02/02/2008 - 17:07

Vượt qua thách thức, phát triển bền vững

Năm 2007, qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố, cho thấy hầu hết các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều cải thiện được thứ hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh và có rất nhiều tỉnh nằm trong nhóm có chỉ số tốt và rất tốt. Có nghĩa là môi trường đầu tư của khu vực ĐBSCL đang có bước cải thiện khá rõ nét, sự thu hút đầu tư ở các tỉnh, thành ngày càng tốt hơn. Các địa phương trong khu vực đang chủ động nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức để phát triển bền vững trong tiến trình hội nhập WTO.

Đồng chí Nguyễn Tấn Quyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP Cần Thơ:
Đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường hợp tác với các tỉnh vùng ĐBSCL để tăng sức hút đầu tư

Hai năm trở lại đây, để gia tăng sức hút đầu tư, TP Cần Thơ đã tổ chức ký kết hợp tác phát triển với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL như: Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Trà Vinh, Tiền Giang...; tổ chức nhiều đoàn xúc tiến, mời gọi đầu tư đi các nước: Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc... để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của thành phố. Nhiều đoàn doanh nghiệp từ các nước đã đến khảo sát thực tế và ký kết một số ghi nhớ về đầu tư tại Cần Thơ. Đây là “những luồng gió mới”, là tiền đề rất quan trọng để thúc đẩy thu hút đầu tư vào thành phố trong thời gian tới.

Năm 2004, thành phố chỉ có 110 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 350 triệu USD và sử dụng 15.800 lao động. Đến cuối năm 2007, tại các khu công nghiệp có 157 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 883 triệu USD; trong đó, có 116 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, thu hút trên 22.000 lao động. Riêng năm 2007, các khu công nghiệp thu hút vốn đầu tư đăng ký gần 320 triệu USD, tăng 51,55% so với năm 2006. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thành phố năm 2007 ước đạt trên 11.900 tỉ đồng, tăng 22,6% so với năm 2006 và tăng gấp hơn 2,9 lần so với năm 2004. Thành phố còn có gần 40 chi nhánh, văn phòng đại diện của các ngân hàng trong và ngoài nước (tăng gấp đôi so với cuối năm 2004).

Mặc dù có nhiều chuyển biến nhưng việc thu hút đầu tư vào thành phố cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Khó khăn, thách thức lớn nhất hiện nay vẫn là kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố còn yếu kém và chưa đồng bộ. TP Cần Thơ vẫn còn cách trở về mặt địa lý với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Nhiều năm qua, chỉ có độc đạo tuyến Quốc lộ 1 đi qua thành phố và là đầu mối giao thông với các tỉnh trong khu vực, lại đang trong tình trạng quá tải. TP Cần Thơ chưa có cảng nước sâu để đón tàu trọng tải lớn, chưa có tuyến đường sắt liên vận Bắc - Nam, trong khi cảng hàng không Quốc tế còn đang xây dựng...

Để nâng cao hơn nữa sức hút và hiệu quả đầu tư vào thành phố trong thời gian tới, TP Cần Thơ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tập trung đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn như: cầu Cần Thơ, Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, quốc lộ Nam sông Hậu, dự kiến cuối năm 2008 đầu năm 2009 có thể đưa vào vận hành. Cảng Cái Cui được đầu tư nâng cấp dự kiến năm 2010 sẽ tăng sản lượng hàng hóa bốc dỡ qua cảng lên từ 3 đến 5 triệu tấn/năm. TP Cần Thơ sẽ được Chính phủ cho phép có những cơ chế chính sách để mời gọi đầu tư tập trung vào những công trình lớn như: đường cao tốc 6 đến 8 làn xe từ TP Cần Thơ đi An Giang và đến Phnom Penh (Campuchia). Đồng thời, kêu gọi đầu tư mở rộng nâng cấp các tuyến Quốc lộ 91, 91B, các công trình kè sông Cần Thơ, xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, đặc biệt là khu đô thị mới 20.000 ha ở Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ...

Song song với việc kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục triển khai nhanh và hoàn thành các công trình đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng cho vùng ĐBSCL và TP Cần Thơ, lãnh đạo thành phố đã xác định phải đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi mời gọi các nhà đầu tư. Đây cũng là cơ sở để thành phố thực hiện xã hội hóa trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao...

