21/08/2022 - 10:31

Xây chầu đại bội trong lễ cúng đáo lệ kỳ yên Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh ở An Giang 

NGUYỄN HỮU HIỆP

Lễ cúng đáo lệ kỳ yên Thượng đẳng thần Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, tập trung vào tháng 5 âm lịch được tổ chức nhiều nơi ở An Giang. Ðơn cử tại đình Ða Phước, đình Châu Phú, đình Mỹ Phước, diễn ra trong 3 ngày 10, 11 và 12; Dinh Lễ Thành Hầu (Dinh Ông) tại xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tổ chức trong ngày 7, 8 và 9; Dinh Ông ở thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới, cúng Ông các ngày 8, 9 và 10; tại đình Hòa An và đình Nhơn Mỹ, cúng các ngày 9, 10 và 11… Diễn ra có sớm muộn vài ngày tùy từng nơi, nhưng đều tiến hành đúng theo nghi thức cổ truyền, trong đó có lễ xây chầu đại bội diễn ra trang trọng.

Dinh Ông tại xã Kiến An, huyện Chợ Mới - một trong những điểm tại An Giang diễn ra lễ cúng Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: VĨNH THÔNG

Xây chầu là một hoạt cảnh văn hóa thể hiện ước vọng đất nước thanh bình, nhân dân ấm no hạnh phúc. Xây chầu khai diễn tại võ ca đối diện với chánh điện. Ngay phía trước sân khấu, người ta đặt một cái trống to trên giá thấp bằng gỗ 3 chân, phủ lên tấm lụa điều mới tinh khôi, chờ người chấp sự hay còn gọi là chánh bái - vốn có uy tín, đức độ trong cộng đồng. Ngay sau lời hô xướng “Mời các quan chức tân cựu tựu vị”, người chấp sự đến lạy trình ngôi thờ Lễ thành hầu tại chánh điện, sau đó tiến đến nơi đặt trống trước sân khấu đối diện chánh điện, mở tấm lụa đỏ mới tinh khôi phủ trên mặt trống, làm động tác lau sơ một vòng rồi tung gọn sang một bên. Ở đó đã có người đón hứng và xếp lại thẳng thớm.

Người chấp sự lễ xây chầu một tay cầm roi (dùi trống), một tay bấm ấn Tý, đoạn dùng tay trái tóm lấy phần tay áo rộng và kềm chịu cánh tay phải của mình, rồi dùng ngọn roi làm bút, vẽ tượng trưng lên mặt trống chữ bùa “tứ tung ngũ hoành”. Theo đó di chuyển ngón chân cái trên mặt đất theo hình dáng chữ “Thạnh” (thạnh vượng), rồi dậm thật mạnh xuống nền, thuận thế vẽ lên tượng trưng hai chữ “Sát quỷ”. Liền sau là những động tác như biểu diễn võ thuật tượng trưng cho diệt ma trừ quỷ, cũng là triệt tiêu tai ương, bất hạnh. Sau đó người chấp sự trở lại tư thế bình thường, ung dung tiến về vị trí bên chiếc trống, vừa khấn nguyện, vừa cho roi chầu nhịp mạnh lên mặt trống, ngay vòng Thái cực. Ðồng thời hô xướng “Hà an xã tắc…” và đánh mạnh ba tiếng “thùng, thùng, thùng…”; xướng tiếp “Khôn trung khương thới… ” và cũng đánh mạnh 3 tiếng trống; tiếp theo là “Lê thứ thái bình… ” kèm 3 tiếng trống. Sau đó, người cấp sự quất mạnh roi chầu lên mặt trống 3 hồi, mỗi hồi 30 tiếng (kể cả 3 dùi cuối của mỗi hồi), vị chi 90 tiếng. Trước đánh thưa, sau thúc nhặt, với nhịp điệu nhanh dần. Dù thưa hay nhặt, luôn cả âm thanh lúc nhịp roi đầu và cuối của mỗi hồi, đều được khéo điều chỉnh làm cho tiếng trống vang rất tròn, ấm và rõ. Cứ mỗi lần dứt một hồi trống, người chấp sự ngoai dùi qua một vòng thật đẹp mắt để vừa nhịp vừa thở sâu lấy sức tiếp tục ngay lượt thứ hai, thứ ba. 

Sau những tiếng trống vang động, lễ xây chầu kết thúc với niềm tin rằng thần linh hài lòng, sẽ cho mưa thuận gió hòa, quốc gia thái bình, nhân dân an lạc.

Tiếp nối lễ xây chầu là đại bội - phần trình diễn vô cùng đặc sắc và mang nhiều ý nghĩa. Trước hết là lời xướng “Nhạc công tựu vị…”, mọi người hướng về sân khấu. Nhạc nổi lên. Mỗi nhạc công một nhạc cụ: kèn, phèng la, chập chỏa, trống cơm… khi hòa tấu, khi độc diễn, lúc nhặt, lúc khoan. Cứ mỗi lần ngắt (dứt) một đoạn thì người đánh trống và phèng la đưa dùi lên xá - bái. Trống cái dùng xây chầu khi nãy bây giờ trở thành trống chầu, cầm dùi vẫn là người chấp sự. Tùy người biểu diễn hay - dở, đúng - sai… người chấp sự sẽ ban cho những tiếng “thùng” khen tặng, hoặc chê bởi những tiếng “cắc” (gõ lên tang trống).

Trên sân khấu, mở đầu là một nghệ nhân múa, đóng vai ông Bàn Cổ, hóa trang mặt chim, tượng trưng cho ngôi Thái cực. Kế đó là biểu tượng Sang Nhựt Nguyệt - chuyển từ Thái cực sang Lưỡng nghi. Ðó là một hoạt cảnh được biểu diễn bởi hai nghệ nhân y trang lộng lẫy, nét mặt nghiêm trang mà rạng rỡ: ông Mặt Trời múa võ kép, bà Mặt Trăng múa võ đào. Cả hai đều oai phong, mạnh dạn. Lần lượt “đơn múa”, rồi “hợp múa”, xoay vòng trên sân khấu. Ðặc điểm của màn Sang Nhựt Nguyệt là múa chứ không ca, không nói lối. Nhưng với nghệ thuật điêu luyện, họ thường nhận được khá nhiều tiếng “thùng”, đôi khi được khen “đúp” hai tiếng cùng lúc.

Sau lớp múa là phần lễ dâng hương và lễ dâng hoa (chủ yếu là hoa huệ). Kép trước, đào sau. Người nào cũng bái kính 3 lần mới múa. Mỗi “lễ” họ nhận được không dưới mười tiếng “thùng”. Xong, tất cả đều trao nhang và hoa cho vị đại diện Ban Tế tự rồi bái lạy, lui vào.

Tiếp tục là hoạt cảnh Lưỡng nghi sang Tam tài (trời - đất - người), được hình tượng hóa bởi 3 ông Phước - Lộc - Thọ, gọi “Ba ông hiền”. Nghệ nhân gồm: một lão ông ẵm cháu bé; một lão ông lông mày bạc, râu bạc, cầm gậy quý có treo bầu rượu và một lão ông cầm nhánh hoa huệ. Tất cả đều phe phẩy cây quạt trên tay. "Ba ông hiền" tới tới lui lui, nói lối, rồi cùng hát bài chúc mừng. Người cầm chầu vẫn đang chăm chú theo dõi lời ca, từng động tác, trong khi liền tay gõ “thùng, thùng… ”.

Tiếp theo là Tứ tượng, biểu trưng bởi 4 vị tướng trấn Ðông - Tây - Nam - Bắc, gọi Tứ Thiên Vương. Màn này chỉ múa mà không ca hay nói lối. Cuối màn, 4 ông đưa trình ra 4 tấm lụa điều, trên ấy có những lời chúc mừng như “Quốc thới dân an”, “Thiên hạ thái bình”, “Phong điều vũ thuận”... Bốn cụ trong Ban Tế tự tiến lên sân khấu hoan hỉ đón nhận. Lúc này không chỉ người cầm chầu gõ “thùng, thùng…” mà toàn khán giả đều biểu thị sự vui mừng bằng những tràng pháo tay rất giòn giã.

Lễ xây chầu đại bội kết thúc bởi ba hồi trống của viên chánh bái, như một cách ra hiệu lệnh thông báo cho đào kép biết để chuẩn bị mở màn hát bội. Cứ sau mỗi hồi 3 tiếng “thùng, thùng, thùng…”  dứt thì 3 tiếng “trống chiến” vang lên từ hậu trường đáp lại “rục, rục, rục…”. Ðó là tiếng trống đáp của đoàn hát tỏ ý “đã sẵn sàng”, đồng thời cũng nhằm đa tạ viên chấp sự đã liên tục ban khen (sẽ được thưởng - nhiều hay ít căn cứ trên số thẻ được quăng lên sân khấu ngay sau mỗi tiếng “thùng” khi nãy).

Thế là buổi hát thứ nhứt bắt đầu. Trong suốt mấy đêm hát, võ ca những đêm này vẫn đông nghẹt người trong không khí náo nhiệt, vui vẻ. Xuyên suốt tuồng hát đề cao triết lý sống vô cùng thâm thúy để qua đó tế nhị giáo dục người xem: sống sao cho có ích đặng để tiếng thơm muôn đời cho con cháu, thế hệ sau. Ðêm cuối, vở tuồng bao giờ cũng được kết thúc trong tinh thần đánh đuổi sạch bọn xâm lăng, nước ta thắng lợi trọn vẹn, gọi “tôn vương - phục nghiệp”.

Chia sẻ bài viết