Không khí buổi họp mặt tư vấn và sơ tuyển ứng viên đi làm việc tại Nhật Bản do Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP Cần Thơ phối hợp Công ty Cổ phần phát triển công nghiệp xây lắp và thương mại Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh (Haindeco Saigon) vừa tổ chức, càng thêm sôi động và “nóng” dần lên khi ông Iwazaki, Phó Giám đốc Nghiệp đoàn Nohara (đối tác của Haindeco Saigon) thông tin cụ thể nhu cầu tuyển chọn lao động của Nghiệp đoàn năm 2017 và các năm tiếp theo.
Đồng thời, ông mô tả công việc, môi trường làm việc chuyên nghiệp, kỷ luật lao động nghiêm ngặt của công ty cũng như trả lời thắc mắc của lao động và thân nhân các vấn đề liên quan về thủ tục, công việc, chi phí, thu nhập…
Sau buổi họp mặt, 28 lao động đăng ký tham gia sơ tuyển tại chỗ. Kết quả, có 12 lao động trúng tuyển và theo học tiếng Nhật tại công ty.
Ông Võ Anh Tuấn, Giám đốc Haindeco Saigon, nhận định, đây là thành công bước đầu, thể hiện sự quan tâm thị trường lao động Nhật Bản, mở ra hướng đi mới cho lao động Cần Thơ.
Trước đó, Trung tâm DVVL thành phố kết hợp Công ty TNHH Một thành viên Ứng dụng công nghệ mới và Du lịch tại TP Hồ Chí Minh (Newtetco) gặp gỡ thân nhân và người lao động có nhu cầu đi làm việc tại Nhật Bản để khai thông một số vướng mắc.
Đại diện Haindeco Saigon trao đổi các vấn đề liên quan thị trường Nhật Bản với người lao động.
Qua gặp gỡ, trao đổi, theo lãnh đạo các công ty và Trung tâm DVVL thành phố, yêu cầu cốt lõi là lao động cần có quyết tâm cao, thông thạo ngoại ngữ, rèn tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, chịu áp lực công việc.
Thân nhân lao động cần thấy rõ hiệu quả và lợi ích lâu dài khi cho con em sang làm việc tại các nước, cụ thể là Nhật Bản; vững tin và mạnh dạn đầu tư mới có thể thu hoạch “trái ngọt”. Không chỉ có việc làm tốt, thu nhập cao mà quan trọng là con em tiến bộ, trưởng thành trong nhận thức và hành vi, ứng xử.
Từ đầu năm 2017 đến nay, Trung tâm DVVL thành phố đưa 87 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL TP Cần Thơ, cho biết: “Vài năm gần đây, Trung tâm tăng cường hình thức truyền thông, kịp thời đưa thông tin tuyển dụng lao động đi làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đến cơ sở; phối hợp các công ty XKLĐ ở TP Hồ Chí Minh để có nhiều đơn hàng tuyển lao động uy tín, công việc ổn định, thu nhập cao, thực hiện tốt các chính sách đảm bảo quyền lợi người lao động, tổ chức tư vấn, gặp gỡ và sơ tuyển trực tiếp lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài”.
Qua đó, người lao động tiếp cận nhiều thông tin bổ ích, xác thực. Nhân viên Trung tâm thường xuyên lồng ghép tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hướng dẫn các thủ tục, giới thiệu cũng như giúp người lao động cân nhắc, chuyển hướng thị trường, việc làm với điều kiện học vấn, tài chính khi có đơn hàng phù hợp, không để vuột mất cơ hội.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều lao động ngán ngại chi phí đi làm việc tại Nhật Bản khá cao (khoảng 100 triệu đồng), trong khi Chương trình cho vay XKLĐ từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 50 triệu đồng/người.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, đây cũng là nguyên nhân làm hạn chế công tác XKLĐ của thành phố thời gian qua nhưng vẫn chưa có biện pháp tháo gỡ, đáp ứng nhu cầu bức thiết của người lao động…
Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, thời gian tới, bên cạnh thường xuyên thông tin về XKLĐ đến cơ sở, Trung tâm DVVL thành phố tăng cường kết hợp với các công ty XKLĐ tổ chức nhiều buổi họp mặt với người lao động cũng như tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND thành phố bố trí nguồn vốn vay, đáp ứng nhu cầu của người đi XKLĐ gặp khó khăn về tài chính... Qua đó, góp phần củng cố niềm tin và quyết tâm đi làm việc ở nước ngoài của người lao động.
Bài, ảnh: NGUYỄN KỲ