Muốn đạt được những mục tiêu trên, TP Cần Thơ phải có sự vận dụng và đề xuất với Chính phủ những cơ chế chính sách đặc thù về các vấn đề như: đất đai, thuế, chính sách tài chính - tiền tệ, tín dụng, chứng khoán... Thời gian qua, thành phố đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đến đầu tư tại TP Cần Thơ như: miễn giảm tiền thuê đất, hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đào tạo nghề... Tới đây, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành các chính sách về bồi hoàn tái định cư, về quản lý, đào tạo và sử dụng lao động; xây nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp tập trung; đẩy mạnh đầu tư các cơ sở hạ tầng kỹ thuật bằng nhiều hình thức huy động vốn (ngân sách, doanh nghiệp ứng vốn trước, BOT, Nhà nước và nhân dân cùng làm...). Thành phố đang kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, chợ và các trung tâm thương mại dịch vụ; ưu tiên phát triển các ngành, các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường...

Nhằm giải quyết khó khăn về nguồn nhân lực, thành phố đã tập trung đầu tư và nâng cấp một số trường trung cấp nghề của địa phương thành cao đẳng nghề, cao đẳng kinh tế kỹ thuật...; tăng cường hợp tác đào tạo với TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác để nâng cao năng lực, chất lượng và qui mô đào tạo nguồn nhân lực các ngành nghề kỹ thuật cao. Ngày 3-1-2008, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã được khởi công xây dựng. TP Cần Thơ đang hình thành một hệ thống các trường đại học, cao đẳng tập trung mở rộng qui mô và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố và cả vùng ĐBSCL.

Trong quá trình triển khai các hoạt động thu hút đầu tư, thành phố luôn đặt mình trong mối tương quan phát triển chung của cả vùng và cả nước. Bởi Cần Thơ phát triển không chỉ vì Cần Thơ mà còn vì sự phát triển của toàn vùng ĐBSCL và của cả nước.

XUÂN QUYÊN (thực hiện)

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc:
Hậu Giang phát huy lợi thế gần TP Cần Thơ

Sau khi chia tách từ tỉnh Cần Thơ cũ, tỉnh Hậu Giang có một khu vực chiều dài hơn 10 km ven sông Hậu thuộc huyện Châu Thành. Trong tương lai, Quốc lộ Nam sông Hậu từ Cần Thơ đến Cảng biển Trần Đề (Sóc Trăng) sẽ đi qua phần đất này. Vì nằm giáp ranh với khu đô thị - công nghiệp Nam Cần Thơ, sát nách cảng Cái Cui và cầu Cần Thơ nên nơi đây đã trở thành vùng “đất vàng” của tỉnh Hậu Giang. Chính từ xác định này, nên ngay từ buổi đầu thành lập, Hậu Giang đã chọn quy hoạch vạt đất ấy thành Khu công nghiệp Sông Hậu qui mô diện tích 578 ha. Trong lúc tỉnh đang xoay xở nguồn kinh phí đầu tư thì Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã quyết định thuê 290 ha đất ở đây và sẵn sàng ứng vốn trước để Hậu Giang giải phóng mặt bằng. Trong lúc có rất nhiều khu công nghiệp đã xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh kêu gọi nhưng Vinashin lại chọn Hậu Giang và phải chịu ứng vốn đầu tư trước là vì họ đã thấy được tiềm năng chiến lược từ khu công nghiệp này. Mới đây Công ty Cổ phần Thủy Hải sản Minh Phú và Công ty Cổ phần chế biến thủy hải sản & xuất nhập khẩu Cà Mau cũng đã đăng ký thuê 54ha đất ở đây. Như vậy, hiện nay đất công nghiệp ở Khu công nghiệp Sông Hậu cơ bản đã được lấp đầy.

