27/09/2018 - 10:59

VNSAT tăng cường huấn luyện nông dân sản xuất lúa sạch 

Ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đang xây dựng cánh đồng lúa sạch với quy mô lớn trên địa bàn thành phố. Trong đó, triển khai thực hiện Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) cũng đã tích cực hỗ trợ nông dân thành phố xây dựng mô hình sản xuất lúa hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, trong năm nay, Dự án VnSAT đang tăng cường các lớp huấn luyện nông dân sản xuất lúa sạch…

Trong năm 2017, mô hình sản xuất lúa hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP đã được Dự án VnSAT hỗ trợ cho nông dân Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng (ở ấp C1, xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh). Có 36 hộ nông dân tham gia mô hình, với diện tích 76,5ha. Dự án VnSAT tập trung tập huấn kỹ thuật cho nông dân tham gia mô hình và hỗ trợ chi phí chứng nhận VietGAP, hỗ trợ cơ sở vật chất (tủ thuốc y tế cho hộ gia đình, sửa chữa kho bảo quản phân thuốc…). Đây cũng là mô hình sản xuất lúa hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên được Dự án VnSAT hỗ trợ cho nông dân tại TP Cần Thơ. Dần dần, Dự án VnSAT mở rộng huấn luyện nông dân TP Cần Thơ sản xuất lúa sạch.

Nông dân TP Cần Thơ ngày càng sản xuất lúa theo hướng sạch, bảo vệ môi trường và bền vững hơn. 

Tháng 9-2018, Dự án VnSAT đã tổ chức lớp tập huấn VietGAP, hỗ trợ nông dân Hợp tác xã Hiếu Bình (ở ấp H2, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh). Khoảng 40 nông dân là thành viên hợp tác xã, nông dân trong khu vực tham gia lớp học và áp dụng vào thực tế. Nông dân tham gia lớp tập huấn được huấn luyện về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn cho sức khỏe và môi trường, sơ cấp cứu trong lúc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; quy trình sản xuất lúa theo VietGAP (sản xuất nông nghiệp TOT) nhằm phát triển nền sản xuất nông nghiệp bền vững, với mục đích đảm bảo an toàn thực phẩm, an sinh cho người lao động và bảo vệ môi trường…

Nông dân Vũ Minh Hoàng, ở ấp H2, xã Thạnh An, tham gia lớp tập huấn VietGAP này, cho biết: “Qua lớp tập huấn, nông dân được cập nhật kiến thức về VietGAP, sản xuất nông sản sạch. Từ đó, nông dân biết cách hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng theo 4 đúng (đúng thuốc, đúng bệnh, đúng liều lượng và đúng thời điểm), tránh gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Ngoài ra, cần có sổ ghi chép nhật ký sản xuất, để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. VietGAP cũng chủ trương mang lại an toàn cho người tiêu dùng (sản phẩm nông sản sạch), bảo vệ môi trường và sức khỏe cho người lao động (hạn chế dùng thuốc), tăng lợi nhuận cho nông dân (áp dụng kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất). Lớp tập huấn VietGAP nói chung rất cần thiết với nông dân, sản xuất lúa không chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu mà còn phải vì sức khỏe cộng đồng và đảm bảo môi trường chung…”.

Cũng theo ông Vũ Minh Hoàng, qua lớp tập huấn, có nhiều kiến thức về VietGAP ông có thể áp dụng ngay vào sản xuất lúa, kết hợp với các kỹ thuật canh tác tiên tiến ông đang áp dụng là “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, để mang lại hiệu quả bền vững hơn. Thời gian qua, nhờ áp dụng “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, lợi nhuận ông Hoàng thu được từ sản xuất lúa hàng hóa tăng lên đáng kể. Vụ hè thu 2018, ông đã giảm mật độ gieo sạ xuống chỉ còn dưới 20kg/công tầm lớn, bón phân hạn chế với khoảng 60kg/công, đặt biệt là số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm chỉ còn khoảng 4 lần/vụ. Nhờ vậy, với 2,5ha đất, ông thu hoạch được khoảng 16 tấn lúa, bán với giá 5.700 đồng/kg (lúa Đài Thơm 8) được hơn 90 triệu đồng, trừ chi phí còn lời khoảng 34 triệu đồng.

Nông dân Nguyễn Ngọc Liêm, ở ấp G2, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thành viên Hợp tác xã Hiếu Bình, cũng cho biết: “Đầu vụ lúa thu đông 2018, Chi cục Phát triển nông thôn thành phố tổ chức một lớp tập huấn VietGAP. Có 16 nông dân là thành viên hợp tác xã và nông dân trong khu vực tham gia. Học xong, nông dân áp dụng thực hành làm theo quy trình VietGAP với diện tích 33,9ha. Tham gia lớp học, chủ yếu nông dân được trang bị các kiến thức về VietGAP và chuẩn bị một số “phần cứng” để áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP như: nhà kho, thùng chứa phân, thuốc bảo vệ thực vật; bảo hộ lao động khi phun thuốc; trang bị tủ y tế gia đình. Nông dân cũng ghi chép nhật ký đồng ruộng theo mẫu VietGAP: sử dụng thuốc, ngày phun, thời gian cách ly thuốc… Đến nay, lúa thu đông được gần 2 tháng tuổi, đang phát triển tốt. Dự kiến, đến gần thu hoạch sẽ lấy mẫu, tổng kết, thực hiện chứng nhận sản phẩm”. Với 6,5ha, vụ này anh Liêm dự kiến thu hoạch gần 40 tấn lúa.

Anh Liêu Thanh, Quyền Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Thạnh, cho biết, trong Dự án VnSAT có nhiều bước, đầu tiên là trang bị kiến thức “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” cho nông dân, sau đó tiến tới xây dựng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tìm đầu ra sản phẩm cho nông dân thông qua liên kết với doanh nghiệp bao tiêu. Hiện nay, đang tập trung xây dựng mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP, từ đó mở rộng ra xây dựng mô hình cánh đồng lúa sạch theo chủ trương của thành phố. Trong đó, mô hình xây dựng VietGAP tại Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng có diện tích 100ha, với 41 hộ nông dân tham gia dự kiến được công nhận vào cuối vụ lúa thu đông này và sắp tới cũng sẽ xây dựng nhiều mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
VNSATVietGAP