28/06/2020 - 06:15

Vì sao nữ giới dễ mắc Alzheimer hơn nam giới?

Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Y khoa Weill Cornell (Mỹ), nồng độ hoóc-môn estrogen giảm đi sau mãn kinh ở nữ giới góp phần kích hoạt những thay đổi ở não có liên quan đến chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi (bệnh Alzheimer). Cơ chế này có thể là một trong những nguyên nhân khiến họ có nguy cơ mắc Alzheimer cao hơn nam giới.

Theo đồng tác giả Lisa Mosconi, 2/3 số người mắc Alzheimer là phụ nữ và mọi người thường nghĩ nguyên nhân là vì nữ giới có xu hướng sống thọ hơn nam giới. Để lý giải thuyết phục hơn cho sự khác biệt trong tỷ lệ mắc Alzheimer giữa hai giới, nhóm nghiên cứu đã thu thập và đối chiếu thông tin về sức khỏe và lối sống của 85 phụ nữ và 36 người đàn ông từ 40-65 tuổi. Tất cả đều có khả năng nhận thức bình thường và được chụp ảnh não bằng phương pháp cộng hưởng từ và cắt lớp, để đo 4 chỉ dấu sinh học có liên quan đến bệnh Alzheimer.

Họ nhận thấy so với nhóm nam giới, nhóm nữ giới trung bình có lượng tích tụ prôtêin amyloid nhiều hơn 30%, trong khi quá trình chuyển hóa glucose thấp hơn 22% và có khối lượng chất xám và chất trắng ít hơn 11%. Trong nhóm phụ nữ, những bất thường trong não thể hiện mạnh nhất ở những người đã mãn kinh, tiếp theo là người đang điều trị thay thế hoóc-môn, người đã cắt bỏ tử cung và người được chẩn đoán mắc bệnh tuyến giáp.

Theo các tác giả, tuy tất cả hoóc-môn sinh dục đều có khả năng liên quan, nhưng phát hiện mới cho thấy rằng tình trạng suy giảm estrogen có liên quan đến những bất thường trong chỉ dấu sinh học của Alzheimer ở những người được quan sát. Theo họ, yếu tố hoóc-môn và tình trạng mãn kinh có thể là “manh mối” giá trị giúp cảnh báo sớm nguy cơ mắc Alzheimer ở những phụ nữ có nguy cơ.

HƯƠNG THẢO (Theo New Atlas, Newsweek)

Chia sẻ bài viết