Bài, ảnh: DUY KHÔI
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hình ảnh về một người chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc, trọn đời vì nước, vì dân, lại một lần nữa được phác họa rõ nét. Dịp này, có nhiều câu chuyện về vị Thủ tướng nghĩa nặng tình sâu được kể lại.
Triển lãm chuyên đề “Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu 9 và những đồng chí có nhiều công lao xây dựng Lực lượng vũ trang Quân khu 9”.
Triển lãm chuyên đề “Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu 9 và những đồng chí có nhiều công lao xây dựng Lực lượng vũ trang Quân khu 9” đang diễn ra tại Bảo tàng Quân khu 9. Trong rất nhiều hiện vật, hình ảnh, tư liệu được giới thiệu, chúng tôi đọc được những dòng cảm tưởng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ông tham quan Bảo tàng Quân khu 9 vào ngày 12-5-2001. Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết: “Tôi về thăm Bảo tàng lịch sử, được các đồng chí đưa đón rất thân tình như một chiến hữu của Khu Tây Nam Bộ. Các đồng chí hướng dẫn và giới thiệu theo hệ thống các phòng trưng bày hiện vật và hình ảnh của Bảo tàng, qua đó đã gợi lên trong tôi những kỷ niệm sâu sắc một phần trong cuộc đời cùng chiến đấu với đồng chí, đồng đội, đồng bào và cùng đứa con yêu quý nhất của mình...”. Trước phần ký và ghi họ tên, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ghi rằng: “Người con của Ðồng bằng Sông Cửu Long”.
Những dòng cảm xúc được Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết nên ở tuổi “xưa nay hiếm” càng cho thấy tấm lòng nặng nghĩa tình với đồng chí, đồng đội, đồng bào và nhất là nỗi nhớ không thể nào quên về người con trai đầu của cố Thủ tướng, đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường Khu 9.
Về câu chuyện này, tác giả Nguyễn Thành Phong thuật lại tường tận trong bài “Võ Văn Kiệt - Trong bóng dáng một người cha”, in trong sách “Võ Văn Kiệt - Người thắp lửa” (nhiều tác giả, NXB Trẻ ấn hành). Chuyện bắt đầu vào cuối năm 1994, tuần báo Thanh Niên Thời Ðại (nhà báo Nguyễn Thành Phong lúc này là Thư ký tòa soạn của báo) có đăng bài báo từ câu chuyện của một người bạn học với ông Phan Chí Dũng, con trai đầu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Người này kể, dù bận trăm công ngàn việc nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gặp những người bạn học của con mình hồi tập kết ra Bắc để trò chuyện, tâm tình.
Những dòng cảm tưởng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt ghi tại Bảo tàng Quân khu 9.
Tháng 7-1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt gọi nhà báo Nguyễn Thành Phong đến, kể chuyện về người con trai đầu của ông, đã hy sinh anh dũng tại chiến trường Khu 9 thời chống Mỹ. Bài viết của nhà báo Nguyễn Thành Phong có đoạn: “Ông ngồi lặng đi, mái tóc bạc rung khẽ, khi nghe các bạn của Dũng kể về những ngày sống và học tập cùng con trai ông, những phút giây Dũng buồn bã thẫn thờ khi nhớ tới ba, mẹ và các em cùng quê hương còn mịt mờ trong máu lửa. Ông chăm chú tới từng chi tiết nhỏ như cố tìm kiếm điều gì... Rồi ông hỏi: Khi đi học ngoài này, Dũng có thương một cháu gái nào không? Nếu có, các cháu cho chú biết để chú có thể tìm...”. Tác giả Nguyễn Thành Phong xúc động thuật lại: “Tất cả lặng đi vì tấm lòng thăm thẳm của người cha này. Như bao nhiêu người cha khác, ông vẫn luôn tìm kiếm dấu vết còn lại của đứa con đã hy sinh”.
Tác giả Nguyễn Thành Phong thuật lại câu chuyện qua lời kể của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, rằng ông Phan Chí Dũng sinh năm 1951, đến năm 1960 cùng nhiều thiếu nhi con em cán bộ miền Nam được lần lượt đón ra Bắc để ăn học. Năm 1966, tin vợ và hai con của Thủ tướng Võ Văn Kiệt bị giặc giết trên chiếc tàu Thuận Phong đến với ông, nỗi đau không sao tả xiết. Ông Phan Chí Dũng cũng hay tin và nung nấu ý định xin đi bộ đội, chiến đấu trả thù cho mẹ và hai em.
Sau đó, ông Dũng đi bộ, hành quân vào chiến trường miền Nam. Xuống tới Khu 9, ông gia nhập vào đơn vị bảo vệ của Khu ủy; sau đó tham gia đơn vị chiến đấu, ở đại đội trinh sát mũi nhọn. Ông Phan Chí Dũng đã cùng đồng đội trinh sát nhiều đồn bốt và lập phương án tấn công. Tháng 4-1972, ông Phan Chí Dũng hy sinh khi cùng đơn vị đánh đồn Bàu Ráng.
Câu chuyện của nhà báo Nguyễn Thành Phong và đôi dòng cảm tưởng mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt ghi lại tại Bảo tàng Quân khu 9 năm nào càng cho thấy ông “trong bóng dáng một người cha”, nhân hậu, rất mực thương con, thương đến trọn cuộc đời không thôi. Như nhà báo Nguyễn Thành Phong viết, đó là “tấm lòng thăm thẳm”.
Đại biểu và khách tham quan triển lãm chuyên đề “Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu 9 và những đồng chí có nhiều công lao xây dựng Lực lượng vũ trang Quân khu 9”.
Còn có một câu chuyện khác về lối sống nghĩa tình, nhân hậu, thương cội nhớ nguồn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ðình Bình Phụng (vừa được xếp hạng Di tích cấp quốc gia, cùng với các địa điểm lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt) được thành lập vào những năm đầu thế kỷ XX, hiện tọa lạc tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, gắn liền với sự kiện Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940 và Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ngôi đình này cũng ghi dấu những ngày đầu tham gia hoạt động cách mạng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Năm 2002, đình Bình Phụng được khởi công xây dựng lại. Dịp này, người cựu nghĩa quân Phan Văn Hòa (tức Thủ tướng Võ Văn Kiệt) cùng chính quyền và nhân dân địa phương đã lập trong khuôn viên đình Bia tưởng niệm khởi nghĩa Nam Kỳ bằng đá hoa cương nguyên khối màu đỏ để ghi tạc công ơn của nhân dân và nghĩa sĩ Trung Hiệp, Trung Hiếu.
Mỗi khi về lại quê hương, Thủ tướng Võ Văn Kiệt về lại mái đình xưa để thắp hương tưởng nhớ Thần hoàng bổn cảnh, Tiền hiền, Hậu hiền và thăm hỏi bà con lối xóm. Tại triển lãm chuyên đề “Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu 9 và những đồng chí có nhiều công lao xây dựng Lực lượng vũ trang Quân khu 9”, chúng tôi xúc động khi nhìn thấy hai cụm hiện vật thân thương. Ðó là chiếc điện thoại bàn hiệu Samsung đã úa màu thời gian mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt tặng ông Ðặng Hoàng Du, người đã hiến đất xây dựng đình Bình Phụng, vào năm 2004. Hay là cụm hiện vật gồm 2 chiếc áo, một màu xanh và một màu hồng phấn, là món quà của Thủ tướng Võ Văn Kiệt tặng bà Nguyễn Minh Nguyệt, vợ ông Ðặng Hoàng Du, cũng vào năm 2004. Những món quà đơn sơ, thiết thực ấy vừa cho thấy sự gần gũi, giản dị, vừa cho thấy lối sống chí nghĩa, chí tình của Thủ tướng Võ Văn Kiệt với quê hương, đất nước.
Ðể kết thúc bài viết này, xin mượn một đoạn trong bài thơ “Thủ tướng của Nhân dân” do ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, sáng tác:
“Vẫn là Thủ tướng của Nhân dân!
Vẫn là anh Sáu mọi gia đình
Lồng lộng bóng soi miền sông nước
Ðời nặng ân tình, đất nặng chân”.