31/05/2017 - 09:26

Vui vẻ cả làng!

Cú sút luân lưu trên chấm 11 của cầu thủ Chấn Nguyên (An Giang) bị thủ môn Tuấn Kiệt của Đồng Tháp cản phá đã góp phần mang lại chiếc HCV cuối cùng tại Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) ĐBSCL lần VII-2017 (gọi tắt là Đại hội) cho đoàn Đồng Tháp, đồng thời khép lại hơn 4 tháng tranh tài ở 20 môn và phân môn thể thao của các VĐV chuyên nghiệp khu vực. Năm nay, Đại hội mở rộng với một số tỉnh khu vực miền Đông Nam bộ và TP Hồ Chí Minh tham gia, nhằm tăng tính cạnh tranh và chất lượng ở các trận đấu. Tuy nhiên, kết thúc vòng chung kết Đại hội tại Bến Tre hôm 26-5, dường như câu hỏi về việc liệu có nên tiếp tục duy trì Đại hội này vẫn còn hiển hiện.

 

 7 đoàn tham dự nhận cờ như nhau tại Đại hội TDTT ĐBSCL lần VII. Ảnh: DƯƠNG THU

Còn nhớ, Đại hội TDTT ĐBSCL lần đầu tiên được tổ chức tại Cần Thơ năm 2005, sau khi các tỉnh trong khu vực đạt được giao kết thi đua. Mục tiêu của những người sáng lập Đại hội này là đưa thể thao khu vực phát triển mạnh mẽ hơn, cạnh tranh với các trung tâm hàng đầu như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... Đại hội không chỉ là dịp để các VĐV ở khu vực thi đấu, trao đổi, rèn luyện chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc (diễn ra vào các năm chẵn), mà còn có các hội nghị, hội thảo để các nhà quản lý thể thao tìm hướng phát triển phù hợp cho địa phương. Tuy nhiên, "căn bệnh thành tích" đang đưa Đại hội xa dần với mục đích tốt đẹp đó.

Chiếc HCV bóng đá luôn được xem là giá trị nhất đối với các đoàn VĐV tại một kỳ Đại hội. Tuy nhiên, năm nay, bóng đá chỉ thu hút 5 đơn vị tham gia, trong khi Cần Thơ và Long An không thể tham dự vì trùng lịch thi đấu với vòng loại giải U19 quốc gia. Tuy nhiên, Ban tổ chức vẫn không uyển chuyển thay đổi lịch để có được nhiều đơn vị thi đấu hơn. Quá ít đội tranh tài nên xem ra chiếc HCV của bóng đá Đồng Tháp cũng giảm đi nhiều giá trị.

Điều lệ Đại hội thì thay đổi theo... đơn vị chủ nhà và không theo nguyên tắc chung. Ví như năm nay, ở hầu hết các môn, các đoàn tham dự với lực lượng mạnh nhất của mình, nhưng điều lệ môn judo lại quy định chỉ những võ sĩ trẻ và nhiều nội dung bị loại bỏ. Một số môn thể thao cũng không được tổ chức vì số lượng đội đăng ký quá ít như bóng rổ, khiến Đại hội là "phiên chợ chiều". Đại hội năm nay được mở rộng nhằm tăng tính cạnh tranh, nhưng thực tế, ngoài TP Hồ Chí Minh có VĐV mạnh ở vài môn như billards, bóng chuyền, các đoàn khác như Bình Dương, Bình Phước hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng.

Sự hẩm hiu càng thể hiện rõ tại lễ bế mạc Đại hội năm nay, khi Ban tổ chức chỉ trao cờ thưởng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch và Tổng cục TDTT cho 7 đơn vị có thành tích xuất sắc tại Đại hội TDTT ĐBSCL năm nay là: An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, TP Hồ Chí Minh, mà không có cờ thưởng cho 3 đơn vị đứng đầu toàn đoàn. Sự "cào bằng" này khiến nhiều người ngỡ ngàng, bởi Đại hội là một sân chơi thể thao của khu vực hay chỉ còn là hội "vui vẻ cả làng"?

Đã có không ít ý kiến cho rằng sự tồn tại của Đại hội TDTT khu vực là lãng phí, trùng lắp và không cần thiết vì đã có những giải vô địch từng môn ở khu vực. Thế nhưng, Đại hội đã được duy trì đến lần thứ 7 với nhiều nỗ lực của các địa phương ĐBSCL và cũng góp phần không nhỏ vào sự phát triển thể thao khu vực. Thiết nghĩ, cần duy trì và định hướng Đại hội cho phù hợp với xu hướng phát triển thể thao như tôn chỉ, mục đích của những nhà sáng lập. Mong rằng điều đó sẽ được thiết lập lại với quy chế chặt chẽ, phù hợp tại Đại hội lần VIII ở Vĩnh Long 2 năm tới.

NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết