11/09/2013 - 21:10

Vượt lên thách thức để tồn tại

Doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (FDI) đang chiếm 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta- các DN nội đang lép vế. Đó là nhận xét của các chuyên gia kinh tế. Làm gì để tồn tại trong cuộc cạnh tranh giành thị phần? Lời giải cho bài toán khó này đòi hỏi DN phải năng động, mạnh dạn tái cấu trúc để tồn tại.

Nắm bắt cơ hội 

Theo số liệu thống kê Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) FDI chiếm 66,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, với hơn 56 tỉ USD (8 tháng đầu năm 2013), nếu không tính dầu thô, thì kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 60,42% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Về nhập khẩu của khu vực FDI 8 tháng đạt gần 48,3 tỉ USD, tăng 25,1% so cùng kỳ và chiếm 56,5% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Điều này cho thấy, DN nội đang lép vế trước DN FDI, các DN nội chưa tận dụng được các cơ hội từ hội nhập toàn cầu. Thêm vào đó, thị trường sân nhà cũng đang bị chi phối bởi các DN FDI ở một số ngành hàng chủ lực: may mặc, hàng công nghệ thực phẩm, điện tử… Trong khi đến năm 2015, hàng loạt dòng thuế suất được giảm về mức 0% theo các cam kết thương mại tự do, nguy cơ thua ngay trên sân nhà của DN nội khá cao. Đối với thị trường xuất khẩu, nếu DN không có chiến lược dài hơi và năng động, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại cũng dễ bị loại khỏi sân chơi toàn cầu.

Sản phẩm cá tra phi lê đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trên thị trường thế giới (Ảnh: Nhà máy chế biến của Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam- TP Cần Thơ).

Theo ông Mark Gillin, Chủ tịch AmCham Việt Nam, bất kể kiến trúc về mặt đầu tư của các Hiệp định thương mại (ASEAN, BTA, TPP) như thế nào thì DN Việt Nam và Mỹ cần xây dựng mối quan hệ 1 đối 1. Các nhà máy vốn FDI hiện chiếm 2/3 xuất khẩu của Việt Nam chứng tỏ DN Việt Nam chưa tận dụng tốt các mối quan hệ từ các hiệp định thương mại tự do. Trong khi DN FDI đã có nguồn cung, thể thức những quy trình tích lũy nhiều năm và đang di dời từ Trung Quốc sang ASEAN và sẽ tới Việt Nam. Vì vậy, các DN Việt Nam cần tìm hiểu và xây dựng mối quan hệ, tận dụng nó để phát triển. Việt Nam gia nhập AFTA, APEC, thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa Việt Nam- Mỹ từ 1 tỉ USD lên 26 tỉ USD (vào năm 2012) trong vòng 11 năm, tạo việc làm, thu thuế, xuất khẩu, công nghệ… và có thể đạt mốc 51,6 tỉ USD vào năm 2020, bất chấp Việt Nam có gia nhập TPP hay không. Đại diện AmCham Việt Nam phân tích: Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản đông lạnh (cá tra, tôm), thay vì xuất thô như hiện nay, DN có thể đóng hộp xuất khẩu để hưởng thêm lợi nhuận. Thuế suất xuất khẩu đóng hộp vào Mỹ hiện nay là 28%. Nếu không gia nhập TPP, Việt Nam bị loại khỏi cuộc chơi so với các quốc gia có cùng ngành hàng xuất khẩu như: Mexico, Chile, Peru, Malaysia.

Các chuyên gia cho rằng, trong xu thế toàn cầu hóa, DN mạnh sẽ thắng, không phân biệt thương hiệu, ranh giới quốc gia. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn sản phẩm chất lượng tốt, giá cả phù hợp, DN có thương hiệu mạnh, dễ nhận biết sẽ chiếm tình cảm của người tiêu dùng. Song, DN Việt đa phần là DN vừa và nhỏ, để có thương hiệu mạnh là điều rất khó, nhiều DN đang chật vật giữ thị phần. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA), nói: “Không chờ đến năm 2015, thời gian gần đây, nếu quan sát thị trường, chúng ta thấy hàng ngoại nhập đang lấn sân hàng nội của DN Việt Nam. Khủng hoảng kinh tế kéo dài, khiến DN  nhỏ và vừa Việt Nam bị suy yếu và mất dần thị phần”. Những DN vừa và nhỏ đang tồn tại và có vị trí trên thị trường hiện tại đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Nhưng để đứng vững trên thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa, đòi hỏi sự trợ lực từ chính sách đòn bẩy của Nhà nước cần thiết thực hơn.

