bảo vệ và các hạn chế đối với quyền sở hữu và các vật quyền khác để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về thực hiện, bảo vệ quyền con người, quyền công dân...

Qua các cuộc hội nghị lấy ý kiến đóng góp BLDS sửa đổi, nhiều đại biểu tán thành quy định về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự. Trong đó có quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này thì án lệ được xem xét giải quyết (căn cứ vào tập quán), nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng. Luật sư Nguyễn Xuân Mai, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, cho rằng: cần quy định cụ thể hơn về quy định này vì để Tòa án có thể giải quyết tất cả các tranh chấp dân sự, kể cả trong trường hợp không có luật thì cần giao cho Tòa án quyền "giải thích pháp luật". Theo đó, trong trường hợp không có luật thì Thẩm phán, Hội thẩm căn cứ các nguyên tắc chung của pháp luật, niềm tin nội tâm và lẽ công bằng để đưa ra phán quyết. Các khái niệm này lại quá trừu tượng; không có tiêu chí rõ ràng; đồng thời Hiến pháp và Luật Tổ chức tòa án nhân dân không trao quyền giải thích pháp luật (theo nghĩa rộng như trên cho Tòa án). Quy định này liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của Tòa án, cần nghiên cứu thêm để nếu cần thiết thì quy định trong Luật Tổ chức tòa án hoặc Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về bảo vệ người thứ 3 ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu, ông Nguyễn Thanh Đình, Trưởng phòng Công chứng số 1, Sở Tư pháp TP Cần Thơ, cho biết: cần quy định cụ thể như thế nào là ngay tình một cách chủ động hay bị động nên xem xét việc ngay tình trong trường hợp tài sản phải đăng ký sở hữu. Luật sư Nguyễn Trường Thành, Văn phòng Luật sư Vạn Lý, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ thì cho rằng: Không nên quy định thời hiệu trong trường hợp khởi kiện về thừa kế. Vì khởi kiện là quyền của người dân đã quy định trong Hiến pháp năm 2013, do đó, đã là quyền thì không nên quy định thời gian. Ông Trần Minh Trị, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, cho rằng: Về di sản thờ cúng nên quy định cụ thể là bao nhiêu phần trăm trên giá trị tài sản. Di sản nào sẽ được cho là di sản thờ cúng cũng cần quy định cụ thể hơn. Thêm vào đó, quyền của người bảo vệ di sản thờ cúng cũng như người nào sẽ có quyền đại diện khi di sản đó phát sinh tranh chấp, hoặc người bảo quản di sản thừa kế mất thì sẽ giải quyết như thế nào, luật cũng cần điều chỉnh một cách cụ thể để khi luật áp dụng vào thực tế sẽ thiết thực hơn.

P.NGUYỄN

Chia sẻ bài viết