Trong cùng thời gian này, tỉnh Hậu Giang tiếp tục quy hoạch Cụm công nghiệp Phú Hữu A nối đuôi Khu công nghiệp Sông Hậu với diện tích 110 ha. Tính chung từ khi tái lập tỉnh đến nay, Hậu Giang đã thu hút 77 dự án đầu tư trong nước với số vốn hơn 5.600 tỉ đồng và 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số vốn 629 triệu USD. Hậu Giang đang được xếp thứ 7 trong cả nước về thu hút vốn FDI. Từ năm 2004 đến nay bình quân mỗi năm Hậu Giang đã cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho trên 120 doanh nghiệp (DN), nâng tổng số DN hiện có lên 1.014 DN với tổng số vốn hơn 8.300 tỉ đồng, (tăng gần gấp đôi so với thời điểm mới thành lập tỉnh). Theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ thì Hậu Giang là tỉnh đặc biệt khó khăn, do đó những nhà đầu tư đến đầu tư tại Hậu Giang sẽ được miễn giảm thuế, tiền sử dụng đất...

Xét về vị trí địa lý thì Khu công nghiệp Sông Hậu, Cụm công nghiệp Phú Hữu A, cụm công nghiệp Tân Phú Thạnh của tỉnh Hậu Giang có vị thế thuận lợi không thua kém các khu công nghiệp ở TP Cần Thơ. Do nằm cách trung tâm TP Cần Thơ không xa, nên cũng sẽ dễ dàng thu hút được nguồn nhân lực, chất xám từ TP Cần Thơ về phục vụ phát triển trong khi giá thuê đất lại thấp hơn rất nhiều lần. Những lợi thế như trên đã tạo sức hút nhà đầu tư ứng vốn để giải phóng mặt bằng, giúp Hậu Giang tuy “tay không” mà vẫn phát triển được công nghiệp.

P.K (thực hiện)

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Hữu Chí:
Chú trọng thu hút dự án đầu tư sản xuất công nghiệp, thương mại - du lịch

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, tỉnh đã có nhiều giải pháp về cơ chế chính sách, về đầu tư hạ tầng, đào tạo nghề... nhằm tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và có sức hấp dẫn. Đặc biệt, trong thời gian qua, Tiền Giang đã có hàng loạt chính sách có thể được xem là mang tính đột phá để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư như: Quy định ưu đãi đầu tư vào Khu công nghiệp Tân Hương; Chính sách về khuyến khích, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Quy định về khuyến khích và ưu đãi đầu tư vào Khu công nghiệp Mỹ Tho; Quy định về thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Quy chế Phối hợp liên ngành trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Quy chế Quản lý và sử dụng Quỹ khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ... Các chính sách này đã mang lại cho tỉnh nhiều thành tựu đáng kể: kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ nhanh và chất lượng cao hơn giai đoạn trước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 6 năm 2001-2006 đạt khoảng 23.136 tỉ đồng, chiếm 36,4% so với tổng GDP (riêng năm 2007 ước đạt 6.900 tỉ đồng).

Xét về những yếu tố đặc thù của địa phương, Tiền Giang là tỉnh vừa thuộc vùng ĐBSCL, vừa thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là hai vùng kinh tế đang phát triển mạnh. Do nằm giữa 2 vùng kinh tế, nên Tiền Giang rất thuận lợi trong việc tiếp cận với nhiều dự án, lĩnh vực ngành nghề đầu tư, tiếp thu kiến thức khoa học, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, quản lý, điều hành sản xuất...

Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là hệ thống hạ tầng kỹ thuật của địa phương. Những năm gần đây tỉnh đã quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhưng đến nay nhiều dự án xây dựng vẫn còn là quy hoạch, hoặc có triển khai nhưng chưa hoàn chỉnh, không đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhà đầu tư.

Muốn đáp ứng yêu cầu tăng trưởng cao trong thời gian tới, Tiền Giang sẽ phải đẩy nhanh tiến độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và thương mại dịch vụ trong GDP, phải thu hút thật nhiều dự án đầu tư sản xuất công nghiệp, thương mại - du lịch...

N. T (thực hiện)

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trương Ngọc Hân:
Tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư

Năm 2007, Đồng Tháp có bước phát triển mới và khá toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng ở mức cao (15,26%), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được tăng thêm 2 bậc so với năm 2006 (xếp thứ 9/64 tỉnh, thành), đã tạo thuận lợi để địa phương thu hút các nhà đầu tư. Trong năm qua, có khoảng 3.250 đơn vị cơ sở, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỉ đồng. Riêng các khu công nghiệp (KCN) đã có thêm 15 dự án mới đăng ký đầu tư, nâng tổng số lên 39 dự án, có tổng vốn đầu tư đăng ký 2.200 tỉ đồng và 22,6 triệu USD, trong đó 16 dự án đã đi vào hoạt động, 10 dự án đang thi công, các dự án còn lại đang hoàn chỉnh thủ tục đầu tư. Các cụm công nghiệp cũng đã có 30 dự án đăng ký đầu tư, với tổng nguồn vốn đăng ký trên 1.270 tỉ đồng, trong đó có 2 dự án đã đi vào hoạt động, 8 dự án đang triển khai thi công. Đồng thời, năm qua, Đồng Tháp còn tiếp đón nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư và đã có nhiều cam kết sẽ xúc tiến đầu tư trong thời gian tới. Đó là Tập đoàn Vinashin cam kết đầu tư trong lĩnh vực đóng tàu; Casuvina sẽ đầu tư trong lĩnh vực bóng đá, phát triển đô thị, xây dựng hạ tầng; Vinasun đầu tư trong các lĩnh vực phát triển dịch vụ và đô thị; các tập đoàn Daewoo (Hàn Quốc), SCG Thái Lan, đoàn doanh nghiệp Trung Quốc cũng đặt vấn đề hợp tác đầu tư tại tỉnh Đồng Tháp.

Mặc dù đạt nhiều kết quả thu hút đầu tư khả quan, nhưng so với tiềm năng còn rất lớn, thì Đồng Tháp còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa trong kêu gọi thu hút đầu tư. Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp luôn nhận thức rằng, doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả trên địa bàn cũng chính là sự phồn vinh và phát triển của địa phương, nên trong những năm qua đã ban hành chính sách ưu đãi và khuyến khích đầu tư vào các KCN, cụm công nghiệp, đồng thời thực hiện cải cách hành chính “một cửa” đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư. Sắp tới, Đồng Tháp sẽ tiếp tục thường xuyên rà soát, cập nhật sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đã ban hành để tạo sự hấp dẫn, đồng thời tập trung xây dựng hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tận tâm phục vụ dân và doanh nghiệp, nhằm tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất và kinh doanh của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Các nhà doanh nghiệp hãy mạnh dạn đến với Đồng Tháp và chắc chắn sẽ nhận được những lợi ích thiết thực.

H.B (thực hiện)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Trương Văn Sáu:
Ưu tiên cho những dự án sử dụng công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường

Những năm gần đây, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu và đầu tư vào Vĩnh Long ngày càng nhiều, kết quả thu hút đầu tư có bước khởi sắc. Năm 2007, có đến 18 dự án trong và ngoài nước đầu tư vào Vĩnh Long với tổng mức vốn đăng ký trên 3.000 tỉ đồng. Trong đó, có một số dự án có quy mô đầu tư tương đối lớn như dự án nhà máy bia Sài Gòn - Vĩnh Long với vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 1.750 doanh nghiệp, với tổng vốn đầu tư trên 4.700 tỉ đồng. Trong đó, có 12 doanh nghiệp đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký gần 63 triệu USD. Đây là những doanh nghiệp có thế mạnh về vốn, công nghệ sản xuất hiện đại, sản phẩm chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu.

Đạt được kết quả này, kinh nghiệm chung nhất trước hết là lãnh đạo tỉnh luôn nhận thức rõ trở ngại, khó khăn trong thu hút đầu tư. Từ đó, đã có sự chỉ đạo tập trung khắc phục những mặt yếu kém, đồng thời phát huy những thế mạnh để thúc đẩy thu hút đầu tư tốt hơn. Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt cơ chế “một cửa” nhằm giảm bớt phiền hà cho nhà đầu tư. Đồng thời, tỉnh cũng thường xuyên cập nhật các quy định của Trung ương để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các chủ trương, chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư của địa phương theo hướng thuận lợi cho nhà đầu tư... Tuy nhiên, đây chỉ là những yếu tố “cần” chứ chưa “đủ”. Vấn đề quan trọng trong thu hút đầu tư là phải tạo được sự tin tưởng, hài lòng đối với nhà đầu tư thông qua tình cảm chân thành, mến khách và quyết tâm hợp tác giữa địa phương và doanh nghiệp trên tinh thần cùng có lợi. Chúng tôi cũng đã xác định trong thời gian tới Vĩnh Long sẽ tiếp tục gặp không ít khó khăn thách thức trong thu hút đầu tư. Nhưng tỉnh sẽ quyết tâm đẩy mạnh thu hút đầu tư bằng mục tiêu là sẽ ưu tiên thu hút những dự án có vốn đầu tư lớn, sử dụng đất đai ít, công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường, những dự án thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã công bố Vĩnh Long được xếp hạng 3 trên cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2007. Kết quả này cho thấy Vĩnh Long đang có nhiều cơ hội để đẩy mạnh thu hút đầu tư. Tới đây, Vĩnh Long sẽ mời một số chuyên gia để phân tích những chỉ tiêu năng lực cạnh tranh mà tỉnh đã đạt được và các chỉ tiêu còn hạn chế, để từ đó có hướng khắc phục, nhằm đưa lĩnh vực thu hút đầu tư của địa phương ngày càng phát huy hiệu quả.

G.B (thực hiện)

Chủ tịch UBND tỉnh Long An DƯƠNG QUỐC XUÂN:
Nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút nhà đầu tư chiến lược

Long An là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, lợi thế của tỉnh còn là vùng giãn nở công nghiệp và đô thị cách TP Hồ Chí Minh 40 km. Hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh tương đối hoàn chỉnh, cùng với vị trí gần sân bay và bến cảng của vùng nên khá thuận lợi trong thu hút đầu tư. Ngoài ra, Long An có quỹ đất dành cho đầu tư phát triển công nghiệp với qui mô gần 14.500 ha đã được qui hoạch và giao cho các công ty đầu tư hạ tầng sẵn sàng tiếp nhận đầu tư với giá cả hợp lý. Hiện nay, quỹ đất của TP Hồ Chí Minh và Bình Dương, Đồng Nai đã khan hiếm và giá cho thuê đã tăng lên. Nếu doanh nghiệp đầu tư vào Long An, giá cả thuê đất sẽ cạnh tranh hơn. Tỉnh hiện có 16 khu công nghiệp với diện tích 6.907,6 ha. Tỉnh còn chủ trương hình thành 46 cụm công nghiệp, tổng diện tích 7.002 ha, trong đó 8 cụm đã đi vào hoạt động. Trong năm 2007, thu hút đầu tư của Long An tăng 2,3 lần so với năm 2006. Mục tiêu của tỉnh không chỉ là tăng trưởng kinh tế nhanh mà phải đảm bảo phát triển bền vững.

Việc gia nhập WTO- cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, để có điều kiện đón tiếp nhà đầu tư một cách tốt nhất, tỉnh đã rà soát lại toàn bộ quá trình thu hút đầu tư, từ khâu qui hoạch tổng thể đến chi tiết, đồng thời giải quyết khó khăn trong đầu tư xây dựng đến hoạt động sản xuất kinh doanh... Qua đó, gia tăng năng lực cạnh tranh địa phương theo phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”. Mục tiêu cuối cùng là để nhà đầu tư đến Long An ngày càng nhiều với thương hiệu “thân thiện và hiệu quả”.

Long An đang trong giai đoạn chuyển mình đi lên theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh đã có nhiều nỗ lực để xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, minh bạch và hiệu quả. Tăng cường năng lực cạnh tranh của địa phương, trong đó trọng tâm là xây dựng và thực hiện môi trường đầu tư chiến lược: chuyển đổi mạnh mẽ từ số lượng sang chất lượng và hiệu quả. Từng bước chuyển đổi sản xuất công nghiệp thuần túy sang công nghiệp bổ trợ và dịch vụ phục vụ. Chúng tôi rất mong các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến chia sẻ với tỉnh và làm giàu trên mảnh đất “Long An trung dũng kiên cường”. Nếu chủ đầu tư có yêu cầu, UBND tỉnh Long An sẵn sàng đón tiếp và giải quyết mọi khó khăn của doanh nghiệp.

