15/10/2009 - 22:22

Viêm khớp dạng thấp - "kẻ thù" khó nhận diện

Ths. Bs. ĐOÀN THỊ TUYẾT NGÂN
(Trường Đại học Y Dược Cần Thơ)

Viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, như: tim, gan, phổi, thận…. Bệnh không chỉ làm giảm tuổi thọ từ 3-5 năm mà còn làm giảm chất lượng sống của bệnh nhân. Cái khó của bệnh là khó chẩn đoán chính xác, chưa rõ nguyên nhân gây bệnh nên khó dự phòng và chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn. Lời khuyên chung là nên đến gặp bác sĩ ngay khi thấy xuất hiện những triệu chứng ban đầu khá mơ hồ, như: cứng khớp, khó vận động vào buổi sáng; mệt mỏi, yếu sức, sốt vào buổi chiều...

Viêm khớp dạng thấp là bệnh mãn tính, không rõ nguyên nhân. Bệnh mang tính xã hội vì hay gặp nhất trong các bệnh khớp, diễn biến kéo dài và thường dẫn đến hậu quả là bệnh nhân bị tàn phế. Còn có nhiều tên gọi khác về bệnh viêm khớp dạng thấp, như: thấp khớp teo đét, viêm khớp mãn tính tiến triển, thấp khớp mãn tính dính và biến dạng, viêm đa khớp dạng thấp.

Khoảng 1% dân số thế giới bị viêm khớp dạng thấp. Ở VN, bệnh nhân viêm khớp dạng thấp chiếm khoảng 0,5% dân số. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, ở cả nam lẫn nữ. Tuy nhiên, nữ giới mắc bệnh nhiều hơn nam giới gấp 3 lần và bệnh thường phổ biến ở độ tuổi trung niên. Có khoảng 80% bệnh nhân ở tuổi 35-50 tuổi.

Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, nhưng chủ yếu tấn công vào khớp, gây tình trạng viêm màng hoạt dịch. Viêm màng hoạt dịch là viêm màng lót các khớp và bao gân làm các khớp của bệnh nhân bị sưng, đau, nóng. Viêm khớp có tính chất đối xứng 2 bên, mu bàn tay sưng nhiều hơn lòng bàn tay. Bệnh nhân bị đau nhiều về đêm và gần sáng; có thể có tràn dịch trong khớp gối kèm theo cứng khớp vào buổi sáng sớm sau khi thức dậy hoặc sau một thời gian dài không hoạt động. Cứng khớp vào buổi sáng thường kéo dài hơn một giờ đồng hồ.

Theo thời gian, nhiều khớp bị tổn thương, phổ biến nhất là các khớp nhỏ ở bàn tay, bàn chân, cột sống cổ. Các khớp lớn hơn cũng có thể bị ảnh hưởng, như: khớp vai, khớp gối và sự thay đổi tùy theo cơ địa của từng người. Khớp háng, cột sống, khớp hàm, khớp ức đòn cũng có thể bị tổn thương nhưng hiếm gặp và thường xuất hiện muộn. Viêm khớp tiến triển nặng dần dẫn đến dính và biến dạng khớp. Dính và biến dạng khớp trầm trọng sẽ gây mất chức năng vận động, tàn phế hoàn toàn.

Ngoài ra, bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp còn có thể có biểu hiện toàn thân và ngoài khớp, như: sốt nhẹ, gầy sút, mệt mỏi, ăn ngủ kém, thiếu máu, rối loạn thần kinh thực vật, nổi các hạt dưới da, teo cơ rõ rệt vùng quanh khớp tổn thương... Một số ít trường hợp có thể tổn thương cơ tim, màng ngoài tim, viêm màng phổi nhẹ, xơ phổi, hạch to, lách to, loãng xương, gãy xương tự nhiên, viêm các mạch máu nhỏ và đường kính trung bình, viêm giác mạc, viêm mống mắt thể mi, chèn ép các dây thần kinh, nhiễm bột ở thận...

Viêm khớp dạng thấp khó chẩn đoán vì không có một xét nghiệm riêng nào dành cho bệnh này. Triệu chứng bệnh có thể giống như các bệnh khớp khác và chỉ có thể nhận biết triệu chứng đầy đủ sau một thời gian bệnh phát triển. Nguyên nhân gây bệnh cũng chưa được biết một cách chính xác. Gần đây, viêm khớp dạng thấp được xem là một bệnh tự miễn dịch do hệ thống miễn dịch của con người tấn công vào chính các mô, cơ quan của chính cơ thể người đó với sự tham gia của nhiều yếu tố: nhiễm trùng, cơ địa, di truyền, các yếu tố thuận lợi (như: suy yếu mệt mỏi, lạnh và ẩm kéo dài, phẫu thuật...). Về yếu tố di truyền, viêm khớp dạng thấp có tính chất gia đình, truyền từ cha mẹ sang con cái.

Cho đến nay chưa có phương pháp nào có thể điều trị khỏi viêm khớp dạng thấp. Nguyên tắc chung trong điều trị viêm khớp dạng thấp là phải kiên trì, liên tục, có khi suốt cả đời và cần kết hợp nhiều biện pháp: nội khoa, ngoại khoa, vật lý trị liệu, chỉnh hình... Cách điều trị chủ yếu là nhằm mục đích chống hiện tượng viêm ở khớp và các mô khác, làm ngưng hoặc làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, duy trì chức năng của khớp và cơ, phòng ngừa sự biến dạng, sửa chữa tổn thương ở khớp nhằm giảm đau hay phục hồi chức năng. Bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa khớp tư vấn, chẩn đoán xác định và chọn lựa phương pháp điều trị thích hợp nhất.

Điều đáng lo là không có biện pháp phòng ngừa bệnh viêm khớp dạng thấp, mặc dù điều trị sớm tích cực có thể làm ngưng hoặc làm chậm tiến triển của bệnh. Vì vậy, bệnh nhân có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh nên đến bác sĩ sớm để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế tình trạng viêm khớp nặng thêm hoặc biến chứng nặng có thể xảy ra.

Không có chế độ ăn uống đặc biệt dành cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, bệnh nhân cần áp dụng chế độ ăn tốt cho sức khỏe, như: ăn nhiều trái cây, thịt nạc, ăn ít mỡ, bảo đảm đủ vitamin C và canxi, bỏ thuốc lá... Bệnh nhân cần phải cân bằng giữa nghỉ ngơi và luyện tập, tránh bất động khớp ở một tư thế quá lâu, giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống. Ngoài ra, việc giảm cân cũng giúp giảm bớt gánh nặng cho khớp và giúp giảm đau.

B. TÂM (Ghi)

Chia sẻ bài viết