08/12/2007 - 22:08

Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế:

Việc điều chỉnh viện phí mới sẽ hỗ trợ tốt hơn cho 72% dân số được nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế

Nhân dịp Bộ Y tế lấy ý kiến các tổ chức chính trị xã hội “Về chính sách viện phí trong các cơ sở y tế công lập và hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cho các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội người nghèo, cận nghèo” (gọi tắt là Chính sách viện phí mới) trình Chính phủ vào cuối năm 2007, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, về vấn đề này. Báo Cần Thơ giới thiệu với bạn đọc nội dung cuộc trao đổi.

* Viện phí “vốn” được coi là vấn đề hết sức nhạy cảm liên quan đến toàn dân. Thưa Thứ trưởng, việc xây dựng chính sách viện phí sửa đổi lần này, Bộ Y tế dựa trên cơ sở và mục đích nào?

- Trước hết, Bộ Y tế xây dựng chính sách viện phí mới, trong đó Nhà nước không bao cấp tràn lan mà hỗ trợ tốt và đầy đủ hơn cho đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi (chiếm 72% dân số). Chính sách viện phí nhằm phủ kín hơn các đối tượng được miễn giảm viện phí về số lượng và chất lượng, thông qua Bảo hiểm Y tế (BHYT). Đồng thời bảo đảm cho mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế, không để người bệnh không được điều trị. Đây cũng chính là tinh thần Chỉ đạo của Bộ Chính trị và Nghị quyết 46/NQ-TW về việc xây dựng và thực hiện chính sách viện phí phù hợp trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí trực tiếp phục vụ bệnh nhân. Chính sách viện phí mới cùng với lộ trình và bước đi thích hợp theo phương án trên là hết sức phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội Việt Nam nói chung và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói riêng. Tuy nhiên, ngành y tế hiểu được chính sách viện phí hết sức nhạy cảm, liên quan đến 86 triệu dân. Vì vậy, chúng tôi cũng hết sức thận trọng tiếp thu ý kiến để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước để chính sách phát huy hiệu quả cao nhất trong thực tiễn.

* Chính sách viện phí đang thực hiện theo Nghị định số 95/CP sau 13 năm triển khai đã được người dân chấp nhận. Vì lý do gì chúng ta phải thay đổi chính sách viện phí vào lúc này, thưa Thứ trưởng?

- Chính sách viện phí đang thực hiện theo Nghị định số 95/CP sau 13 năm triển khai đã khẳng định chủ trương thu một phần viện phí là đúng đắn và đã đạt được những kết quả tốt. Tuy nhiên, Nghị định 95/CP còn có một số nội dung cần phải sửa đổi để phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Về đối tượng, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã mở rộng các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi trong khám chữa bệnh (KCB). Đó là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, nhân dân các xã đặc biệt khó khăn, người cao tuổi từ 85 trở lên, người có công với cách mạng, trẻ em dưới sáu tuổi khám chữa bệnh không phải mất tiền. Như vậy, hầu hết các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội đã được Nhà nước bảo đảm khi không may bị bệnh. Chính vì vậy phải sửa đổi đối tượng miễn, giảm nộp viện phí cho phù hợp.

Về nguyên tắc thu viện phí, theo qui định của Nghị định 95/CP chỉ là thu một phần viện phí. Sau 13 năm thực hiện, mức thu nhập bình quân của người dân đến nay gấp khoảng 4 lần so với năm 1994. Các giá qui định như một lần khám bệnh chỉ thu từ 3.000-5.000 đồng không còn phù hợp, nhiều vật tư tiêu hao, thay thế dùng cho bệnh nhân không được tính vào viện phí. Mặt khác, các qui định chưa rõ nên người bệnh không biết Nhà nước bao cấp cho mình là bao nhiêu. Với giá viện phí như hiện nay thì Nhà nước bao cấp cho cả người có thu nhập cao trong khi họ hoàn toàn đủ khả năng chi trả toàn bộ.

Các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh đã và đang triển khai ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại cứu sống được nhiều bệnh nhân nặng. Tuy nhiên, chi phí cho các dịch vụ này tương đối lớn nên qui định thu một phần viện phí như hiện nay các bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện Nghị định 43 của Chính phủ và chưa đồng bộ với chính sách về BHYT. Chính vì những lý do trên mà chính sách viện phí mới phải được ban hành sớm phù hợp với thực tế. Chính sách viện phí xây dựng trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí trực tiếp phục vụ bệnh nhân. Nhà nước có chính sách trợ giúp đối với những người có thu nhập thấp, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Điều quan trọng các cơ sở y tế sẽ công khai minh bạch việc thu, chi viện phí cho người dân (theo Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị).

* Thưa Thứ trưởng, việc điều chỉnh chính sách viện phí tới có tác động trực tiếp đến những đối tượng nào?

- Việc điều chỉnh viện phí lần này về cơ bản không làm ảnh hưởng nhiều đến khoảng 62,5 triệu dân(chiếm khoảng 72% dân số) gồm: 21 triệu người nghèo, 9,5 triệu em dưới 6 tuổi; các đối tượng chính sách xã hội, hưu trí, người làm công ăn lương, thân nhân sĩ quan tại ngũ, cựu chiến binh, các đối tượng này đã được Nhà nước bảo đảm mua thẻ BHYT. Còn lại 28% thuộc đối tượng có mức thu nhập từ mức trung bình khá trở lên sẽ bị ảnh hưởng nhưng mức điều chỉnh không nhiều. Các đối tượng này cần khuyến khích tham gia BHYT tự nguyện, tiến tới BBHYT toàn dân trong thời gian tới tại Việt Nam. Nguyên tắc tính thu viện phí, Bộ Y tế xây dựng theo lộ trình và trước mắt từ nay đến năm 2010: chi trả chi phí về thuốc men, máu, vật tư tiêu hao; vật tư thay thế sử dụng trực tiếp cho việc chẩn đoán, điều trị và thực hiện các dịch vụ, kỹ thuật y tế; ngày giường nằm viện chi phí điện nước và trả lương một phần... Các chi phí còn lại do ngân sách Nhà nước bảo đảm, gồm: chi phí đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản; chi phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa lớn tài sản cố định là cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị phụ trợ, gián tiếp; chi phí quản lý; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ; nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao công nghệ các kỹ thuật mới; tiền lương đã được quy định.

Việc điều chỉnh viện phí mới sẽ hỗ trợ tốt hơn cho 72% dân số (như trên đã nói) được Nhà nước mua thẻ BHYT, họ sẽ được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao nhiều hơn; còn 28% dân số sẽ được nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Đổi mới cơ chế, chính sách viện phí song song với mở rộng BHYT tự nguyện, tiến tới BHYT toàn dân và chính sách trợ giúp cho người nghèo được khám, chữa bệnh. Bộ Y tế cho rằng, chính sách viện phí mới là giải pháp ban đầu trong điều kiện BHYT toàn dân đang triển khai từng bước nhằm hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới; thực hiện tính công bằng, hiệu quả trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

* Cám ơn Thứ trưởng!

NGUYỄN THỊ THÚY (thực hiện)

Chia sẻ bài viết