31/07/2009 - 08:34

Việt Nam ghi nhận 794 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1)

* Ngày đầu tiên số người dương tính với cúm A(H1N1) phía Bắc cao hơn phía Nam
* Không có thêm trường hợp nghi nhiễm cúm A(H1N1) tại tòa nhà Viglacera
* CÀ MAU: Phát hiện ca đầu tiên dương tính với cúm A(H1N1)
* ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG: Bệnh sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng

Đến 17 giờ ngày 30-7, Việt Nam đã ghi nhận 794 trường hợp dương tính, trong đó có 31 trường hợp mới phát hiện trong ngày. Kể từ khi Việt Nam xuất hiện trường hợp dương tính với cúm A(H1N1) đến ngày hôm nay lần đầu tiên số ca dương tính tại miền Bắc (12 ca) nhiều hơn miền Nam 3 ca (9 ca); khu vực Tây Nguyên phát hiện thêm 10 ca dương tính còn miền Trung không phát hiện thêm ca bệnh nào.

Số ca dương tính với cúm A(H1N1) khỏi bệnh và được xuất viện đã lên tới con số 450 người. Riêng trong ngày 30-7 đã có 61 người được xuất viện. Số ca bệnh đang được tiếp tục các ly, điều trị trong các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng là 344 trường hợp, kể cả 31 trường hợp mới phát hiện. Bộ Y tế khẳng định rằng sức khỏe các ca bệnh này đều ổn định, không có biến chứng nặng và không có trường hợp tử vong.

* Chiều 30-7, Phó Giám đốc Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia Nguyễn Hồng Hà khẳng định: Không có thêm trường hợp nghi nhiễm cúm A(H1N1) tại tòa nhà Viglacera ở Hà Nội. Theo quy định, những nơi phát hiện có người nhiễm và nghi nhiễm vi rút cúm đều tiến hành các biện pháp vệ sinh phòng bệnh như phun thuốc khử khuẩn, khử trùng để diệt khuẩn, làm sạch môi trường.

Trong tình hình dịch đã lây ra cộng đồng, Bộ Y tế yêu cầu: ở những nơi tập trung đông người như trường học, công sở, khu công nghiệp, công sở..., nguy cơ lây nhiễm cúm A/H1N1 rất cao. Do đó từng người dân, gia đình, nhân viên các công sở cần tăng cường giám sát, chủ động phát hiện kịp thời các trường hợp nghi nhiễm cúm A/H1N1, báo cáo với cơ quan y tế gần nhất để xử lý môi trường và cách ly người bệnh. Đồng thời, mỗi người dân cần tự bảo vệ bản thân, gia đình để tránh nguy cơ nhiễm cúm và lây lan ra cộng đồng.

* Bác sĩ Trịnh Hòa Lợi, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết: Tại ấp 4, xã Thới Bình, huyện Thới Bình có 1 ca dương tính với cúm A(H1N1) đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Thới Bình, sức khỏe ổn định, tiến triển tốt. Đó là em N.H.T.Đ., học sinh Trường Trung học tư thục Ngô Thời Nhiệm (TP Hồ Chí Minh), nơi xuất hiện ổ dịch cúm A(H1N1), về nghỉ ở Cà Mau. Trong thời gian nghỉ tại nhà, Đ. và người em bị sốt nên cả hai cùng nhập viện. Bệnh viện đa khoa huyện Thới Bình lấy mẫu gửi Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh xét nghiệm ngày 26-7 và cho kết quả bệnh nhân Đ. dương tính với cúm A(H1N1), còn em của Đ. âm tính. Đây là trường hợp nhiễm cúm A(H1N1) đầu tiên phát hiện ở Cà Mau.

Trên địa bàn tỉnh còn 14 trường hợp nghi nhiễm cúm ở thành phố Cà Mau, các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Cái Nước. Sở Y tế Cà Mau lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, phối hợp với các địa phương quản lý chặt chẽ để kịp thời cách ly, điều trị cho những trường hợp trên.

Theo thống kê từ Trung tâm dự phòng và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC): Tính đến 30-7, toàn thế giới đã ghi nhận 175.785 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1) tại 145 quốc gia/vùng lãnh thổ, 1.116 trường hợp tử vong. WHO nhận định, dịch đang diễn biến phức tạp tại một số nước nam bán cầu nơi hiện giờ là mùa Đông như Australia, New Zeland, Chile, Argentina.

Tại khu vực Đông Nam Á, dịch vẫn diễn biến phức tạp, số trường hợp mắc mới tăng nhanh, nhiều nước đã ghi nhận tử vong: Philippines (mắc: 2.668, tử vong: 03); Singapore (mắc: 1217, tử vong: 05); Brunei (mắc: 334, tử vong: 01); Malaysia (mắc: 1.266, tử vong: 04); Lào (mắc: 113, tử vong: 01); Indonesia (mắc: 444, tử vong: 01). Thái Lan đã ghi nhận 8.879 trường hợp dương tính, 65 ca tử vong; Bộ Y tế nước này đã xác nhận trường hợp lây nhiễm cúm A(H1N1) từ mẹ sang thai nhi đầu tiên. Hiện nay, nhiều trường học, nhà trẻ tại Thái Lan và Malaysia đã bị đóng cửa tạm thời để ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm A(H1N1).

* Ngày 30-7, Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) tiếp tục gia tăng rất nhanh và có nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian tới.

Tại thành phố Cần Thơ, chỉ trong tháng 7, số ca mắc bệnh SXH là 122 ca (tăng 64,8% so với tháng trước). Từ đầu năm đến nay, thành phố Cần Thơ có hơn 600 ca SXH (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ). Tại tỉnh Kiên Giang, số ca mắc bệnh SXH lên đến gần 250 ca/tuần. Tổng số ca mắc bệnh SXH từ đầu năm cho đến cuối tháng 7 là gần 2.500 ca. Tương tự, tại tỉnh Trà Vinh, bệnh SXH tiếp tục gia tăng nhanh, trung bình mỗi tuần có khoảng 75 đến 80 ca bệnh SXH. Từ đầu năm đến nay có gần 1.200 ca bệnh SXH, trong đó đã có 2 ca tử vong. Tương tự, tại tỉnh Sóc Trăng, tính từ đầu năm đến nay số ca bệnh SXH đang được theo dõi và điều trị là gần 2.400 ca; ước tính mỗi tuần có gần 150 ca mắc bệnh SXH mới (tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm 2008). Hiện tỉnh Sóc Trăng đã có 6 ca tử vong do SXH, chủ yếu là trẻ em. Tại Đồng Tháp, số ca mắc bệnh SXH tăng 72% so với cùng kỳ, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Tại 2 tỉnh Hậu Giang và An Giang, theo thống kê của ngành Y tế từ đầu năm đến nay đã có hơn 1.300 ca mắc bệnh SXH. Trong đó, tỉnh Hậu Giang vừa có một trường hợp tử vong ở huyện Châu Thành A...

Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh đang tích cực triển khai chiến dịch dập dịch, khống chế số ca bệnh, không để lây lan.

NHÓM PV TTXVN

Chia sẻ bài viết