06/04/2009 - 08:36

"Vua chuột" vùng U Minh!

Ông Năm Thành không trực tiếp đặt bẫy bắt chuột, cũng không phải là người “khai sinh” ra cái rập chuột hay có sáng kiến gì trong nghề săn bắt chuột. Nhưng nhờ ông nỗ lực ngược xuôi tìm mối tiêu thụ mà bà con vùng U Minh Thượng bán được hàng tấn chuột một ngày, vừa có thêm thu nhập vừa giảm thiệt hại mùa màng do chuột cắn phá. Vì vậy mà bà con cảm kích đặt biệt danh “vua chuột” cho ông Năm Thành.

Ở vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) thuộc các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng trước đây chuột nhiều vô kể, do đồng đất nhiễm phèn mặn, chỉ làm một vụ lúa, cỏ dại và lau sậy mọc um tùm. Nhưng vùng này nhiều cá đồng, nên bà con ít ai quan tâm tới con chuột như một món ăn để thay đổi khẩu vị. Vì vậy, chuột càng có điều kiện sinh sôi và phá hoại mùa màng. Thấy chuột quá nhiều, bà con tiêu diệt không xuể, mà đây là “mối họa” đối với nông dân địa phương mình, ông Nguyễn Văn Thành (Năm Thành), cựu chiến binh ấp Thành Phụng Tây, xã Đông Hưng, huyện An Minh, nảy ra ý định làm chủ vựa thu mua chuột. Nhờ nhiều lần đến các địa phương khác và có dịp thưởng thức những món ăn từ chuột đồng, nên ông Năm Thành thuận lợi trong việc tìm “đường đi” cho con chuột vùng U Minh Thượng.

Ông Năm Thành bộc bạch: “Lúc đầu tui chỉ muốn làm cách nào để “dời” lũ chuột này ra khỏi vùng U Minh Thượng để bà con nông dân bớt phần lo bị chuột phá hoại mùa màng, thêm nữa là giúp công ăn việc làm cho bà con mình trong lúc nông nhàn. Thế nhưng, khi bắt tay vào làm, được bà con hưởng ứng nhiều, mà tui cũng có thêm thu nhập khá nên theo nghề luôn. Thật ra, lúc đầu mới tìm mối tiêu thụ tui cũng gặp khó. Ở Rạch Giá nhiều quán cũng nhận mua chuột nhưng chỉ vài mươi kg mỗi ngày, do chưa có quán nào chuyên kinh doanh những món từ chuột. Vì vậy tui phải đến tận An Giang để tìm mối tiêu thụ”.

 Vựa thu mua của ông Năm Thành chuẩn bị đưa chuột đi các nơi tiêu thụ.

Vựa thu mua chuột của ông Năm Thành đã hoạt động 15 năm nay được nhiều người biết tiếng. Nhưng hỏi chuyện kinh doanh chuột, ông lại lắc đầu mong có ngày dẹp được cái vựa này vì khi đó không còn lũ chuột cắn phá lúa, hoa màu, cây ăn trái của bà con. Đang cân chuột của đầu mối thu gom, ông Năm Thành quay sang chỉ cho tôi vườn dâu 1 ha phía sau nhà sắp thu hoạch bị chuột cắn phá, nói: “Đó, tui lo đi thu mua chuột ở địa bàn khác còn ngay miếng vườn của mình thì bị “nó” cắn phá gần hết”.

Ông Năm Thành cho biết, mỗi năm chỉ thu mua chuột trong khoảng thời gian 1-1,5 tháng từ 15 tháng Giêng âm lịch đến hết tháng Hai âm lịch. Năm nay mưa muộn, việc thu mua có thể kéo dài trong tháng Ba âm lịch. Mỗi ngày, vựa của ông có lực lượng khoảng 20 người đi thu gom chuột ở các xã lân cận, nhiều nhất là ở An Minh Bắc, Minh Thuận, Thạnh Yên (huyện U Minh Thượng), Đông Thái (An Biên)... được khoảng 1 tấn. Đầu mối từ An Giang xuống tận vựa mua lại với giá 19.000 đồng/kg. Từ đầu mùa vụ đến nay, ông thu gom được gần 30 tấn, tính bình quân 10 con chuột/kg, nghĩa là tương đương với 300.000 con chuột.

Ngoài cái lợi mùa màng bớt bị chuột cắn phá, từ khi vựa thu mua chuột của ông Năm Thành ra đời, nhiều nông dân ở đây cũng có thêm thu nhập. Anh Phúc, anh Lành, anh Nhỏ, ngụ ấp Kinh I, xã Đông Thái, cho biết: Do hiện nay vùng này bao vuông nuôi tôm, cá gần hết nên chuột cũng vào nơi đây sinh sống. Vì vậy, các anh tập trung các lồng chuột vào đây để bẫy, trung bình mỗi đêm cũng bắt được hơn 10 kg chuột, có thu nhập từ 160.000 - 170.000 đồng. Các hộ gia đình khác mỗi đêm cũng bắt được từ 5-15 kg.

Ngoài lực lượng trực tiếp đặt bẫy bắt chuột, lực lượng thu mua chuột cho vựa cũng có thu nhập khá. Anh Đỗ Thanh Toàn, ngụ ấp Kinh I, xã Đông Thái, cho biết: “Nghề chạy xe ôm bây giờ ế ẩm quá, nên cứ đến “mùa chuột” thì tui mua lồng tranh thủ mỗi buổi sáng đi mua gom chuột từ các hộ dân xã Đông Thái và vòng qua một số ấp của xã Minh Thuận, An Minh Bắc, Đông Hưng mang về điểm tập trung của chú Năm Thành. Trung bình mỗi buổi mua gom như vậy, sau khi trừ chi phí, tui có lãi khoảng 100.000 đồng”. Còn anh Mạnh, ngụ xã An Minh Bắc, trước đây là người trực tiếp đi bẫy chuột, nhưng nay đã “truyền nghề” lại cho con để chuyển qua làm “lái chuột” cho vựa ông Năm Thành. Anh Mạnh nói: “Làm nghề gì lỗ, chứ nghề “lái chuột” thì không. Bởi vì đã có hẹn trước, sáng ra tui đi một vòng mua gom chuột theo dạng mua “sô” mang về, chú Năm Thành mua lại hết. Cũng nhờ nghề này mà tôi có công ăn việc làm thu nhập tương đối cao hơn nhiều lần so với nghề chạy xe ôm”.

Bài, ảnh: LÊ SEN

Chia sẻ bài viết