25/10/2009 - 07:54

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII

Việc sửa đổi Luật Giáo dục phải toát lên được mục tiêu xây dựng con người Việt Nam có lý tưởng, biết yêu quê hương, đất nước

* Cơ quan quản lý chuyên ngành viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông

Sáng 24-10, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Phát biểu tại phiên họp tổ, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh bày tỏ quan tâm đến những nội dung mới được đưa vào sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật lần này như đưa giáo dục mầm non vào điều chỉnh trong Luật; vấn đề hợp tác giáo dục; chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa; thời gian đào tại trình độ tiến sĩ... Tổng Bí thư cho rằng thời gian qua việc thành lập quá nhiều các trường Đại học mà không hội tụ đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo đã gây dư luận không tốt trong xã hội, cần rà soát lại hệ thống các trường đại học một cách chặt chẽ để công tác quản lý được thực hiện tốt hơn. Các điều luật cần được thiết kế chặt chẽ, không bó lại mà phải tiếp cận được dòng chảy chung của kiến thức thế giới. Việc giáo dục lý tưởng con người là khó nhất nên phải làm tốt công tác giáo dục từ cấp học mầm non trở đi. Đặc biệt, việc sửa đổi Luật Giáo dục phải toát lên được mục tiêu xây dựng con người Việt Nam có lý tưởng, biết yêu quê hương, đất nước...

Đại biểu Nguyễn Anh Liên (Thanh Hóa) nêu lý do nên giao Thủ tướng quyết định, đó là những vấn đề liên quan đến chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển giáo dục của Quốc gia không thể giao cho một Bộ. Các đại biểu đề nghị nên giao cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này dưới một góc nhìn khác, đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) đề nghị thẩm quyền quyết định thành lập trường đại học nên phân cấp chứ không nên dồn hết cho Chính phủ. Các trường đại học có đẳng cấp, tương đương với các trường tiên tiến trong khu vực nên giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định. Các trường còn lại nên giao cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định. Đại biểu Nguyễn Văn Sỹ (Quảng Nam) lại cho rằng nên giao cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm quyết định, quan trọng là phải làm rõ điều kiện cho phép, thành lập trường...

Về vấn đề giáo dục mầm non, nhiều đại biểu bày tỏ hoan nghênh việc sửa đổi luật theo hướng “phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi” đã thể hiện tính ưu việt của chế độ ta và khẳng định thành tựu Quốc gia trong việc giáo dục, chăm sóc trẻ em. Các đại biểu cho rằng, giáo dục mầm non rất quan trọng đối với việc hình thành nhân cách con người, vì vậy trong Luật phải thể hiện được sự cân đối giữa các cấp học, trong đó có giáo dục mầm non.

Các đại biểu cũng đề nghị nên giao Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất quản lý mảng dạy nghề không nên để tình trạng hai Bộ quản lý chung như hiện nay và đề nghị bổ sung quy định về tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo vào trong Luật...

* Chiều 24-10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội họp tại Hội trường, cho ý kiến vào Dự án Luật viễn thông.

Thay mặt Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông.

Các đại biểu nhất trí về việc quy định cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông, vì hoạt động quản lý viễn thông không chỉ liên quan đến lĩnh vực kinh tế - xã hội mà còn liên quan đến an ninh, quốc phòng và bảo vệ quyền lợi quốc gia. Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, do Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn. Trong điều kiện nước ta, việc quy định Quỹ viễn thông công ích trong Luật Viễn thông là cần thiết, nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ viễn thông phổ cập đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nơi chi phí cung cấp dịch vụ cao, đầu tư dịch vụ không có lãi.

Xung quanh quy định về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các đại biểu Trần Trung Nhân (Cần Thơ), Hứa Chu Khem (Sóc Trăng) cho rằng, dự thảo Luật cần có những quy định cụ thể hơn về chất lượng dịch vụ, quy chuẩn của cơ quan kiểm định để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Luật quy định rõ chế tài đối với các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ kém chất lượng, sai các tiêu chuẩn đã cam kết.

Đại biểu Trần Du Lịch (thành phố Hồ Chí Minh) quan tâm đến việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông và sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật giữa các ngành giao thông, điện lực, cấp nước, thoát nước, viễn thông. Ông cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng liên quan đến việc khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng và tính cạnh tranh trong kinh doanh, vì thế Chính phủ phải có quy định cụ thể, chi tiết.

Tổng kết ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, các cơ quan chức năng sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu, nghiên cứu chỉnh sửa Dự thảo Luật cho phù hợp, trước khi trình Quốc hội thông qua.

BÍCH THỦY-XUÂN KHU (TTXVN)

Chia sẻ bài viết