26/10/2010 - 20:58

Xác định "dòng chảy" của hàng Việt Nam

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại phiên chợ hàng Việt Nam diễn ra ở huyện Càng Long (Trà Vinh) trong tháng 10-2010.

“Dòng chảy” của sản phẩm dễ bị “tắc” do hệ thống phân phối của doanh nghiệp (DN) chưa phủ khắp thị trường. “Chỉ đàng đi buôn” là cách nói ví von của các DN sau khi Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) vừa công bố bản đồ phân phối hàng Việt Nam tại tỉnh Trà Vinh và dự kiến sẽ mở rộng ra khu vực ĐBSCL thời gian tới. Trên cơ sở này, DN sẽ tổ chức lại kênh phân phối và có chiến lược kinh doanh hiệu quả trong việc đưa hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường nội địa, tạo niềm tin vững chắc trong lòng người tiêu dùng.

* Thực trạng

Giới thiệu về bản đồ phân phối hàng Việt Nam tại tỉnh Trà Vinh, ông Thanh Hữu, phụ trách công tác này, cho biết: “Nhóm nghiên cứu của BSA và các cộng sự đã thực hiện 6 bước, gồm: Nghiên cứu thị trường, hệ thống phân phối hiện hữu, hậu cần, mô hình quản lý nhà phân phối, triển khai mô hình và vẽ bản đồ phân phối. Các số liệu, thông tin được thu thập từ khảo sát thực tế các điểm bán lẻ, hộ kinh doanh và người tiêu dùng. Đồng thời, điều tra, khảo sát các nhà phân phối hiện hữu về những mặt hàng, ngành hàng và phân phối chính của các công ty, DN. Trên cơ sở đó, tổng hợp số liệu thực tế điều tra và so sánh với số liệu thống kê ở địa phương nhằm xác định dòng chảy sản phẩm”. Từ kết quả nghiên cứu này, đã đánh giá được thực trạng về mạng lưới phân phối của hàng Việt Nam trên thị trường, tâm lý người tiêu dùng và tạo cơ hội để DN thâm nhập vào thị trường.

Kết quả điều tra về bản đồ phân phối được thí điểm tại Trà Vinh, có đến 75-80% mặt hàng thực phẩm và hóa mỹ phẩm được phân phối theo hệ thống từ DN thông qua nhà phân phối để đưa hàng đến điểm bán sỉ và lẻ; 20-25% tiểu thương lấy hàng từ các chợ bán sỉ ở TPHCM, Metro và các tỉnh khác về bán lại. Một điểm nhấn quan trọng là người tiêu dùng hiện nay đã quay lại với hàng hóa có xuất xứ trong nước bởi giá cả, chất lượng phù hợp, nhất là hàng gia dụng từ nhôm, nhựa... Riêng mặt hàng giày dép, quần áo may sẵn hiện có trên thị trường rất khó phân biệt hàng nội địa và hàng nhập khẩu. Nhiều trường hợp hàng Trung Quốc được dán chồng nhãn lên hàng Việt Nam trước khi tung ra thị trường, người tiêu dùng rất khó nhận biết. Tại Trà Vinh, hàng may mặc có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm đến 60% lượng hàng nhập ngoại.

Theo các chuyên gia, dòng chảy của sản phẩm dễ bị “tắc” vì hệ thống phân phối chưa được phủ khắp. Thống kê tại Trà Vinh có 17 nhà phân phối các mặt hàng thực phẩm và hóa mỹ phẩm. Là tỉnh thuần nông, kinh tế không vượt trội so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, nhưng Trà Vinh được đánh giá là thị trường tiềm năng. Nhiều DN đã thực hiện hỗ trợ vận chuyển hàng hóa cho các đại lý phân phối tại tỉnh. Hiện có hai công ty đa quốc gia (Unilever và Colgate Palmolive) đã đánh giá được tiềm năng này, nên xây dựng chi nhánh đến cấp huyện, khơi thông dòng chảy sản phẩm, đưa hàng hóa đến tận khu vực nông thôn. Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất trong nước vẫn chưa với được tới thị trường cấp tỉnh mà phân phối hàng qua chành, vựa tại TP Hồ Chí Minh hoặc qua các chợ bán sỉ. Vì thế, nhiều sản phẩm mới khó tiếp cận nhanh với thị trường, người tiêu dùng nhiều lúc nghe thông tin về sản phẩm mới của DN, nhưng lại không tìm được ở địa phương.

* Khơi “dòng chảy”

Vẽ bản đồ phân phối đã được các công ty đa quốc gia thực hiện từ nhiều năm qua. Thế nhưng, đối với DN Việt Nam, đây là việc làm “xa xỉ” vì tốn kém nhiều chi phí. Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA, cho biết: “Vẽ bản đồ phân phối tại Trà Vinh là xuất phát từ thực tế mà BSA đã tự đặt trách nhiệm cho mình và bắt tay vào thực hiện. Rất nhiều DN Việt Nam muốn vẽ bản đồ phân phối nhưng không đủ thực lực, điều kiện kinh tế. Trong khi đây là công việc cần thiết để đưa hàng hóa xuất hiện trên thị trường. Kết quả vẽ bản đồ phân phối đã được DN đón nhận và hiện đang chuyển giao cho các DN cần. Sắp tới, BSA sẽ tiếp tục vẽ bản đồ ở các tỉnh, thành khác. Ưu tiên các địa bàn mà DN chọn”. Kết quả này là công cụ làm cơ sở định hướng phát triển kinh tế theo hướng tích cực.

Vẽ bản đồ phân phối được xem là thêm một bước chuyên nghiệp cho cuộc “tổng tiến công” đưa hàng Việt Nam về nông thôn, chiếm lĩnh thị trường nội địa bên cạnh các phiên chợ, hội chợ hàng Việt Nam. Từ đó, các DN có những bước đi hiệu quả, ít tốn kém để đưa hàng đến tay người tiêu dùng, chinh phục lòng tin người tiêu dùng. Theo ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, bản đồ phân phối tỉnh Trà Vinh đã cung cấp các thông tin và điều kiện thuận lợi nhất cho DN xây dựng và phát triển mạng lưới phân phối cho hàng Việt Nam. Đây là một sáng kiến mà Bộ Công Thương rất quan tâm, khuyến khích. Bộ sẽ tiếp tục ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các cơ quan, tổ chức xã hội, các DN trong nước tiếp tục triển khai tích cực và có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thị trường trong nước, quảng bá và giới thiệu DN, sản phẩm với người tiêu dùng Việt Nam.

Ông Lê Tấn Lực, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Bản đồ phân phối tìm được những vết loang lổ của hàng Việt Nam trên thị trường để DN có thể “lấp đầy” bằng chính sách về giá, chất lượng, hậu mãi. Đây là nghiên cứu khảo sát, đánh giá thị trường được thực hiện một cách bài bản, có sự tham gia của giới chuyên môn, tạo cơ sở cho DN tiếp cận tốt với thị trường. Đồng thời, xây dựng chiến lược kinh doanh riêng cho sản phẩm của DN để thuyết phục người tiêu dùng nội địa, cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Trà Vinh sẽ hỗ trợ hết mình cho DN đưa hàng phân phối tại Trà Vinh để góp phần phát triển kinh tế, đẩy mạnh việc đưa hàng Việt về địa phương”. Theo cam kết WTO, từ ngày 1-1-2009, DN có vốn đầu tư nước ngoài được hoạt động trong lĩnh vực phân phối dưới hình thức 100% vốn nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều dự đoán thị trường nội địa sẽ bị “thâu tóm” bởi các nhà bán lẻ nước ngoài chuyên nghiệp và đầy tiềm lực về tài chính, nhưng thực tế đến hiện tại, thị phần bán lẻ Việt Nam vẫn rộng cửa. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng, cơn bão tài chính năm 2009 đã tác động rất lớn đến DN nước ngoài, nên cuộc “đổ bộ” giành thị phần bán lẻ không diễn ra rầm rộ như dự đoán. Nhưng khi nền kinh tế các nước phục hồi, thì các DN sẽ phải đối diện với cuộc cạnh tranh mới. Do vậy, đây là thời điểm quan trọng để DN tái cấu trúc lại, xây dựng mạng lưới phân phối phù hợp để tiếp cận thị trường nội địa một cách khoa học và bền vững nhất.

Bài, ảnh: Miên Hạ

Chia sẻ bài viết