15/04/2019 - 17:26

VnSAT phát huy hiệu quả ở vùng ÐBSCL 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hơn nửa chặng đường thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT, giai đoạn 2015-2020), đến nay đã tạo được chuyển biến tích cực, đúng hướng trong phát triển ngành nông nghiệp. Qua đó, VnSAT đã tổ chức sản xuất cho hàng trăm ngàn nông dân tiếp cận, áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững, nâng cao chất lượng nông sản và liên kết theo chuỗi giá trị, từ sản xuất đến liên kết, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã và tăng thu nhập cho nông dân khoảng 30%. 

Mô hình cánh đồng lớn liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học tiến bộ, phương thức canh tác bền vững theo VnSAT tại TP Cần Thơ cho hiệu quả cao trong những năm qua.

► Chuyển biến

Theo Ban quản lý các dự án nông nghiệp Trung ương, từ khi triển khai dự án VnSAT đến nay đã tác động tích cực tới 421 tổ chức nông dân ở cả 2 vùng ĐBSCL và Tây Nguyên (trong khi mục tiêu chỉ 300 tổ chức nông dân). Thông qua các hoạt động đào tạo quy trình canh tác bền vững, thực hành các biện pháp thâm canh an toàn, hiệu quả, dự án đã đánh giá và lựa chọn đợt 1 có 64 tổ chức nông dân tiên tiến đáp ứng các tiêu chuẩn về quy mô và tỷ lệ hộ nông dân áp dụng các quy trình được đào tạo để đầu tư cơ sở hạ tầng và thiết bị phục vụ sản xuất. Hiện nay có 40 tổ chức nông dân đã thực hiện xong các thủ tục đầu tư và đang thi công xây lắp. Các công trình đầu tiên hoàn thành và đưa vào phục vụ sản xuất trong thời gian sớm nhất. Cùng lúc 73 tổ chức nông dân tiên tiến tiếp tục được sàng lọc, đánh giá xem xét cho đợt đầu tư tiếp theo; đã có 42 tiểu dự án được thông qua danh mục đầu tư.

Huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ được tham gia thực hiện Dự án VnSAT. Mục tiêu của dự án là tăng 30% lợi nhuận cho nông dân trồng lúa. Tham gia dự án này, nông dân được tập huấn hỗ trợ để hoàn thiện và ứng dụng rộng rãi kỹ thuật canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, triển khai thực hiện công trình thủy lợi, hạ tầng sản xuất nông nghiệp... Với việc đầu tư ứng dụng kỹ thuật canh tác tiến bộ, cây lúa sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, nhất là đối với sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, cháy bìa lá, lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng được sử dụng hạn chế nên tiết kiệm chi phí và giảm thiểu tác hại đến môi trường. Cùng với đó, huyện Cờ Đỏ cũng tích cực chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng phù hợp với điều kiện mới. Bà Trần Thị Nhung Em, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Địa phương đang trình diễn các mô hình sản xuất nông nghiệp theo Dự án VnSAT trên địa bàn, như: mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng mẫu; mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên ruộng lúa ở xã Thới Hưng, Đông Thắng và xã Thới Xuân... cho kết quả khá cao và sẽ được nhân rộng trong thời gian tới”.

Theo Ban Quản lý VnSAT Trung ương, điểm nhấn trong quá trình thực hiện các hợp phần theo kế hoạch thực hiện dự án tại các địa phương là chú trọng công tác đào tạo cho nông dân về thực hành sản xuất theo các quy trình canh tác bền vững. Đến nay, toàn Dự án VnSAT đã đào tạo được hơn 206.000 hộ nông dân. Kết quả sau tập huấn diện tích lúa áp dụng quy trình sản xuất “3 giảm 3 tăng” đạt khoảng 54%, “1 phải 5 giảm” đạt 51%... Bên cạnh đó, qua áp dụng các biện pháp canh tác bền vững đã tạo điều kiện trong việc thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị. Tại ĐBSCL có hơn 38.700ha lúa được bao tiêu sản phẩm (so mục tiêu cuối kỳ dự án là 50.000ha); thực hiện cung cấp tín dụng cho 8 doanh nghiệp vay vốn đầu tư nâng cấp nhà máy chế biến lúa gạo hơn 11 triệu USD (mục tiêu cuối cùng 40 triệu USD). Cụ thể, kết quả sản xuất lúa gạo lợi nhuận tăng 21,3%, đạt 67% so mục tiêu cuối kỳ là tăng 30%...

► Tháo gỡ vướng mắc

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định: Năm 2019 là cột mốc quan trọng, tăng tốc đến 2020 là kết thúc Dự án VnSAT. Theo đánh giá chung tại các địa phương triển khai dự án ở ĐBSCL, công tác tập huấn kỹ thuật nông dân đạt bước tiến khá. Tại một số tỉnh, nhiều tiểu dự án trong khuôn khổ VnSAT đang tiến hành giải ngân tốt. Hiệu quả bước đầu của dự án tác động tích cực trong hình thành chuỗi giá trị lúa gạo, các hợp tác xã, tổ hợp tác có chuyển biến nâng chất, nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, hiện còn một số địa phương chậm tiến độ giải ngân thực hiện so kế hoạch. Do đó, sắp tới Ban Quản lý dự án VnSAT các tỉnh cần nhanh chóng có biện pháp tháo gỡ khó khăn để đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án.

Theo Ban quản lý VnSAT Trung ương, từ khi triển khai dự án đến cuối tháng 1-2019, dự án đã giải ngân được 1.783 tỉ đồng, đạt 28% kế hoạch tổng thể, trong đó vốn IDA giải ngân 1.690 tỉ đồng, đạt 33% (trong đó vốn tín dụng IDA là 1.202 tỉ đồng đạt 53% kế hoạch, vốn phi tín dụng 488 tỉ đồng đạt 17% kế hoạch). Năm 2018 ghi nhận tiến độ giải ngân các tỉnh chuyển biến tích cực, như: An Giang đạt 100%, Tiền Giang đạt 76%, Hậu Giang 72%. Các tỉnh còn lại đạt từ 31% đến 68%. Riêng các tỉnh Long An, Đồng Tháp và TP Cần Thơ tiến độ giải ngân còn thấp. Ông Cao Văn Hóa, Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, cho biết: “Để đáp ứng theo kế hoạch được phê duyệt, năm 2019 tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm bố trí vốn để kịp tiến độ triển khai dự án và hoàn thành tốt đến cuối năm 2020”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu Ban quản lý Dự án VnSAT các tỉnh, thành đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các tiểu dự án, vốn tín dụng; linh hoạt trong các tiêu chí thực hiện liên kết sản xuất với các tổ chức nông dân, hợp tác xã. Về thủ tục hành chính, công tác đấu thầu; lựa chọn thiết bị đầu tư, xây lắp, Đồng thời lãnh đạo các địa phương quan tâm, phân cấp, tháo gỡ thủ tục hành chính và xét duyệt đấu thầu để đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án VnSAT trong năm 2019 và năm 2020.

VnSAT là dự án được tài trợ bởi Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA/WB) và Chính phủ Việt Nam với tổng số vốn 301 triệu USD (trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) 238 triệu USD, vốn đối ứng Chính phủ 28 triệu USD…); thời gian thực hiện 2015-2020. Trong đó, ĐBSCL có 8 tỉnh, thành tham gia dự án. Mục tiêu VnSAT góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đổi mới phương thức canh tác bền vững, áp dụng công nghệ tiên tiến; nâng cao chuỗi giá trị cho hai ngành hàng: lúa gạo với 200.000ha của 140.000 hộ nông dân áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận của nông dân trên mỗi héc-ta tăng thêm 30%; cà phê với 69.000ha của 63.000 hộ nông dân (thuộc 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên) áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận trên mỗi héc-ta sẽ tăng thêm 15 triệu đồng. VnSAT hoàn thành sẽ góp phần nâng cao chất lượng nông sản lúa gạo, cà phê cho hai vùng sản xuất hàng hóa chủ lực với tổng giá trị tăng thêm cho vùng ĐBSCL 40-60 triệu USD/năm và Tây Nguyên tăng 48-50 triệu USD/năm...

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết