08/01/2021 - 09:48

Vĩnh biệt nhạc sư Vĩnh Bảo - bậc đại thụ của Đờn ca tài tử Nam Bộ! 

(CTO) - Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo - bậc đại thụ sau cùng của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã vĩnh biệt chúng ta vào tối 7-1-2021, tại nhà riêng ở TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Trong hành trình cuộc đời 104 năm, nhạc sư có gần một thế kỷ gắn bó với tiếng đờn quê hương, cống hiến to lớn và vô giá cho Đờn ca tài tử, góp phần để Đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Mời bạn đọc cùng Báo Cần Thơ điện tử ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sư Vĩnh Bảo qua một số hình ảnh.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh ngày 19-8-1918 tại làng Mỹ Trà, tổng Phong Thạnh, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), trong một gia đình có truyền thống Nho học và yêu thích nghệ thuật Đờn ca tài tử.

Chân dung thân phụ và thân mẫu, nhạc phụ và nhạc mẫu của nhạc sư. Nhạc sư Vĩnh Bảo là người con thứ sáu trong gia đình có 7 người con, đều chơi được Đờn ca tài tử và hầu hết đờn tranh, đờn kìm rất giỏi.

Nhạc sư kết hôn với bà Nguyễn Thị Trâm Anh (1922-2014).

Ông bà có với nhau 7 người con, 1 gái và 6 trai, tất cả đều có năng khiếu về Đờn ca tài tử. Tuổi xế chiều, nhạc sư Vĩnh Bảo sống với người con gái Nguyễn Thị Thu Anh, cũng là một nghệ nhân đờn tranh.

Mới 5 tuổi, nhạc sư Vĩnh Bảo đã được cha mẹ cho học đờn. Đến năm 12 tuổi, nhạc sư đã chơi được nhiều loại đờn như tranh, kìm, gáo, cò, độc huyền. Một trong những đóng góp lớn của nhạc sư Vĩnh Bảo là cải biến đờn tranh từ 16 dây lên 17, 19, rồi 21 dây, có âm vực rộng hơn để dễ dàng xử lý làn hơi và điệu nhạc trong Đờn ca tài tử mà không cần phải sửa dây, kéo nhạn. Trong ảnh là những tài liệu quý báu về âm nhạc dân tộc của nhạc sư Vĩnh Bảo.

Ông vừa là nhạc sư, nhạc sĩ tài hoa, vừa là giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống trong nước và thỉnh giảng ở nhiều nước trên thế giới. Hình trên đây ghi cảnh nhạc sư Vĩnh Bảo cùng Giáo sư Trần Văn Khê trình diễn Đờn ca tài tử tại Đại học Ililnois (Mỹ) vào năm 1971 và bìa đĩa hát OCORA ghi cảnh nhạc sư Vĩnh Bảo đờn kìm, Giáo sư Trần Văn Khê đờn cò do UNESCO phát hành năm 2002, tạo được tiếng vang khắp thế giới.

Dù tuổi thượng thọ nhưng nhạc sư Vĩnh Bảo vẫn nặng lòng truyền dạy đờn tranh cho các học trò. Ông thông thạo nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Hoa, Nhật... Ông được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Nhạc sư cao tuổi nhất dạy âm nhạc trực tuyến cho học trò qua internet”.

Những hình ảnh trên đây được chúng tôi chụp lại tại Nhà trưng bày Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo - Giai điệu và Cuộc đời trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp. Nhà trưng bày là nơi lưu giữ và giới thiệu các nhạc cụ, kỷ vật và tài liệu của nhạc sư cùng với cuộc đời âm nhạc của ông.

Sau đây là những hình ảnh phóng viên Báo Cần Thơ chụp vào năm 2019 nhân dịp đến thăm nhạc sư Vĩnh Bảo tại nhà riêng và trong buổi nhạc sư kể chuyện xưa về đất Đồng Tháp do Hội Khoa học Lịch sử và Thư viện tỉnh Đồng Tháp tổ chức vào tháng 7-2019.

Tháng 5-2018, nhạc sư Vĩnh Bảo về cố hương Cao Lãnh - Đồng Tháp sinh sống trong ngôi nhà do chính quyền tỉnh Đồng Tháp vận động trao tặng. Ảnh ghi cảnh nhạc sư sử dụng máy tính rất nhanh nhẹn và linh hoạt tại tư gia.

Dù tuổi 102 (thời điểm 2019) nhưng nhạc sư vẫn rất minh mẫn, trí huệ và mang đến cho người nghe những năng lượng tích cực.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo trong vòng tay những người yêu mến ông.

Khi chúng tôi hỏi kỷ niệm về Cần Thơ, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo dành những tình cảm đặc biệt xứ sở này và còn ghi lại tặng chúng tôi những địa danh về Tây Đô thuở xưa.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết