28/11/2018 - 20:50

Vượt qua “những con sóng lớn”! 

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chính thức bắt đầu từ ngày 6-7-2018 khi Mỹ áp dụng mức thuế bổ sung 25% đối với 818 dòng thuế nhập khẩu từ Trung Quốc (trị giá khoảng 34 tỉ USD). Đáp trả hành động này, Trung Quốc tuyên bố tăng thuế 25% (tương đương 34 tỉ USD) đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Cuối tháng 9-2018, Mỹ tiếp tục áp thuế 10%, với trị giá 200 tỉ USD lên 6.000 mặt hàng Trung Quốc (hàng tiêu dùng, thực phẩm, sản phẩm kỹ thuật, công nghệ…). Liền sau đó, Trung Quốc trả đòn bằng việc áp thuế 5% với 1.600 mặt hàng và 10% với 3.500 mặt hàng, tổng trị giá 60 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Giới phân tích cho rằng, những động thái quyết liệt từ hai phía đã và đang tạo ra “những con sóng lớn” gây áp lực lên thương mại và đầu tư trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Dệt may là một trong những ngành Việt Nam có lợi thế tại thị trường Mỹ khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ -Trung.  

Tại Hội nghị “Cập nhật thông tin hội nhập quốc tế về kinh tế và các vấn đề xuất nhập khẩu hàng hóa cần lưu ý” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập về kinh tế quốc tế, nhận định: “Mỹ và Trung Quốc là 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới và khi xảy ra “va chạm” chắc chắn sẽ gây hệ lụy đến những nền kinh tế nhỏ có liên quan. Hành động của hai bên tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ của WTO. Đồng thời, tác động tiêu cực đến chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa và xuất nhập khẩu của Việt Nam”.

Hiện Mỹ và Trung Quốc là 2 đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Chính vì vậy, khi xảy ra chiến tranh thương mại giữa 2 cường quốc được dự báo sẽ tác động tới hoạt động thương mại của Việt Nam ở cả 2 mặt tích cực và tiêu cực. Nhìn ở góc độ tích cực, các chuyên gia kinh tế đều có nhận định chung đây là thời điểm tốt nhất để doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế, tận dụng mạnh mẽ hơn các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Những năm qua, Mỹ luôn là thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Việt. Số ngành hàng của Trung Quốc bị ảnh hưởng việc áp thuế khá tương đồng với nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ (may mặc, giày dép, thủy sản và nông sản). Chiến tranh thương mại leo thang sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ.

Như vậy, nếu nhìn vào ngắn hạn, có nhiều căn cứ để có thể lạc quan, nhưng về dài hạn, chiến tranh thương mại cũng mang đến những nguy cơ cho kinh tế Việt Nam. Theo ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập về kinh tế quốc tế, hàng hóa bị đánh thuế của Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm cách “trung chuyển” qua Việt Nam để “lẩn tránh” thuế theo cơ chế tạm nhập, tái xuất và ngược lại. Song song đó, các nhà đầu tư cũng có sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Điều này đặt ra vấn đề ngành chức năng nước ta phải thận trọng trong việc cấp phép và kiểm soát đầu tư. Một nguy cơ khác phải tính đến là hàng hóa dư thừa của Trung Quốc không xuất khẩu được vào Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Với lợi thế cạnh tranh về giá, các sản phẩm từ Trung Quốc có thể gây sức ép lớn đến thị trường Việt Nam. Đồng thời, khi Trung Quốc không xuất khẩu được hàng hóa sang Mỹ sẽ phải thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giảm nhu cầu nhập khẩu. Những điều chỉnh trên có thể khiến hoạt động tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc của hàng hóa nước ta gặp nhiều khó khăn.

Từ thực tế phân tích có thể thấy, Việt Nam có thể có được một số cơ hội hưởng lợi, nhưng rủi ro, thách thức từ cuộc chiến thương mại này cũng không ít và khó lường. Điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp Việt Nam luôn bám sát, theo dõi, phân tích và dự báo, đưa ra các kịch bản ứng phó khác nhau. Bên cạnh đó, Chính phủ cần thông tin rộng rãi các vấn đề liên quan về chiến tranh Thương mại Mỹ - Trung bao gồm các động thái giữa các bên và danh mục hàng hóa bị áp thuế cao. Từ thông tin này doanh nghiệp chủ động điều chỉnh sản xuất; tìm kiếm thị trường; cân nhắc sử dụng hoặc đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trong, ngoài nước.

Bài, ảnh: QUẾ LIM

Chia sẻ bài viết