TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Khi các nhà lãnh đạo Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gặp nhau tại Nhật Bản, nước chủ nhà đã tận dụng hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày để nêu bật những thách thức an ninh cấp bách ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của Tokyo trên trường quốc tế.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida (giữa) cùng các nhà lãnh đạo G7 trong chuyến thăm Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima hôm 19-5. Ảnh: AP
Theo Jeff Kingston, chuyên gia nghiên cứu về châu Á tại Đại học Temple (Nhật Bản), Thủ tướng Fumio Kishida đã tận dụng vai trò chủ tịch G7 của Nhật Bản để thu hút sự chú ý của thế giới về tình hình an ninh đầy thách thức trong khu vực, gồm nỗ lực không ngừng của Trung Quốc nhằm mở rộng, hiện đại hóa lực lượng và công nghệ hạt nhân, khả năng tấn công Đài Loan và việc Triều Tiên tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân quân sự.
Theo tờ DW, trước khi hội nghị bắt đầu, Thủ tướng Kishida cho biết bước đầu trong việc hướng tới bất kỳ nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân nào, gồm việc khiến Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, là cung cấp trải nghiệm trực tiếp về hậu quả của vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima trong những ngày cuối cùng của Chiến tranh Thế giới thứ 2. Trong nỗ lực để đạt được mục tiêu đó, nhà lãnh đạo xứ hoa anh đào đã mở rộng nỗ lực ngoại giao của Nhật Bản ra ngoài các đồng minh truyền thống ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông lên án “chiến dịch quân sự đặc biệt” do Nga phát động tại Ukraine hồi năm ngoái và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các thực thể xứ bạch dương, trong khi cung cấp viện trợ và hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Hồi tháng 3, ông Kishida còn thực hiện chuyến thăm không thông báo trước tới Kiev. Theo 2 chuyên gia Christopher B. Johnstone và Nicholas Szechenyi tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ), chuyến thăm của Thủ tướng Kishida tới Ukraine không chỉ là sự ủng hộ mang tính biểu tượng mà nó còn cho thấy “quyết tâm của Nhật Bản trong việc hỗ trợ Ukraine và phản đối nỗ lực của Nga nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”. Không những vậy, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng được mời phát biểu trực tiếp tại Hội nghị thượng đỉnh G7 hôm 21-5.
Ngoài ra, Thủ tướng Kishida còn mời các nhà lãnh đạo khác từ một số quốc gia Nam Bán cầu tham dự hội nghị, trong đó có Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam và Brazil. Robert Ward, thành viên cấp cao về nghiên cứu an ninh Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS, Anh), cho rằng Nhật Bản cần “một mạng lưới dày đặc và trong nhiều lĩnh vực liên quan đến an ninh nhất có thể”, bởi “nhu cầu của Tokyo là vượt ra ngoài mối quan hệ an ninh truyền thống Mỹ - Nhật”.
Eleanor Hughes, thành viên không trường trú tại tổ chức tư vấn EconVue (Mỹ), cho biết những nỗ lực ngoại giao của Nhật Bản được đền đáp. Theo đó, Nhật Bản đã ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Anh vào đêm trước hội nghị thượng đỉnh. Đặc biệt, một thông cáo báo chí của Luân Đôn đã ca ngợi “vai trò then chốt của Nhật Bản ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” cũng như vai trò trung tâm của Tokyo đối với an ninh và thịnh vượng của Anh. Trước đó, Nhật Bản và Úc hồi tháng 1 đã ký thỏa thuận gọi là Thỏa thuận Tiếp cận đối ứng (RAA), hợp thức hóa các hoạt động quân sự chung của hai bên, đồng thời mở đường cho các hợp tác sâu rộng hơn nữa trên lĩnh vực quân sự và quốc phòng giữa Canberra, Tokyo và các đối tác trong thời gian tới.
Tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Kishida vượt mức 50%
Ngày 22-5, báo Yomiuri đưa tin tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida lần đầu tiên trong 8 tháng qua vượt mức 50%. Kết quả một cuộc khảo sát do báo Yomiuri thực hiện ngày 20-21/5 cho thấy 56% số người được hỏi bày tỏ ủng hộ chính phủ của ông Kishida, tăng so với mức 47% trong cuộc khảo sát ngày 14-16/4. Tỷ lệ không tán thành ở mức 33%, giảm so với mức 37% của cuộc khảo sát 5 tuần trước.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tỷ lệ ủng hộ nội các tăng lên có thể liên quan đến những thành tựu ngoại giao của chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh G7 và việc dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế phòng chống dịch COVID-19 từ ngày 8-5.