T.H (thực hiện)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang VĂN HÀ PHONG:
Tiếp nhận đầu tư: sáng suốt, ưu đãi đầu tư: công bằng

Kiên Giang có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nhất là du lịch và công nghiệp thủy sản. Kiên Giang đã rất nỗ lực tạo mọi điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư, kể cả các chính sách trải thảm đỏ để mời gọi đầu tư. Có thể nói, mọi ưu đãi nhất về đầu tư, Kiên Giang đều có. Các cơ quan cũng đẩy nhanh cải cách hành chính để giảm tối thiểu chi phí, thời gian đi lại của nhà đầu tư. Đồng thời, thực hiện phân cấp quản lý đầu tư cho cơ sở và sắp tới sẽ giao quyền nhiều hơn cho huyện trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư. Tháng 11-2007, Ban quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc, do Chủ tịch huyện làm Trưởng ban, chính thức đi vào hoạt động là một bước tiến quan trọng trong thu hút đầu tư trên “Đảo Ngọc” này.

Trong vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp ồ ạt đổ về Kiên Giang. Qua đó cũng nhận thấy rằng những khó khăn phải giải quyết, hay nói đúng hơn đó là một thách thức lớn đối với Kiên Giang. Trước tiên là nguồn nhân lực. Thiếu những người có năng lực, xông xáo dẫn đến việc chuyển bộ còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu nhà đầu tư. Việc thẩm định năng lực nhà đầu tư cũng chưa thực hiện tốt. Hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đúng mức so với nhu cầu, làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư và kế hoạch phát triển của tỉnh.

So với một số tỉnh ĐBSCL và cả nước, kinh nghiệm thu hút đầu tư của Kiên Giang còn non trẻ. Nhưng không vì thế mà Kiên Giang lại vội vàng và không coi trọng tính bền vững trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Hiện nay, Kiên Giang rất mạnh dạn trong việc chọn lọc nhà đầu tư. Tất cả các dự án không khả thi sẽ bị thu hồi để giao cho nhà đầu tư có năng lực. Tiêu chuẩn về môi trường đối với dự án cũng được thực hiện nghiêm ngặt. Dự án dù có trị giá hàng tỉ đô-la, mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho địa phương, nhưng không xử lý được chất thải, ảnh hưởng đến môi trường thì mạnh tay loại trừ. Bên cạnh đó, Kiên Giang đang củng cố và đào tạo nguồn nhân lực, giao việc cho người có năng lực để giải quyết công việc. Đồng thời, tranh thủ mọi nguồn lực, kể cả thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật trọng điểm phù hợp với xu hướng phát triển, không đầu tư dàn trải.

Một điều không thể bỏ qua là tính công bằng trong ưu đãi đầu tư. Mọi ưu đãi đều được áp dụng cho mọi nhà đầu tư, không để xảy ra tình trạng nhà đầu tư “quen mặt”, nhà đầu tư “đi cửa sau”... Nhà đầu tư nào có năng lực cũng đều là khách quý của Kiên Giang. Những dự án tốt, những “khu đất vàng” phải được đấu thầu đầu tư để chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, tâm huyết với dự án.

T. N (thực hiện)

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng HUỲNH THÀNH HIỆP:
Cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá để đẩy mạnh thu hút đầu tư

Một trong những giải pháp ưu tiên để phát triển kinh tế hiện nay của Sóc Trăng là tăng cường thu hút đầu tư. Thời gian qua, UBND tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư; trong đó cải cách thủ tục hành chính được tỉnh xác định là một nội dung rất quan trọng, là khâu đột phá để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội. Để làm được điều này, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp thực hiện tốt cải cách về thủ tục hành chính theo hướng tập trung đầu mối nhằm tạo sự thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp nhanh chóng triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn.

Đặc biệt, thực hiện chủ trương cải cách hành chính, với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế hoạt động sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp thực hiện cơ chế liên thông về đăng ký kinh doanh, đăng ký khắc dấu và đăng ký mã số thuế; Quy định thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại các sở ngành, địa phương trong tỉnh. Theo đó, việc đăng ký kinh doanh, khắc dấu, đăng ký mã số thuế được thực hiện tại 1 đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư với thời gian tối đa là 4 ngày. Ngoài ra, tất cả các thủ tục hành chính đều được quy định ngày giải quyết cụ thể với thời gian giải quyết rút ngắn rất nhiều so với quy định của Trung ương.

