14/03/2009 - 20:23

Vùng cửa gió Hà Tiên

Bút ký * Bùi Văn Bồng

Đang giữa mùa khô phương Nam, thị xã Hà Tiên ngập tràn trong ánh nắng. Vầng mặt trời như từ đất đá tỏa lan, từ mặt nước Đông Hồ rực sáng, từ cửa biển rạng soi lên những dãy phố êm đềm vùng biên giới Tây Nam. Cách đây gần 300 năm, thị xã Hà Tiên được hình thành gắn liền với dòng họ Mạc (Mạc Cửu). Trên vùng đất sơn thủy hữu tình này, nơi đây cũng là thị xã cửa khẩu biên giới đông vui, sầm uất, hội tụ những danh lam thắng cảnh thiên nhiên hoang sơ đầy quyến rũ.

Niềm vui của gia đình anh Chao Kha Li (x) cùng những người lính biên phòng trong căn nhà mới bàn giao.
Ảnh: BÙI VĂN BỒNG

Qua cầu Tô Châu, từ khách sạn Pháo Đài nhìn xuống thị xã thấy rõ những mái ngói cổ rêu phong nghiêng nghiêng trong nắng chiều, trong cái gió hanh hao mang theo vị mặn của biển. Đó phải chăng là nét riêng cho xứ sở Hà Tiên. Đã đến Hà Tiên không thể nào không ghé thăm từ đường của dòng họ Mạc. Họ Mạc ở Hà Tiên được khởi đầu từ Tổng binh Mạc Cửu (khi ông qua đời, nhà Nguyễn đã phong tặng tước hiệu Khai trấn Thượng trụ quốc Đại tướng quân Vũ Nghị công). Những bậc thang đá đưa du khách viếng thăm nơi an nghỉ của những người đã có công khai phá xứ Hà Tiên hơn 300 năm trước. Tương truyền Mạc Cửu giỏi tài dụng binh, Mạc Thiên Tích giỏi văn, người có công lập ra Hội Tao đàn Chiêu Anh Các để mỗi mùa trăng tròn ngắm trăng làm thơ tại Bảo nguyệt Liên trì (Ao sen trăng ngọc)...

Nhìn lên phía tây thị xã, núi Bình San sừng sững như tắm trong nắng vàng. Từ trên núi Bình San, Hà Tiên hiện ra một góc nhìn khác: thơ mộng vô cùng: một bên là biển Đông mênh mông, một bên là núi Voi Phục, điểm xuyết là những núi đá vôi cô độc càng tôn thêm vẻ đẹp riêng của một vùng biển trấn. Con trai trưởng của Mạc Cửu, Tổng trấn Hà Tiên, là Mạc Thiên Tích (còn gọi Mạc Thiên Tứ), nhà thơ, danh thần Việt Nam thời chúa Nguyễn Đàng Trong từng sáng tác tập “Hà Tiên thập vịnh” (1737) vịnh 10 cảnh đẹp Hà Tiên. Sau này, phụ lục thơ họa của các nhà thơ trong và ngoài thị xã gồm 320 bài trong “Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh”.

Hà Tiên có Thạch Động (còn gọi là Vân Sơn – Núi Mây). Mùa này, đứng trên phiến đá hình đầu chim phượng hoàng phía Nam hang Thạch Động, du khách sẽ nhìn thấy biển Tây Nam sóng trắng vỗ bờ. Biển xanh biếc. Và bầu trời như tấm màn nhung mượt mà hắt vàng sáng huyền thoại xuống mặt biển xanh. Gió Tây Nam thổi về mát rượi. Người ta gọi đây là cửa gió của Hà Tiên. Trong mười bài thơ vịnh cảnh đẹp Hà Tiên, thi sĩ Mạc Thiên Tích đã gieo vào lòng khách thập phương những ý tình lai láng trong bài “Thạch Động thôn vân” (mây luồn Thạch Động). Mây bay ngang trên lèn đá rồi như bị nuốt vào cửa hang Thạch Động. Nghe nói trong hang có giếng sâu thông ra biển. Mây bay qua đây bị nuốt vào hang rồi bay ra mặt biển: Hang sâu thăm thẳm mây vun lại / Cửa rộng thinh thinh gió thổi qua.

Có du khách từ phương xa đến Khu du lịch Thạch Động, rung cảm trước vẻ đẹp kỳ vĩ nơi đây, đã ứng khẩu đọc những câu thơ:

Chuyến xe thả mây vào Thạch Động

Mây ngũ sắc chen mây trắng bay

Du khách mọi miền say nhìn sóng

Dấu búa Thạch Sanh có còn đây?


Thạch Động thôn vân” xưa ai đến?

Mà nay du khách gặp dấu quen

Dập dìu trai thanh cùng gái lịch

Níu mây Thạch Động mộng cõi tiên...

Bên cạnh Khu du lịch Thạch Động có đồn biên phòng Hà Tiên. Những chiến sĩ biên phòng trấn giữ một vùng biên cương Hà Tiên rất tự hào như được nhận trọng trách của cha ông để lại, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, gìn giữ những danh lam thắng cảnh vùng biên.

Chúng tôi ngược dốc nắng trên sườn núi Thạch Động đến đồn biên phòng của khẩu quốc tế Hà Tiên. Trưởng đồn biên phòng, thượng tá Trần Bằng Đức niềm nở tiếp chúng tôi trên một băng ghế đá dưới bóng cây râm mát trước Sở chỉ huy. Gió từ biển thổi về lồng lộng. Anh Đức tâm sự:

- Một trong những nhiệm vụ trọng yếu của đồn biên phòng là phải góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân biên giới. Họ là sức mạnh đoàn kết các dân tộc, xây dựng thế trận lòng dân bảo vệ biên giới ngày càng vững chắc.

Được biết, đồn biên phòng Hà Tiên đã làm được nhiều nhà tình thương cho bà con nghèo vùng biên trong Chương trình “mái ấm biên cương” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng phát động, tổ chức thực hiện. “Mái ấm biên cương” là chiến công thầm lặng của Bộ đội biên phòng trong công cuộc xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, gìn giữ biên cương ngày càng vững chắc.

Chúng tôi đến ấp Xà Xía, địa bàn trọng điểm sát cửa khẩu của đồn biên phòng Hà Tiên. Xe chạy qua cánh đồng mùa khô đang mùa khoai lang trổ bông, bụi đỏ đường. Thượng tá Trần Bằng Đức giới thiệu:

- Kia là căn nhà đang xây dựng, đầu tháng 3 này sẽ bàn giao cho dân. Đó là căn nhà Đại đoàn kết thứ 33 trong Chương trình xây dựng “mái ấm biên cương”, giúp các hộ nghèo ở vùng biên giới này có nơi ở mới, khang trang hơn. Ở ấp Xà Xía này, Công ty Toàn Thịnh Phát đã giúp địa phương xây dựng một phòng học và một phòng nghỉ cho giáo viên, trị giá 200 triệu đồng. Cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng góp hàng trăm ngày công xây dựng, nay đã bàn giao cho địa phương.

Qua vườn thốt nốt, chúng tôi ghé thăm một căn nhà cấp 4 vừa được xây, còn thơm mùi vôi vữa, do bộ đội biên phòng xây tặng gia đình anh Chao Kha Li. Đây là một trong 23 căn nhà “mái ấm biên cương” mà đồn biên phòng Hà Tiên đã bàn giao cách đây gần hai tháng để bà con kịp đón Tết Kỷ Sửu. Căn nhà xây gạch, tường vôi, mái tôn, có ba căn phòng và một căn bếp. Vợ chồng anh Chao Kha Li chủ hộ thấy có bộ đội biên phòng ghé thăm, mừng lắm, chạy ra sân tiếp khách. Chao Kha Li cảm động khoe với tôi: “ Nhà tui nghèo, chạy miếng ăn và đồng tiền lo cho con ăn học đã khó. Đâu dám mơ đến căn nhà vững chãi và khang trang như thế này. Trước kia, nhà mái lá, lại bị dột, mỗi khi có mưa giông, lốc xoáy cứ lo nhà bị sập. Nay có căn nhà này, gia đình tui thật vui và rất yên tâm”.

Thiếu tá Nguyễn Việt Quân, chính trị viên đồn biên phòng Hà Tiên nói:

- Bà con ở đây còn nghèo, nhiều hộ dân còn có nhu cầu muốn được một “mái ấm biên cương” như nhà anh Chao Kha Li này. Vùng này vào mùa mưa giông thường có những trận lốc xoáy, đôi khi còn có bão. Những căn nhà lá tạm bợ như thế kia thật đáng lo ngại. Một trận lốc xoáy quét qua có thể làm cho hàng chục căn nhà bị tốc mái, đổ sập. Vì thế, việc xây dựng nhiều “mái ấm biên cương” để giúp dân đang đặt ra khá cần thiết.

