23/06/2012 - 20:22

Kỷ niệm 48 năm ngày truyền thống tiểu đoàn Tây Đô (24/6/1964-24/6/2012)

Vinh danh Tiểu đoàn anh hùng

Ngày 24-6-1964, tại xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), Tiểu đoàn Tây Đô (TĐTĐ) – đứa con của lực lượng vũ trang tỉnh Cần Thơ (nay là TP Cần Thơ) ra đời. Qua 48 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, TĐTĐ đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được Đảng bộ và nhân dân Cần Thơ thương yêu, quý mến.

* “Ra đi là chiến thắng…”

      Tiểu đoàn Tây Đô, Trung đoàn 932 ngày càng trưởng thành về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong ảnh: Chiến sĩ Tiểu đoàn Tây Đô duyệt đội ngũ trong lễ tuyên thệ chiến sĩ mới đợt 1 năm 2012.  

Cách đây 48 năm, TĐTĐ được thành lập trên cơ sở các Đại đội độc lập 31, 23 và 28 cùng với Đại đội Đặc công, Đại đội Trợ chiến và các bộ phận thông tin, trinh sát, đoàn bộ. Ngày đầu thành lập, TĐTĐ có trên 1.330 cán bộ, chiến sĩ (phần lớn quê ở Cần Thơ), với trang bị thô sơ gồm súng carbin, garant, hỏa lực chủ yếu là súng trung liên Bar, thượng liên... Trong buổi lễ ra mắt Tiểu đoàn trước đại diện tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Tỉnh đội và nhân dân, đồng chí Bùi Quang Đơ, Tiểu đoàn trưởng, thay mặt cán bộ, chiến sĩ hứa hẹn “TĐTĐ ra đi là chiến thắng, đánh là tiêu diệt”. Lời hứa ấy như nhắc nhở, động viên các cán bộ, chiến sĩ giữ vững lòng trung thành với Đảng, trung hiếu với nhân dân, quyết chiến, quyết thắng.

Từ mảnh đất Phương Bình, TĐTĐ đã hành quân và chiến đấu từ Cần Thơ đến Sóc Trăng, Rạch Giá, An Giang và Hà Tiên. Chiến công đầu tiên của Tiểu đoàn là tiêu diệt 1 đại đội bảo an của tỉnh Long Xuyên tại xã Trung An, Thốt Nốt (nay là xã Trung An, Cờ Đỏ). Sau chiến thắng đầu tiên, TĐTĐ càng đánh càng trưởng thành làm cho Mỹ – ngụy bị tổn thất nặng nề. Điển hình như trận đánh Ông Hào – Áng Khám ở xã Trường Long ngày 8-6-1965. Trận đánh này TĐTĐ diệt gọn một tiểu đoàn, làm thiệt hại Trung đoàn 33, Sư đoàn 21 ngụy cùng với tiểu đoàn biệt động quân 44, tiêu diệt và làm bị thương 672 tên, bắn rơi 1 máy bay B57, thu hơn 100 súng các loại, 18 máy thông tin. Trận đánh tại kinh Tân Hiệp ngày 21-5-1966, Tiểu đoàn đã tiêu diệt được 670 tên địch, bắn cháy 5 xe M113. Trận đánh Ông Cửu ngày 10-6-1968 ở Thường Thạnh (Cái Răng), Tiểu đoàn đã diệt gọn 1 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn, diệt hơn 400 tên, thu gần 100 súng các loại...

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, TĐTĐ tập trung vào nhiệm vụ giúp dân sản xuất, ổn định cuộc sống, xây dựng quê hương. Nhưng hòa bình chưa được bao lâu, tập đoàn diệt chủng Pôn-pốt xua quân qua biên giới Tây Nam giết người, cướp của. Tháng 11-1977, cán bộ, chiến sĩ TĐTĐ được lệnh khoác ba lô cầm súng lên đường ra trận. Từ năm 1977-1989, Tiểu đoàn đã lập nhiều chiến công oanh liệt trên tuyến biên giới An Giang, Kiên Giang và trên chiến trường Campuchia. Ghi nhận thành tích đó, Nhà nước Campuchia hai lần tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho Tiểu đoàn; Đảng và Nhà nước ta tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” lần thứ hai cho Tiểu đoàn vào tháng 9-1985...

* Phát huy truyền thống anh hùng

Năm 1989, từ Campuchia trở về quê hương, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cần Thơ (nay là TP Cần Thơ), cán bộ, chiến sĩ TĐTĐ phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, ra sức xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Chúng tôi đến TĐTĐ vào những ngày cuối tháng 6-2012 được chứng kiến cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đang bước vào cao điểm đợt thi đua đột kích với chủ đề “48 ngày đêm hành động gương mẫu sáng mãi Tây Đô” để lập thành tích chào mừng kỷ niệm 48 năm ngày thành lập Tiểu đoàn. Trên thao trường huấn luyện, các cán bộ, chiến sĩ miệt mài thực hành nội dung bắn súng tiểu liên AK bài 2, ném lựu đạn bài 2 và chiến thuật tiểu đội trong chiến đấu phòng ngự. Trao đổi với chúng tôi, Binh nhì Nguyễn Hoàng Nhã, Tiểu đội 9, Trung đội 3, Đại đội Bộ binh 23, nói: “Tôi quê ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, vừa nhập ngũ vào Tiểu đoàn được hơn 4 tháng nay. Huấn luyện ở thao trường rất vất vả, nhưng so với sự hy sinh của các bậc cha chú đi trước thì chưa thấm vào đâu. Tôi luôn tự nhủ mình phải phấn đấu học tập, rèn luyện tốt để xứng đáng là thế hệ tiếp bước truyền thống của TĐTĐ anh hùng”. Binh nhì Nguyễn Hoàng Nhã cho biết thêm, nhờ nỗ lực phấn đấu, kết thúc đợt huấn luyện chiến sĩ mới vừa qua có 6/10 nội dung huấn luyện anh đạt giỏi, 4/10 nội dung huấn luyện anh đạt loại khá. Không chỉ riêng Nguyễn Hoàng Nhã, truyền thống sáng ngời của TĐTĐ luôn là nguồn động lực, cổ vũ lớn lao để nhiều cán bộ, chiến sĩ phấn đấu học tập và rèn luyện. Trung sĩ Nguyễn Văn Đức, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại đội Bộ binh 23 cũng là một điển hình về ý chí, quyết tâm vượt khó. Đức quê ở xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, nhập ngũ vào Tiểu đoàn tháng 9-2010. Qua học tập các bài giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống, Đức rất tự hào về truyền thống anh hùng của Tiểu đoàn, anh đã nỗ lực phấn đấu trong học tập và huấn luyện. Nhờ có ý thức phấn đấu học tập và rèn luyện tốt, tháng 12-2010, Đức được Ban Chỉ huy Tiểu đoàn cử đi học khóa đào tạo Tiểu đội trưởng tại Trường Quân sự Quân khu 9. Tháng 5-2011, hoàn thành khóa học trở về đơn vị Đức được Chỉ huy Tiểu đoàn phân công làm Tiểu đội trưởng. Trung sĩ Nguyễn Văn Đức bộc bạch: “Tôi rất tự hào với thành tích 48 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của đơn vị. Tôi có gắng phấn đấu học tập, rèn luyện tốt để được phục vụ lâu dài trong đơn vị”.

Theo Thiếu tá Nguyễn Trần Tổng, Tiểu đoàn trưởng TĐTĐ, nhằm động viên các chiến sĩ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Chỉ huy Tiểu đoàn luôn quan tâm giáo dục chính trị tư tưởng, gắn với giáo dục truyền thống nhằm hun đúc lòng tự hào về truyền thống đơn vị anh hùng để các chiến sĩ quyết tâm phấn đấu, rèn luyện. Bên cạnh đó, Đảng ủy, Chỉ huy Tiểu đoàn cũng luôn chú trọng đổi mới phương pháp giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự; quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ huấn luyện các cấp; chuẩn bị đầy đủ mô hình, học cụ, thao trường, bãi tập trước khi tổ chức huấn luyện; thường xuyên phát động các phong trào thi đua đột kích, thi đua huấn luyện, xây dựng đơn vị... Nhiều năm qua, qua các đợt kiểm tra của Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ, đơn vị luôn được đánh giá đạt loại giỏi. Hàng năm, công tác huấn luyện của đơn vị đạt loại khá trở lên (riêng các khóa huấn luyện chiến sĩ mới luôn đạt loại giỏi); đơn vị được Bộ CHQS thành phố công nhận vững mạnh toàn diện, được UBND thành phố tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua quyết thắng. Đơn vị đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen về thành tích tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới giai đoạn 2005-2009.

Từ ngày thành lập đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, TĐTĐ đã tác chiến trên 200 trận, giết chết và bắt sống trên 20.000 tên Mỹ – ngụy; tiêu diệt 9 tiểu đoàn chủ lực bảo an, đánh 3 căn cứ chi khu quân sự; bắn cháy 10 xe bọc thép, bắn rơi 17 máy bay, bắn cháy 15 tàu chiến. Ghi nhận công lao to lớn đó, tháng 9-1975, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho TĐTĐ.

Phát huy truyền thống gắn bó máu thịt với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ TĐTĐ luôn tích cực tham gia các hoạt động giúp dân. Hàng năm, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đã tham gia các đợt dã ngoại do Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố tổ chức đến các vùng ngoại thành, nông thôn, vùng căn cứ kháng chiến để lao động giúp dân. Những lúc trên địa bàn xảy ra thiên tai, sự cố, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn cũng tích cực tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả giúp nhân dân. Ước tính, mỗi năm, cán bộ, chiến sĩ đã đóng góp khoảng 1.000 ngày công lao động giúp nhân dân nâng cấp đường giao thông nông thôn, bắc cầu, sửa chữa trường học, cất nhà tình nghĩa, nhà tình thương, thu hoạch lúa, hoa màu... Anh Nguyễn Văn Bảo, người dân ấp Nhơn Lộc, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, kể: “Cuối tháng 5, thị trấn tổ chức ra quân đắp ta-luy, phát quang, vệ sinh môi trường tuyến đường trong ấp, các chiến sĩ TĐTĐ đã tham gia lao động cùng bà con rất nhiệt tình. Nhiều năm qua, khi địa phương tổ chức làm công trình gì cũng có chiến sĩ TĐTĐ tham gia. Vì thế bà con bớt phần vất vả...”.

* * *

Trải qua những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế, tên tuổi của TĐTĐ đã gắn bó với biết bao tên đất, tên làng, với lòng người dân Tây Đô, Quân khu 9 và nước bạn Campuchia. Đơn vị đã hai lần được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Tin tưởng rằng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ TĐTĐ hôm nay sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy xứng đáng truyền thống của đơn vị anh hùng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tình hình mới, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.

Bài, ảnh: ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết