04/02/2023 - 08:12

Xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh từ “gốc rễ”
Bài cuối: Vun cho gốc vững, cây bền
 

Bài, ảnh: AN BÌNH

Tổ chức đảng ở cơ sở là nền tảng, là hạt nhân chính trị của Ðảng ở cơ sở. Tuy vậy, hiện nay, ở một số nơi trong thành phố vẫn còn bộc lộ những hạn chế như năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu chưa thực sự nổi bật; công tác tự phê bình và phê bình vẫn chưa được chú trọng, thực hiện thường xuyên; chưa thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ… Từ đó, các phong trào khó đi lên; cán bộ (CB), đảng viên (ÐV) vi phạm bị xử lý kỷ luật. Vấn đề này đang đặt ra cho các cấp ủy đảng phải tiếp tục có giải pháp hữu hiệu để củng cố, nâng chất tổ chức đảng ở cơ sở, bởi “gốc có vững, cây mới bền” như lời Bác Hồ từng căn dặn.

Năm 2023, Chi bộ Thi hành án Dân sự huyện Thới Lai quyết tâm khắc phục khuyết điểm, xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh. Trong ảnh: Chi bộ họp triển khai nhiệm vụ công tác xây dựng Ðảng và công tác chuyên môn năm 2023.

“Tụt hạng”

Năm 2022, qua đánh giá, xếp loại cuối năm, nhiều tổ chức đảng ở cơ sở bị “tụt hạng”. Tại huyện Thới Lai, có 4 cơ sở đảng chỉ xếp loại ở mức “Hoàn thành nhiệm vụ”, gồm: Ðảng bộ xã Ðông Bình, Ðảng bộ xã Trường Xuân, Chi bộ Ban Quản lý Dự án và Phát triển quỹ đất huyện, Chi bộ Thi hành án Dân sự huyện. Theo đồng chí Hứa Hồng Tươi, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy, 4 tổ chức cơ sở đảng này những năm trước đều được đánh giá, xếp loại ở mức “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”, nhưng năm 2022 bị tụt xuống mức “Hoàn thành nhiệm vụ”. Nguyên nhân là do có CB, ÐV vi phạm, tham nhũng, có nơi chưa thực hiện nghiêm quy chế dân chủ và quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, biểu hiện chưa đoàn kết nội bộ…

Ở huyện Cờ Ðỏ, qua đánh giá, xếp loại, có 2 tổ chức cơ sở đảng chỉ ở mức “Hoàn thành nhiệm vụ” là Chi bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện và Chi bộ Trường THPT Trần Ngọc Hoằng. Trong đó, Chi bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện có ÐV vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình (sinh con thứ 3); ở Chi bộ Trường THPT Trần Ngọc Hoằng, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng bị Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.

Tại huyện Phong Ðiền, có 1 tổ chức cơ sở đảng chỉ ở mức “Hoàn thành nhiệm vụ” là Chi bộ Chi cục Thi hành án Dân sự huyện, do ông Phạm Hoàng Hùng, Chi cục trưởng và bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyền, phụ trách kế toán Chi cục gây thất thoát 14 tỉ đồng, đã bị thi hành kỷ luật buộc thôi việc. Ông Hùng và bà Tuyền đều vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng và pháp luật về công vụ, công chức. Riêng bà Tuyền còn vi phạm pháp luật về tài chính kế toán. Vụ việc đang được cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tiếp nhận và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Thường trực cấp ủy các quận, huyện, nguyên nhân các tổ chức đảng ở cơ sở chỉ được đánh giá, xếp loại ở mức “Hoàn thành nhiệm vụ” là do chỉ đạo cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ chuyên môn còn hạn chế; quản lý CB, ÐV còn lỏng lẻo, dẫn đến sai phạm phải thi hành kỷ luật; một số CB, ÐV, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị ở những tổ chức đảng này không tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện tha hóa, biến chất, bị vật chất cám dỗ.

Có “bệnh” phải chữa

Năm qua, Chi bộ Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Thới Lai có nhiều khuyết điểm, ÐV vi phạm, nhưng CB, ÐV đơn vị không vì thế mà buông xuôi nhiệm vụ. Nhắc lại chuyện cũ, các ÐV Chi cục Thi hành án Dân sự huyện cho rằng, người đứng đầu cấp ủy, đơn vị có quyền lực trong tay nên cấp dưới biết khuyết điểm nhưng không dám phê bình, e ngại sẽ bất lợi cho mình. Từ đó, ông Trần Văn Cường, nguyên Bí thư Chi bộ, Chi cục trưởng và bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyền, Thẩm tra viên, Thủ quỹ Chi cục đã sửa chữa chứng từ để chiếm đoạt hơn 245 triệu đồng. Hiện nay, cả 2 người này đã bị khai trừ ra khỏi Ðảng, bị cơ quan chức năng bắt tạm giam.

Ðồng chí Lê Phát Ðạt, người vừa được điều động, bổ nhiệm nhận nhiệm vụ Bí thư Chi bộ, Chi cục trưởng 6 tháng nay, nêu quyết tâm: Từ nay, Chi bộ tăng cường công tác chính trị, tư tưởng; quan tâm quán triệt để CB, ÐV tự giác học tập và rèn luyện đạo đức, lối sống và nâng cao ý thức phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tự phê bình và phê bình trong mỗi kỳ họp lệ chi bộ. Trong sinh hoạt, CB, ÐV phải tự đối chiếu 27 biểu hiện về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Ðề cao vai trò, trách nhiệm của chi bộ, cấp ủy đảng trong quản lý và kiểm tra, giám sát ÐV. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm quy chế làm việc, quy chế dân chủ ở cơ sở; quan tâm nắm bắt thông tin dư luận liên quan đến CB, ÐV để uốn nắn, xử lý kịp thời.

Năm 2022, Chi bộ 3B, Ðảng bộ bộ phận khu vực 3, phường Trà An (quận Bình Thủy) chỉ được đánh giá, xếp loại mức “Hoàn thành nhiệm vụ”. Nguyên nhân chính là do 3 ÐV vi phạm bị xử lý kỷ luật khiển trách. Trong đó, 1 ÐV vi phạm Luật Giao thông đường bộ, 1 ÐV sinh con thứ 3, 1 ÐV xây nhà không giấy phép. Ðồng chí Lương Văn Bình, Bí thư Chi bộ thừa nhận, bên cạnh 3 ÐV vi phạm, Chi bộ còn có hạn chế là việc đấu tranh tự phê bình và phê bình chưa thường xuyên; một số ÐV tự phê bình và phê bình chưa tự giác, gương mẫu, tính chiến đấu yếu, còn tư tưởng nể nang, né tránh… Ðồng chí Lương Văn Bình nói: “Từ nay, Ban Chi ủy Chi bộ thực hiện nhiều biện pháp, trong đó nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình, nhất là trong các vấn đề về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kết quả thực hiện nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật của Ðảng, pháp luật của Nhà nước. Trong tự phê bình và phê bình, Ban Chi ủy phải gương mẫu đi đầu; có thái độ nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá đúng hạn chế của từng ÐV để kịp thời uốn nắn, sửa chữa; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để yêu cầu ÐV sửa chữa hạn chế khi còn manh nha, không để tích tụ thành khuyết điểm lớn dẫn đến vi phạm”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tự phê bình và phê bình là việc phải làm thường xuyên như “rửa mặt” hằng ngày của mỗi CB, ÐV. Ðó là thứ vũ khí vô cùng sắc bén để làm trong sạch nội bộ, làm cho tổ chức đảng ngày càng vững mạnh. Theo Người, “Khuyết điểm cũng như chứng bệnh, phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh không dám uống thuốc để đến nỗi bệnh ngày càng nặng”. Vì thế, mỗi tổ chức đảng, CB, ÐV cần nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình bảo đảm có “bệnh” phải chữa, để tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.

Nâng chất “hạt nhân” chính trị ở cơ sở

Ðể tổ chức đảng ở cơ sở xứng tầm là “hạt nhân” chính trị ở cơ sở, đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HÐND thành phố, cho biết: Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức đảng, cấp ủy viên và từng đảng viên về tầm quan trọng của công tác xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức cơ sở đảng. Sự phát triển về mặt số lượng phải đi liền với việc khẳng định vai trò “hạt nhân” lãnh đạo của tổ chức đảng trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Nhiệm vụ này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, kiên trì và gắn với việc thực hiện các yêu cầu về việc nâng cao chất lượng hoạt động của từng tổ chức, từng cấp ủy đảng. Tập trung xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy viên và bí thư cấp ủy ở cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có tư duy đổi mới, sáng tạo, có khát vọng cống hiến, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu và quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách… trên cơ sở nền tảng bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức cách mạng.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Chỉ thị số 05, Kết luận số 21, Kết luận số 01, Nghị quyết số 21 của Trung ương về công tác xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị, ngăn chặn đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các Quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên. Cấp ủy cơ sở phải quan tâm và làm tốt công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên theo hướng nâng cao chất lượng của người vào Ðảng; tăng cường xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; thường xuyên rà soát, sàng lọc những đảng viên không còn đủ tư cách để đưa ra khỏi Ðảng. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức lãnh đạo của cấp ủy cơ sở, nhất là nâng cao chất lượng ban hành các nghị quyết, kế hoạch và đề án của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cơ sở, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn nội dung trọng tâm, cấp thiết để lãnh đạo, chỉ đạo và đảm bảo điều kiện để nội dung của những chủ trương này thực sự đi vào cuộc sống. Ðổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; sinh hoạt chi bộ phải bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu. Tăng cường công tác quản lý đảng viên và quan tâm công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Ðảng, để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm, nhằm làm cho từng tổ chức đảng ở cơ sở trong sạch, vững mạnh hơn…

TP Cần Thơ có 2.433 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, 616 tổ chức cơ sở đảng, hơn 53.000 ÐV. Năm 2021 và 2022, có trên 94% chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và tổ chức cơ sở đảng “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”, trong đó, có 20% “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”; có trên 95% ÐV hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có trên 18% ÐV hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tỷ lệ chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và tổ chức cơ sở đảng xếp loại Hoàn thành nhiệm vụ trở xuống chiếm gần 6%.

Chia sẻ bài viết