Trợ lực cho doanh nghiệp

Từ năm 2009, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn khởi động và đến nay đã gặt hái nhiều thành công. Thông qua các phiên chợ hàng Việt, giúp các DN nội quảng bá sản phẩm, xây dựng mạng lưới phân phối, kết nối với người tiêu dùng, tạo hiệu ứng khá tốt trong lòng người tiêu dùng Việt ở thị trường nông thôn. Song, phải nhìn nhận rằng, các phiên chợ hiện nay mới chỉ “xới” lên vấn đề là thị phần nông thôn rất tiềm năng, mà chưa tạo chuỗi cung ứng bền vững. Muốn làm được điều này, DN cần có tiềm lực tài chính mạnh, năng lực quản lý tốt và xác định cho được thị trường mục tiêu, phải hiểu được thị hiếu tiêu dùng. Có chiến lược bài bản để tiếp cận, nghiên cứu… đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.

Các nhà kinh tế phân tích, hiện có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho DN, nhưng kết quả thực thi chính sách còn nhiều lỗ hổng. Phần lớn DN vừa và nhỏ chỉ tiếp cận được một phần nhỏ sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong chuỗi nhu cầu thiết yếu, điều này không đủ để DN hoạt động kinh doanh hiệu quả. Đơn cử như: Chính phủ có chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ tiếp cận vốn tín dụng dựa vào tiêu chí lao động, vốn, nhưng khi DN đến ngân hàng xin vay vốn thì ngân hàng dựa vào thông lệ quốc tế để giải ngân, DN thiếu tài sản thế chấp, dự án không khả thi… đành ra về tay không. Thêm vào đó, ban hành chính sách hỗ trợ cần sử dụng thuật ngữ cho đúng, phù hợp thông lệ quốc tế. Mới đây, trong hội nghị Ban Chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra ĐBSCL tổ chức tại TP Cần Thơ, nói về chính sách hỗ trợ DN chế biến cá tra xuất khẩu (Nghị định sản xuất và tiêu thụ cá tra), bà Trương Thị Lệ Khanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phẩn thủy sản Vĩnh Hoàn (Vĩnh Hoàn Corp) nói: “DN cam kết chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng, vì nếu ghi sai, nước nhập khẩu sẽ cảnh báo và phạt. Do vậy, Nghị định không cần nêu cụ thể quá một số tiêu chí về kỹ thuật, chính sách hỗ trợ… như vậy sẽ khó cho DN khi thương thảo hợp đồng. Cái DN mong muốn là các cơ quan nhà nước cần xây dựng thương hiệu quốc gia cho con cá tra Việt Nam và đề xuất cụ thể, DN nào được phép ghi nhãn hiệu quốc gia này lên bao bì sản phẩm”… DN dù rất cần cơ chế hỗ trợ, nhưng nhiều DN cho rằng, để cơ chế vận hành hiệu quả đòi hỏi sự quyết tâm và tầm nhìn của cơ quan chức năng, giúp DN tự tin cạnh tranh trong hội nhập.

Trong các hiệp định kinh tế hiện nay, TPP được nhìn như một cơ hội mới của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Cơ hội càng lớn thì thách thức càng lớn hơn khi DN nhỏ và vừa đang đối mặt với nhiều vấn đề nội tại cũng như khách quan chưa giải quyết hết. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực CBA, nói: “TPP với những vấn đề về sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa, vệ sinh dịch tể, tiếp cận thị trường đang được đàm phán chưa có kết quả cụ thể nên cũng chưa biết DN sẽ được lợi ích thế nào, khó khăn thì có thể thấy trước!  Điều quan trọng hiện nay là để vượt qua khó khăn, từng DN cần nhận định rõ vị trí của mình trên thị trường, điểm mạnh nào cần phát huy và điểm yếu nào cần khắc phục, cần có biện pháp phòng tránh rủi ro để đối phó với mọi tình thế diễn ra bên ngoài”. Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, DN nhỏ và vừa là đối tượng dễ bị tổn thương, nhưng cũng có lợi điểm là linh hoạt nên cũng dễ thay đổi theo diễn biến của thị trường và nền kinh tế.

Bài, ảnh: Gia Bảo

 

Chia sẻ bài viết