Với trị giá 15 triệu đồng mỗi căn nhà, giữa thời điểm giá vật liệu tăng vọt, làm được một căn nhà khang trang, bền chắc cho người dân là việc phải tính toán kỹ, quản lý và kiểm tra chặt chẽ, biết tìm và khai thác nguồn vật liệu vừa có chất lượng lại vừa rẻ. Tiền xây dựng nhà do bộ đội biên phòng vận động các nhà hảo tâm làm từ thiện giúp đỡ. Còn công làm nhà cũng do cán bộ, chiến sĩ biên phòng giúp dân. Anh em đã làm cả trong ngày nghỉ, tranh thủ cả buổi trưa, đốt đèn làm cả ban đêm để giao nhà cho bà con kịp đón Tết vui vẻ. Bà con nói: “Bộ đội biên phòng đã coi việc của dân như việc của nhà mình. Nghĩa tình này thật sâu đậm. Được bộ đội giúp đỡ tận tình như vậy, bà con dân ấp chúng tôi càng phải lo sao cùng với bộ đội giữ yên đường biên giới”.

Tính đến đầu tháng 3 này, Bộ đội biên phòng Kiên Giang đã xây dựng được 78 căn nhà tình nghĩa trong Chương trình “mái ấm biên cương”. Như vậy, theo chỉ tiêu đặt ra là 50 căn, các đơn vị đã nỗ lực vượt kế hoạch, chỉ tiêu 28 căn nhà (trên 55%). Các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và cơ quan tài trợ được hơn 1 tỉ 400 triệu đồng. Bộ đội biên phòng Kiên Giang còn được Tổng công ty viễn thông quân đội (Viettell) giúp cho các hộ dân được xây nhà mới mỗi hộ được một máy điện thoại để bàn không dây. Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng và Hội liên hiệp các tổ chức hữu nghị Kiên Giang tặng cho mỗi hộ một bộ chăn, màn và quần áo cho trẻ em, trị giá hàng trăm triệu đồng. Để giúp các đồn biên phòng sớm hoàn thành các kế hoạch xây tặng “mái ấm biên cương” cho các hộ dân nghèo vùng biên giới, bờ biển, hải đảo, thực hiện chương trình, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Kiên Giang đã thành lập mỗi địa bàn 2 đội xây dựng, giúp bà con từ việc thiết kế đến thi công các căn nhà tình nghĩa. Trung úy Danh Kim Huôn, đội trưởng Đội vận động quần chúng của đồn biên phòng Hà Tiên, tâm sự:

- Qua việc xây dựng các căn nhà tình nghĩa trong Chương trình “mái ấm biên cương”, mối quan hệ đoàn kết quân dân và đoàn kết cộng đồng vùng biên ngày càng chặt chẽ - anh nói vui: Đặc biệt, lính biên phòng Hà Tiên nay lại có thêm nghề mới, đó là nghề xây dựng.

Hiện nay, trong khi các đồn biên phòng vùng biên giới và bờ biển đang dồn sức hoàn thành các căn nhà tình nghĩa để bàn giao cho dân trong dịp Lễ kỷ niệm chiến thắng 30 tháng 4 năm nay, các đồn biên phòng tuyến hải đảo cũng tăng cường vận động nguồn tài trợ tại địa phương để làm thêm nhiều “mái ấm biên cương” tặng người dân nghèo các hải đảo xa xôi.

* * *

Từ cửa khẩu biên giới Xà Xía trở về, tôi không thể quên được ánh mắt rưng rưng, tràn đầy niềm tin yêu của người dân vùng biên giới Hà Tiên khi được ở trong “ mái ấm biên cương” thắm tình quân dân. Tôi cứ nhớ mãi câu nói của thượng tá Trần Bằng Đức: “ Muốn lo được cho dân một cách chu đáo thì trước hết cái tâm phải sáng, cái tình phải sâu, nghĩa phải bền, không sợ gian khó. Anh em lính biên phòng chúng tôi thường bảo nhau rằng, thương dân phải thấm nhuần lời Bác dạy là phải biết đồng cam cộng khổ với nhân dân, lo trước cái lo của nhân dân, vui sau cái vui của nhân dân”.

Chia sẻ bài viết