Nhờ làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính và xúc tiến đầu tư, tình hình phát triển doanh nghiệp trên địa bàn trong năm 2007 đã đạt kết quả khả quan. Trong năm, có 291 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh (tăng 36,6% so với năm 2006). Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.555 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 4.630 tỉ đồng; có 20 doanh nghiệp nhận đất thuê thực hiện 23 dự án đầu tư tại Khu công nghiệp An Nghiệp với diện tích 77,45 ha (chiếm 44,7% diện tích đất cho thuê). Những kết quả khả quan như trên có thể coi là hành trang bước đầu cho tỉnh để cùng cả nước đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư trong điều kiện hội nhập.

Trong quá trình hội nhập, đặc biệt là sau khi Việt Nam chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cả nước nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng cần phải phát huy tối đa nội lực của mình trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển. Sóc Trăng có đầy đủ các đặc điểm thế mạnh, tiềm năng của vùng như về lúa gạo, trái cây, du lịch sinh thái và đặc biệt là thủy sản. Đây có thể xem là những thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của tỉnh trong việc thu hút đầu tư, phục vụ mục tiêu phát triển.

Tuy nhiên, trong điều kiện kết cấu hạ tầng còn yếu kém, chưa hoàn chỉnh, chưa tạo được sức hấp dẫn đối với các dự án lớn, Sóc Trăng còn nhiều việc phải làm để huy động nguồn vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong thời gian tới, nhằm đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết cho nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án. Ngoài ra hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính tỉnh Sóc Trăng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, nhất là trong điều kiện hội nhập. Đây cũng là một thách thức lớn đòi hỏi tỉnh phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công cuộc cải cách hành chính trong thời gian tới.

T.T (thực hiện)

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh An Giang VƯƠNG BÌNH THẠNH:
Cần một “nhạc trưởng” cho sự hợp tác phát triển giữa các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Tình hình thu hút đầu tư của tỉnh An Giang chỉ trong 10 tháng đầu năm 2007 đã có những bước phát triển mới cả về chất và lượng. Nhiều nhà đầu tư đã tiếp cận và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại An Giang. Kết quả đã có 115 dự án đăng ký đầu tư (tăng 92% so cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký ban đầu là 7.120 tỉ đồng (tăng 14 lần so cùng kỳ). Nhiều dự án có qui mô vốn đầu tư lớn, sử dụng nhiều lao động đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong đó, điểm nổi bật nhất là tình hình đầu tư nước ngoài đang gia tăng mạnh sau một thời gian dài An Giang không thu hút được dự án đầu tư nước ngoài nào. Đã có 5 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký xin triển khai tại An Giang với tổng vốn đăng ký khoảng 94,2 triệu USD. Một số dự án đã được chấp thuận về chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để triển khai thực hiện.

Những thành quả trên cho thấy những nỗ lực của địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao khả năng điều hành quản lý của địa phương. Điều này thể hiện rõ hơn qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của An Giang năm 2007 tăng 3 bậc so với năm 2006, xếp thứ hạng 6/64 tỉnh, thành phố. Hiện nay, An Giang đang có lợi thế nhất định về phát triển kinh tế nông nghiệp và công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm với hai ngành hàng chủ lực là lúa gạo và cá tra, ba sa. Với đường biên giới giáp Campuchia, các cặp cửa khẩu thuận lợi cả đường thủy và bộ sẽ là điều kiện thuận lợi để An Giang phát triển kinh tế biên giới, kết hợp với những danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa, lịch sử cho phát triển du lịch. Để phát huy thế mạnh, khắc phục điểm yếu, tỉnh An Giang có nhu cầu liên kết, hợp tác với các địa phương trong khu vực thông qua các chương trình hợp tác phát triển kinh tế -xã hội giữa hai địa phương và khuyến khích các ngành, các doanh nghiệp cùng tham gia. Hiện tại, An Giang đã ký kết hợp tác với Kiên Giang và Đồng Tháp. Và dự kiến sẽ tiếp tục ký kết chương trình hợp tác với TP Cần Thơ trong thời gian tới.

