23/12/2022 - 08:28

WHO lo ngại về tình hình COVID-19 tại Trung Quốc 

HẠNH NGUYÊN (Theo AP)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ lo ngại trước những báo cáo về số ca nhiễm COVID-19 nặng ở Trung Quốc sau khi nước này từ bỏ chính sách “không COVID”, đồng thời cảnh báo tỷ lệ tiêm vaccine thấp có thể khiến nhiều người già yếu bị nhiễm bệnh.

Vận chuyển bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AP

“WHO rất lo ngại về tình hình dịch bệnh đang diễn biến ở Trung Quốc khi có ngày càng nhiều báo cáo về các ca bệnh nghiêm trọng”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh tại cuộc họp báo ngày 21-12. Ông cho rằng WHO cần thêm thông tin về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh tại Trung Quốc, nhất là số ca nhập viện và được điều trị trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt, để đánh giá rủi ro toàn diện. Theo ông Tedros, mặc dù số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu đã giảm hơn 90% kể từ đỉnh dịch, vẫn còn quá nhiều điều chưa rõ về virus này để kết luận đại dịch đã kết thúc.

Một số nhà khoa học cảnh báo sự lây lan COVID-19 ở Trung Quốc có thể dẫn tới sự xuất hiện các biến thể mới, nguy cơ thổi bay những tiến bộ mà thế giới đạt được trong việc kiềm chế đại dịch. Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, nói rằng số ca nhiễm gia tăng tại Trung Quốc không chỉ do nước này dỡ bỏ nhiều chính sách kiểm soát COVID-19 mà còn bởi không thể ngăn chặn sự lây lan của Omicron, biến thể dễ lây nhiễm nhất từng được thấy của virus gây bệnh COVID-19.

Tỷ lệ tiêm chủng ở nhóm người trên 60 tuổi tại Trung Quốc thấp hơn so với nhiều quốc gia khác, trong khi hiệu lực của các vaccine do Trung Quốc điều chế chỉ khoảng 50%. Nói như Tiến sĩ Ryan, đó không phải là sự bảo vệ đầy đủ ở quốc gia đông dân như Trung Quốc, nơi có nhiều người dễ tổn thương. Theo Hãng tin Reuters, tỷ lệ chủng ngừa COVID-19 của Trung Quốc là trên 90%, nhưng tỷ lệ tiêm nhắc lại cho người lớn giảm xuống còn 57,9% và 42,3% cho người từ 80 tuổi trở lên. Ðến nay, Trung Quốc vẫn từ chối phê duyệt các vaccine sử dụng công nghệ mRNA do phương Tây sản xuất, vốn đã cho thấy hiệu quả cao hơn các chế phẩm của Trung Quốc.

Mặt khác, ông Ryan cũng nhận xét cách Trung Quốc định nghĩa ca tử vong do COVID-19 là quá hẹp, khi chỉ tính những trường hợp bị suy hô hấp. “Những nạn nhân xấu số của COVID-19 chết vì suy đa tạng, trong bối cảnh mắc bệnh ở thể nặng. Vì thế, chỉ dừng lại ở việc xác định bệnh nhân chết sau khi dương tính với COVID-19 và bị suy hô hấp, sẽ đánh giá không đúng số ca tử vong thực tế do COVID-19, ông Ryan lập luận.

Liên quan vấn đề này, ông Vương Quý Cường, Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện số 1 Ðại học Bắc Kinh, ngày 20-12 nói rõ Trung Quốc sẽ chỉ xem những trường hợp chết vì viêm phổi hoặc suy hô hấp do SARS-CoV-2 gây ra là ca tử vong liên quan đến COVID-19. Còn những bệnh nhân COVID-19 chết do mắc bệnh nền thì không được tính là ca tử vong vì nhiễm SARS-CoV-2. Ðến nay, Trung Quốc đại lục ghi nhận hơn 389.000 ca nhiễm COVID-19 có triệu chứng, với 5.200 ca tử vong.

Những quốc gia, chẳng hạn như Anh, định nghĩa ca tử vong do COVID-19 là trường hợp bệnh nhân chết trong vòng 28 ngày kể từ lúc dương tính với virus. Còn ở Mỹ, bất cứ ca tử vong nào mà COVID-19 là yếu tố hoặc “thủ phạm” gây ra đều được xem là chết vì nhiễm virus. Gần như mọi quốc gia đều gặp khó trong thống kê số người chết vì COVID-19. Ngay cả WHO hồi tháng 5 từng ước tính trên thế giới có gần 15 triệu người chết do COVID-19, nhiều hơn gấp đôi con số chính thức là 6 triệu ca.

Ngày 21-12, Nhật Bản ghi nhận thêm 206.445 ca mắc mới COVID-19, tăng khoảng 16.000 ca so với một tuần trước đó. Ðây là lần đầu tiên số ca mắc mới ở nước này vượt ngưỡng 200.000 ca/ngày kể từ hôm 25-8.

Chia sẻ bài viết