01/01/2011 - 16:21

Doanh nghiệp không chấp hành nghiêm bộ luật lao động

Xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của công nhân

Bài 1: Nợ bảo hiểm xã hội: Câu chuyện chưa hồi kết

Điều tra: Phương Nam

Sau hơn 29 năm làm việc tại Công ty Sửa chữa – Xây dựng Công trình cơ khí giao thông 721 (quận Ninh Kiều), tháng 4-2010, ông Trần Đình Giáp, 55 tuổi, ở quận Ninh Kiều có quyết định nghỉ hưu. Cầm quyết định này đến cơ quan chức năng làm thủ tục hưởng lương hưu, ông mới “phát hoảng” khi biết mình chưa thể lãnh lương hưu do công ty nơi ông làm việc còn nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (gọi tắt là các loại bảo hiểm) của công nhân lao động (CNLĐ) nhiều tháng, với khoản tiền gần 1 tỉ đồng. Khi nào công ty trả hết nợ thì cơ quan bảo hiểm mới giải quyết lương hưu cho ông.

Đoàn kiểm tra Bộ luật Lao động TP Cần Thơ kiểm tra việc chấp hành Bộ luật Lao động tại Công ty TNHH An Khang (Khu CN Trà Nóc). Đây là lần thứ 2 trong năm 2010 Đoàn đến kiểm tra, nhưng công ty vẫn chưa thực hiện nhiều quy định của Bộ luật Lao động. Ảnh: A.D. 

Trường hợp của ông Giáp chỉ là ví dụ điển hình trong hơn 8.000 CNLĐ bị các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước (gọi tắt là DNNNN) nợ chưa đóng các loại bảo hiểm từ 3 tháng trở lên, với tổng số tiền hơn 28 tỉ đồng. Tình trạng các DNNNN vi phạm chế độ trích nộp các loại bảo hiểm thời gian qua đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của công nhân.

* Lách luật để khỏi đóng bảo hiểm cho CNLĐ

Tình trạng vi phạm chế độ trích nộp các loại bảo hiểm cho CNLĐ là một trong những vi phạm phổ biến của các DNNNN hiện nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của CNLĐ. Những vi phạm khác như: không thực hiện tốt các quy định về an toàn vệ sinh lao động; không xây dựng nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể; tổ chức cho CNLĐ làm việc quá thời gian quy định của Bộ luật Lao động... cũng tràn lan trong rất nhiều doanh nghiệp. Mặc dù các ngành chức năng thành phố đã nỗ lực kiểm tra để chấn chỉnh, nhưng tình trạng này vẫn chậm được các chủ DNNNN khắc phục.

Tháng 10 và 11-2010, Đoàn kiểm tra Bộ luật Lao động TP Cần Thơ đã đến kiểm tra việc chấp hành Bộ luật Lao động trong 12 DNNNN trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra cho thấy tình trạng vi phạm Bộ luật Lao động khá phổ biến. Hầu hết các doanh nghiệp chưa chấp hành tốt việc đóng các loại bảo hiểm cho CNLĐ. Điển hình như Xí nghiệp Chế biến thực phẩm MeKo, ở Khu Công nghiệp Trà Nóc I. Xí nghiệp này thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1988, năm 1994 chuyển sang loại hình đầu tư 100% vốn nước ngoài, hoạt động trên lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm. Hiện nay, xí nghiệp sử dụng 132 CNLĐ, nhưng chỉ đóng các loại bảo hiểm cho 12 CNLĐ. Lãnh đạo xí nghiệp này giải thích là do nguyên liệu sản xuất theo mùa vụ nên 120 CNLĐ phải ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) thời vụ (dưới 3 tháng). Theo quy định của Bộ luật Lao động, đối với những HĐLĐ dưới 3 tháng, xí nghiệp không phải đóng các loại bảo hiểm. Tuy nhiên, qua trao đổi với chúng tôi, nhiều CNLĐ của xí nghiệp cho biết, họ đã làm việc trên 3 tháng, thậm chí hơn một năm liên tục, nhưng vẫn không được xí nghiệp cho ký HĐLĐ dài hạn hơn để được đóng các loại bảo hiểm, do đó CNLĐ của xí nghiệp bị thiệt thòi rất nhiều quyền lợi. Chị T.T.N, công nhân đang làm việc tại xí nghiệp, bức xúc: “Tôi làm việc tại xí nghiệp gần hai năm nay nhưng chưa được xí nghiệp đóng các loại bảo hiểm. Do đó, đầu năm nay, khi tôi sinh con mọi chi phí đều tự lo, cũng không được hưởng chế độ thai sản, cuộc sống rất khó khăn...”...

Tương tự, Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm Sông Hậu (huyện Cờ Đỏ) thành lập năm 1999, sử dụng 607 CNLĐ, nhưng chỉ đóng các loại bảo hiểm cho 300 CNLĐ... Lãnh đạo công ty cho rằng 307 CNLĐ chưa được đóng các loại bảo hiểm là do công ty sản xuất theo đơn đặt hàng, sản xuất theo mùa vụ nên phải ký HĐLĐ mùa vụ với số CNLĐ này. Lãnh đạo công ty thừa nhận: Việc không đóng các loại bảo hiểm cho CNLĐ khiến họ chịu nhiều thiệt thòi, nhưng nếu ký HĐLĐ dài hạn với tất cả CNLĐ thì không lo nổi tiền đóng các loại bảo hiểm, vì công ty đang gặp khó khăn... Anh V.T.T, công nhân đang làm việc tại công ty, kể: “Tôi làm việc ở xí nghiệp đã hơn 1 năm nhưng vẫn chưa được xí nghiệp đóng các loại bảo hiểm. Mỗi lần bị bệnh đều phải tự lo chi phí thuốc men. Chúng tôi rất mong chủ doanh nghiệp quan tâm đóng các loại bảo hiểm để chúng tôi đỡ phần nào khó khăn khi bị ốm đau, bệnh tật, thất nghiệp...”.

Không chỉ 2 doanh nghiệp kể trên, qua đợt kiểm tra việc chấp hành Bộ luật Lao động tại 12 DNNNN trên địa bàn thành phố cuối năm 2010 cho thấy, nhiều chủ doanh nghiệp đã thực hiện ký HĐLĐ không đúng loại với nhiều CNLĐ, bởi thực tế nhiều CNLĐ có thời gian làm việc liên tục trên 3 tháng nhưng vẫn phải ký HĐLĐ dưới 3 tháng. Nhiều CNLĐ cho biết, họ nắm rõ việc phải ký HĐLĐ dưới 3 tháng là bị thiệt thòi nhiều quyền lợi, nhưng không dám đấu tranh. Chị N.T.H, Công nhân Công ty TNHH Thực phẩm Xuất khẩu Nam Hải (Khu Công nghiệp Trà Nóc), nói: “Tôi làm việc ở đây đã hơn 1 năm nay nhưng chỉ được công ty mua bảo hiểm tai nạn, chưa được công ty đóng các loại bảo hiểm. Cứ 3 tháng công ty cho ký lại HĐLĐ một lần. Nhiều công nhân khác cũng vậy, chỉ khi nào làm việc đủ 12 tháng liên tục, không bị kỷ luật thì mới được công ty cho ký HĐLĐ dài hạn hơn, lúc đó mới được đóng các loại bảo hiểm. Biết rằng công ty làm không đúng luật, nhưng chẳng ai dám khiếu nại, vì sợ mất việc”.

Bà Hoàng Thị Băng, Phó trưởng Phòng Kiểm tra BHXH TP Cần Thơ, khẳng định: “Tình trạng nhiều CNLĐ làm việc liên tục thời gian trên 3 tháng, nhưng chỉ được ký HĐLĐ mùa vụ dưới 3 tháng là một trong những cách các chủ doanh nghiệp cố tình “lách luật” để “trốn” đóng các loại bảo hiểm cho CNLĐ. Từ đó, CNLĐ trong các DNNNN bị thiệt thòi rất nhiều quyền lợi”.

* Chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm của CNLĐ

Bên cạnh tìm mọi cách để “né” đóng các loại bảo hiểm cho CNLĐ, nhiều DNNNN còn vi phạm chế độ trích nộp các loại bảo hiểm cho CNLĐ. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý thu, BHXH TP Cần Thơ, toàn thành phố hiện nay có 1.151 DNNNN tham gia đóng các loại bảo hiểm cho 50.274 CNLĐ. Việc đóng các loại bảo hiểm cho CNLĐ của các doanh nghiệp rất ì ạch. Đến cuối tháng 12-2010, vẫn còn đến 244 DNNNN nợ các loại bảo hiểm của 8.150 CNLĐ từ 3 tháng trở lên, với tổng số tiền hơn 28 tỉ đồng. Trong số này, có nhiều doanh nghiệp chiếm dụng tiền bảo hiểm của CNLĐ (tức là hằng tháng có trừ tiền các loại bảo hiểm từ lương của CNLĐ nhưng không nộp cho cơ quan BHXH). Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý thu, BHXH TP Cần Thơ, cho biết: “Để thu hồi nợ bảo hiểm, hằng tháng chúng tôi phải điện thoại nhắc nhở, cử cán bộ và thành lập các đoàn đến làm việc với doanh nghiệp. Khi đến làm việc, một số doanh nghiệp có nộp nhưng số lượng nhỏ giọt, một số doanh nghiệp “hứa” nhưng không chấp hành, một số “chây ì” đưa ra lý do sản xuất kinh doanh thua lỗ. Cá biệt, có doanh nghiệp nói thẳng không có tiền để nộp, có chủ doanh nghiệp không tiếp đoàn... Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với đoàn kiểm tra pháp luật lao động của thành phố kiểm tra việc trích nộp bảo hiểm trong những doanh nghiệp nợ bảo hiểm từ 3 tháng trở lên. Sau khi kiểm tra, kiến nghị, một số doanh nghiệp có khắc phục nợ cũ nhưng sau đó lại tái nợ...”.

Công ty Sửa chữa – Xây dựng Công trình cơ khí giao thông 721 (quận Ninh Kiều) nợ các loại bảo hiểm của 141 CNLĐ từ tháng 4-2010 đến nay với số tiền hơn 900 triệu đồng; Công ty Cổ phần Công nghiệp Tàu thủy và Vận tải Cần Thơ (quận Bình Thủy) nợ các loại bảo hiểm của 283 CNLĐ từ tháng 2-2010 đến nay, với số tiền hơn 1,95 tỉ đồng; Công ty TNHH Thủy sản Panga Mekong (Khu Công nghiệp Trà Nóc) nợ các loại bảo hiểm của 431 CNLĐ từ tháng 1-2010 đến nay, với số tiền hơn 1,38 tỉ đồng; Công ty Xây dựng Công trình 675 (quận Bình Thủy) nợ các loại bảo hiểm của 177 CNLĐ từ tháng 2-2010 đến nay, với tổng số tiền hơn 1,2 tỉ đồng; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy sản Thiên Mã (Khu Công nghiệp Trà Nóc) nợ các loại bảo hiểm của 668 CNLĐ từ tháng 7-2010 đến nay, với số tiền hơn 1,22 tỉ đồng...

Tình trạng cố tình né tránh, không tuân thủ quy định của pháp luật về trích nộp các loại bảo hiểm cho CNLĐ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của CNLĐ. Ông Trần Đình Giáp, 55 tuổi, ở quận Ninh Kiều, bức xúc: “Tôi làm việc tại Công ty Sửa chữa – Xây dựng Công trình cơ khí giao thông 721 (quận Ninh Kiều) 29 năm. Tôi đã nghỉ hưu 6 tháng nay nhưng vẫn chưa được hưởng chế độ hưu, do công ty còn nợ BHXH 8 tháng. Tôi nghĩ các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp để bảo vệ quyền lợi cho người lao động”. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý thu, BHXH TP Cần Thơ, hiện nay, có không ít CNLĐ dù có quyết định nghỉ hưu, nhưng chưa được hưởng chế độ hưu trí do doanh nghiệp còn nợ bảo hiểm.

Bài 2: Coi thường pháp luật và sức khỏe người lao động

Chia sẻ bài viết