08/10/2020 - 11:15

Vĩnh Thạnh sản xuất gạo sạch, an toàn 

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ đã có những chuyển biến tích cực nhất là trên lĩnh vực sản xuất lúa gạo. Bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo gắn với quá trình sản xuất sạch, an toàn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân.

Lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh thăm mô hình sản xuất lúa của THT gạo sạch My Hậu, xã Vĩnh Trinh.

Với mục tiêu xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh, huyện Vĩnh Thạnh đã tập trung thực hiện đề án "Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với quá trình sản xuất sạch, an toàn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân". Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Quán triệt chủ trương về phát triển nông nghiệp, Phòng đã xây dựng Ðề án về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai đồng bộ từ huyện đến các xã, thị trấn. Qua đó, nhận thức của người nông dân được nâng lên, góp phần thay đổi tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn thông qua các mô hình hợp tác xã (HTX), cánh đồng lớn... Cũng từ đây bà con biết quan tâm đến chất lượng hàng hóa và đảm bảo an toàn".

Hằng năm, diện tích trồng lúa ở huyện Vĩnh Thạnh là 67.646ha với tổng sản lượng 405.492 tấn, lợi nhuận ước đạt 48,10 triệu đồng/ha/năm. Huyện đã xây dựng và nhân rộng được 94 cánh đồng lớn, diện tích 15.107ha, có 282ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, nông dân sản xuất trong mô hình cánh đồng lớn lợi nhuận còn tăng thêm từ 10-15% nhờ tiết kiệm được chi phí trong quá trình canh tác. Theo lãnh đạo ngành Nông nghiệp, trong sản xuất nông dân ngày càng quan tâm đến chất lượng hạt giống, việc sử dụng lúa hàng hóa, lúa ngang để làm giống hầu như không còn, thay vào đó là các giống lúa chất lượng, giá trị cao, thích ứng điều kiện của địa phương, như: OM 5451, Ðài Thơm 8, Nàng hoa 9, RVT, DS1… Ðồng thời, người trồng lúa còn quan tâm lịch thời vụ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, dịch hại theo hướng sạch, an toàn, sử dụng các chế phẩm sinh học, các loại phân, thuốc hữu cơ… Từ đó, góp phần nâng cao giá trị, chất lượng lúa hàng hóa, tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.

Ông Bùi Văn Biển, nông dân ở xã Vĩnh Trinh, cho biết: "Ngành Nông nghiệp huyện và xã tổ chức các lớp tập huấn giúp chúng tôi nắm bắt kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất hiệu quả hơn, như sử dụng giống tốt, chất lượng, kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, tưới tiết kiệm nước, tưới ướt khô xen kẽ, áp dụng các biện pháp quản lý đồng ruộng, hạn chế tối đa việc sử dụng phân, thuốc hóa học nhằm tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo môi trường và sức khỏe". Anh Nguyễn Duy Linh ở xã Thạnh Tiến, một trong những nông dân tâm huyết với hạt gạo, qua nhiều năm đã góp phần xây dựng được thương hiệu gạo sạch Khang Việt, cho biết: "Ðiều quan trọng nhất trong canh tác lúa hữu cơ là quản lý được đồng ruộng, nắm bắt kịp thời tình hình sinh trưởng, phát triển của lúa cũng như sâu bệnh, dịch hại để sử dụng phân bón và các chế phẩm sinh học hợp lý, đúng thời điểm, đồng thời có giải pháp hạn chế đơ bông, muối hạt thì lúa đảm bảo năng suất".

Ra đời vào cuối năm 2018, Tổ hợp tác (THT) sản xuất gạo sạch My Hậu, xã Vĩnh Trinh có 8 thành viên, diện tích đất sản xuất 30ha. Vượt qua những trở ngại, khó khăn ban đầu về sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, an toàn, từng bước giúp THT đi vào hoạt động ổn định, các thành viên ngày càng tin tưởng vào hiệu quả kinh tế khi chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang canh tác lúa không sử dụng phân, thuốc hóa học. Ông Dương Ðình Vũ, Tổ Trưởng THT gạo sạch My Hậu, nói: "Quy trình canh tác lúa của THT khá nghiêm ngặt, ngay cả khâu ngâm ủ giống cũng không được sử dụng thuốc kích thích nẩy mầm, sinh trưởng, cỏ dại thì xử lý trước khi gieo sạ hoặc thuê nhân công loại bỏ bằng phương pháp thủ công. Trong suốt quá trình canh tác chỉ bón lót phân Urê cử đầu tiên còn lại sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học trong việc phòng trừ sâu bệnh… có như vậy thì sản phảm gạo mới đảm bảo an toàn. Hiện nay sản phẩm gạo My Hậu có mặt tại nhiều cửa hàng tại TP Cần Thơ, tỉnh Long An, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và có thêm mặt hàng gạo tím thảo dược".

Ngoài THT gạo sạch My Hậu tạo dựng được thương hiệu, nhiều HTX, THT cũng chuyển hướng sản xuất lúa hàng hóa theo hướng hữu cơ, an toàn, như: HTX Khiết Tâm, HTX Hiếu Bình, HTX Quỳnh Phúc, HTX Thần Nông. Một số HTX cũng đã xây dựng được thương hiệu sạch, an toàn, như: Thạnh Ðạt, Ðồng Vạn, gạo sạch Khang Việt,…

Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành Nông nghiệp huyện, quá trình tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo gắn với sản xuất sạch, an toàn huyện cũng gặp nhiều khó khăn do thị trường lúa gạo không ổn định, ảnh hưởng đến mức lợi nhuận của người trồng lúa; sự liên kết, phối hợp giữa "4 nhà" thiếu chặt chẽ, các biện pháp hỗ trợ các hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa đồng bộ, chưa xây dựng được mô hình có sự gắn kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ cũng như giữa nông dân và doanh nghiệp, chưa tạo được mối quan hệ đối tác tin cậy nên thiếu tính bền vững, số diện tích doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu mỗi vụ chỉ chiếm khoảng 10% diện tích đất trồng lúa của huyện (25.200ha)…

Ðể thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo gắn với sản xuất sạch, an toàn, ông Nguyễn Ngọc Hiền, khẳng định: Cùng với tháo gỡ những khó khăn, bất cập như vừa nêu, các cấp, các ngành cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; xây dựng thêm nhiều mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, an toàn; tăng cường liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ theo mô hình THT, HTX,… Ðồng thời, kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua, sơ chế và bảo quản (tạm trữ); khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để thu hút doanh nghiệp sản xuất lúa sạch, an toàn nhằm thúc đẩy sản xuất lúa gạo phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HÐH nông nghiệp, nông thôn…

Bài, ảnh: MINH HẢI

Chia sẻ bài viết