Khi nền kinh tế của chúng ta hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, sự liên kết, hợp tác, cùng phát triển ở các cấp độ từ doanh nghiệp cho đến chính quyền địa phương là không thể thiếu. Nhưng về lâu dài, sự liên kết, hợp tác kinh tế -xã hội giữa các tỉnh trong vùng ĐBSCL phải có sự tham gia chủ động và tích cực từ các bộ, ngành Trung ương và phải có một “nhạc trưởng” đích thực thì mới có thể đạt hiệu quả như mong muốn. Trong đó, vấn đề quản lý, kiểm soát các quy hoạch phát triển ngành, ô nhiễm môi trường... là những vấn đề “nóng” cần phải được quan tâm để đạt được sự phát triển bền vững.

A.K (thực hiện)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau DƯƠNG TIẾN DŨNG:
Tận dụng cơ hội và khai thác tốt tiềm năng

Tỉnh Cà Mau đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đất nằm ở miền cực Nam của Tổ quốc. Cà Mau có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, như: hơn 250.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trữ lượng khí đốt lớn, có thế mạnh phát triển kinh tế biển với chiều dài bờ biển 254 km, vùng lãnh hải rộng trên 80.000 km2, ba mặt tiếp giáp biển, đặc biệt có hệ sinh thái rừng ngập phong phú, đa dạng, phù hợp với việc phát triển các loại hình du lịch sinh thái...

Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng đến nay Cà Mau vẫn còn là tỉnh nghèo, hàng năm ngân sách Trung ương phải bù chi, hệ thống kết cấu hạ tầng còn nhiều khó khăn, nguồn lao động có tay nghề còn thấp đã làm hạn chế khả năng thu hút đầu tư của tỉnh. Tuy nhiên, sắp tới, triển vọng thu hút đầu tư của tỉnh Cà Mau sẽ khả quan hơn trên cơ sở đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng và một số công trình, dự án lớn hoàn thành trong thời gian tới như: Cụm công nghiệp khí- điện- đạm Cà Mau với 2 nhà máy điện có công suất 1.500 MW, 1 nhà máy đạm công suất 800.000 tấn/năm do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư; Cụm công nghiệp và nhà máy đóng tàu tại Năm Căn do Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đầu tư, kéo theo sẽ phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.

Hiện nay, Trung ương đang tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ năm 2008 một loạt các công trình sẽ hoàn thành và được triển khai như: Sân bay quốc tế Cần Thơ, cầu Cần Thơ, tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ... Khi đó, Cà Mau sẽ rất gần với các trung tâm kinh tế của cả nước (TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ). Bên cạnh đó, một số công trình do Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh sẽ được khởi công trong thời gian tới, như: Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn- Đất Mũi, nâng cấp sân bay Cà Mau, tuyến hành lang ven biển phía Nam... Khi hoàn thành, các công trình này sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận với thị trường các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực là các giải pháp mà tỉnh đang tập trung thực hiện. Tỉnh đã xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, trong đó ưu tiên kêu gọi đầu tư vào các ngành, lĩnh vực quan trọng như: đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, hệ thống đường giao thông, điện, cấp thoát nước, xây dựng khu du lịch, khu đô thị; các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh các ngành nghề: chế biến thủy sản, sản xuất thức ăn gia súc, chế biến gỗ, sản xuất bao bì, may mặc xuất khẩu... Song song đó, tỉnh đang chú trọng xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi với việc tập trung nỗ lực cải cách thủ tục hành chính liên quan đến việc giải quyết công việc của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Hiện nay, một số cơ quan của tỉnh Cà Mau đã bố trí cán bộ làm việc ngày thứ bảy để giải quyết nhanh chóng, đồng bộ các công việc hành chính có liên quan về thuế, về thủ tục đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư... Có thể nói, Cà Mau là vùng đất có nhiều tiềm năng và cơ hội để các nhà đầu tư khai thác và phát triển.

T.G (thực hiện)

Chia sẻ bài viết