06/11/2017 - 10:29

Vì sao Thủ tướng Lebanon từ chức? 

Thủ tướng Lebanon Saad Hariri hôm 4-11 đã bất ngờ thông báo từ chức khi đang ở thăm đồng minh Saudi Arabia. Lý do được đưa ra là có một âm mưu ám sát nhắm vào ông. “Chúng ta đang sống trong môi trường tương tự như trước thời điểm (cố Thủ tướng) Rafik Hariri bị ám sát”, Thủ tướng Lebanon nói trong bài phát biểu được phát trên truyền hình từ Thủ đô Riyadh của nước láng giềng. Rafik Hariri là thân phụ của ông Saad Hariri và đã thiệt mạng hồi năm 2005 trong một vụ đánh bom xe mà nhóm Hezbollah thân Iran được cho là thủ phạm.

Thủ tướng Lebanon Saad Hariri, phía sau là chân dung của cha ông- cố Thủ tướng Rafik Hariri. Ảnh: AP

Chính khách 47 tuổi từng hai lần làm Thủ tướng Lebanon cũng chỉ đích danh Iran cùng Hezbollah là những thế lực gây bất ổn trong khu vực, không chỉ can thiệp vào vấn đề nội bộ của Lebanon mà còn ở Syria, Iraq, Bahrain và Yemen. Chẳng hạn Hezbollah đã cử hàng ngàn tay súng sang Syria hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Thủ tướng Hariri chỉ trích chính sách của Hezbollah đã đặt Lebanon vào “mắt bão”, và kinh tế nước này có thể bị ảnh hưởng tiêu cực khi Mỹ đang cân nhắc áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Hezbollah, vốn bị Washington liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Theo Reuters, quyết định từ chức của Thủ tướng Hariri diễn ra chỉ một ngày sau cuộc gặp với ông Ali Akbar Velayati, cố vấn hàng đầu của lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei ở Thủ đô Beirut của Lebanon.

Ông Hariri lần thứ hai trở thành thủ tướng hồi cuối năm ngoái, lãnh đạo nội các đoàn kết dân tộc gồm 30 thành viên, trong đó có cả đại diện của Hezbollah, với cam kết chấm dứt chia rẽ chính trị trong nước.

Tuy nhiên, Lebanon vẫn bị phân hóa sâu sắc giữa những người trung thành với Saudi Arabia theo Hồi giáo dòng Sunni mà đứng đầu là Thủ tướng Hariri, và phe ủng hộ Iran theo dòng Shiite với đại diện là Hezbollah. Tổng thống Michel Aoun, người được bầu hồi tháng 10-2016 sau hơn 2 năm ghế tổng thống bị để trống, cũng là một đồng minh gần gũi của Hezbollah, theo AP. Việc Thủ tướng Hariri đột ngột từ chức sẽ khiến chính phủ liên hiệp sụp đổ và đưa Lebanon vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới; đồng thời biến nước này thành chiến tuyến trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ở khu vực giữa Riyadh và Tehran vốn đã làm chao đảo  Syria, Iraq, Yemen và Bahrain.

Do vậy, Iran đã lập tức lên tiếng bác bỏ cáo buộc của ông Hariri là vô căn cứ và phi thực tế, đồng thời gọi đây là kịch bản mới nhằm gây bất ổn tại Lebanon cũng như Trung Đông.

Trong khi đó, kênh truyền hình Saudi Arabia al-Arabiya al-Hadath hôm qua cho biết âm mưu ám sát Thủ tướng Hariri vừa bị đập tan tại Beirut vài ngày trước nhưng không dẫn nguồn cụ thể, còn Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề Vùng Vịnh của Saudi Arabia, ông Thamer al-Sabhan thì khẳng định ai hợp tác với Hezbollah sẽ bị trừng phạt.

Tuyên bố lý do từ chức của Thủ tướng Lebanon cũng nhận được sự ủng hộ từ Israel. Theo Thủ tướng Benjamin Netanyahu, hành động của ông Hariri đã gióng lên “hồi chuông cảnh báo” với thế giới về tham vọng của Iran.

Saudi Arabia đánh chặn tên lửa từ Yemen

Ngày 4-11, Saudi Arabia đã đánh chặn và phá hủy một tên lửa đạn đạo bay qua Riyadh sau khi nó được phóng đi từ Yemen. Nhiều mảnh vỡ của tên lửa đã rơi xuống sân bay quốc tế ở thủ đô. Tuy nhiên, nhà chức trách cho hay không có thiệt hại lớn về vật chất cũng như không có thương vong.

Nhóm phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn đã nhận thực hiện vụ tấn công trên.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết