27/04/2020 - 11:55

Vợ chồng trẻ khởi nghiệp với nghề may gia công 

Có 4 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực may công nghiệp, chị Đoàn Thị Hồng Liên (SN 1988) bàn với ông xã vốn đang có nghề ổn định ở lĩnh vực xây dựng, ra thành lập công ty may, nhận gia công hàng xuất khẩu. Đồng vợ đồng chồng, hơn 1 năm từ khi thống nhất ý tưởng, Công ty may đã chính thức đi vào hoạt động, tạo việc làm cho nhiều lao động vùng nông thôn của xã Thới Tân, huyện Thới Lai.

Công nhân làm việc tại Công ty Trường Thịnh Phát, ở xã Thới Tân, huyện Thới Lai.

Những ngày cuối tháng 4-2020, không khí lao động ở Công ty may Trường Thịnh Phát ở xã Thới Tân, huyện Thới Lai rộn ràng. Hàng chục lao động phối hợp nhịp nhàng các khâu cắt vải, may, ủi, in logo và cắt chỉ, xếp hoàn thiện sản phẩm. Anh Trần Thế Vinh, ông xã chị Liên cho biết, công ty chính thức đưa vào hoạt động vào tháng 10-2019, chuyên nhận gia công các sản phẩm may mặc xuất khẩu theo đơn đặt hàng của các đối tác Đài Loan và Mỹ. Đến nay, công ty đã có hơn 60 lao động, chủ yếu là người dân địa phương, cư ngụ xã Thới Tân và thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai. Công nhân hưởng lương theo năng suất lao động. Tùy vào lượng hàng hóa gia công dao động theo mùa và tay nghề của công nhân, mỗi lao động ở công ty đang có mức thu nhập từ 4-9 triệu đồng/tháng.

   Để có được thành quả này, vợ chồng chị Liên cũng phải lên kế hoạch phát triển nghề và học hỏi thêm kiến thức, tìm kiếm đối tác tin cậy từ hơn 1 năm trước. Chị Liên cho biết: “Có lợi thế về kiến thức và kỹ năng thực hành kế toán, tôi đi học thêm nghề thiết kế thời trang để hiểu hơn về công việc mình quyết tâm gắn bó lâu dài. Lúc đầu, chúng tôi đã phân vân nhiều khi cân nhắc lựa chọn giữa các khâu cung cấp nguyên liệu, vận chuyển và gia công hàng hóa. Được sự đồng ý hỗ trợ của một người anh đi trước, có chuyên môn phụ trách kỹ thuật ở lĩnh vực may công nghiệp, chúng tôi quyết định thử “liều một phen”, mở công ty may gia công bằng một phần vốn tích lũy và còn lại là vốn vay ngân hàng”. Được chỉ điểm của người anh, vợ chồng chị Liên gầy dựng công ty ở xã Thới Tân vì nhiều lợi thế: nhân công dồi dào, giao thông thuận tiện và đặc biệt là được sự ủng hộ rất nhiệt tình của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thới Tân đã hỗ trợ giới thiệu 20 lao động phụ trách khâu may và cắt chỉ cho công ty. Anh Vinh cho biết thêm: “Vì là công ty may xuất khẩu nên chúng tôi yêu cầu khá khắt khe về tay nghề của lao động. Tất cả các lao động khi mới vào làm đều được kiểm tra tay nghề, ai chưa rành nghề thì được đào tạo lại và bố trí làm các khâu đơn giản trước”.

Với lợi thế về vị trí, công ty thu hút rất nhiều chị em có tay nghề may khéo léo vì trước đây các chị phải chật vật đi làm xa gia đình, không thuận tiện  hoặc do không tìm được việc làm nên các chị an phận quanh năm gắn bó với vườn ruộng, thu nhập không cao. Chị Nguyễn Thị Ngọc Châu, ngụ ấp Thới Phước A, xã Thới Tân, vào làm ở Công ty Trường Thịnh Phát được hơn 3 tháng nay, thu nhập mỗi tháng trung bình khoảng 4 triệu đồng. Chị cho biết: “Trước đây tôi từng đi học may, biết nghề nhưng ở nhà quanh năm chỉ làm ruộng. Giờ có công ty mở gần nhà, tôi bàn với chồng gửi con nhờ bà nội trông giữ tiếp, ông xã làm ruộng, còn tôi đi may ở công ty, kiếm thêm được một phần thu nhập. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình thoải mái hơn và tích lũy được tiền lo cho con ăn học”. Đặc biệt, gia đình chị Trần Thị Thà, ở ấp Đông Hòa A, xã Thới Tân có đến 4 thành viên cùng làm ở Công ty Trường Thịnh Phát. Chị Thà nói, công ty cách nhà chị chưa tới 2km nên từ khi công ty mở ra, chị với ông xã thống nhất cho thuê 2 công ruộng rồi cùng 2 con gái đi làm ở công ty. Trước đây, chị đã từng có thời gian may gia công cho một công ty may khác ở phường Phước Thới, quận Ô Môn nên thu nhập hằng tháng của chị hiện đạt từ 5-6 triệu đồng/tháng.

Không chỉ góp phần tạo việc làm cho lao động tại địa phương, trong mùa dịch bệnh COVID-19 vừa qua, doanh nghiệp của vợ chồng chị Liên là đơn vị  tích cực hỗ trợ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) địa phương cắt khẩu trang, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Bà Phạm Thị Bích Phượng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thới Lai, cho biết: “Công ty Trường Thịnh Phát tạo việc làm và góp phần rất hiệu quả tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ trên địa bàn. Bên cạnh đó, chúng tôi rất hoan nghênh sự ủng hộ nhiệt tình của công ty trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương với việc hỗ trợ 7.000 cái khẩu trang và hỗ trợ cắt miễn phí thêm gần 20.000 khẩu trang vải. Thời gian tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ doanh nghiệp này tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội để mở rộng quy mô xưởng sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương”.

Anh Vinh, chị Liên bật mí với chúng tôi rằng, thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu đặt hàng của các đối tác, công ty cần mở rộng mặt bằng, tuyển số lượng lao động tăng gấp 3-4 lần hiện tại. Vì thế, được sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền và hội đoàn thể địa phương, anh chị cũng cam kết sẽ chăm lo chính sách cho người lao động thật tốt, đồng thời tham gia đóng góp cho hoạt động vì cộng đồng ở địa phương trong khả năng.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết