25/08/2010 - 21:07

CẢI CÁCH THỦ TỤC THUẾ QUA VIỆC TRAO QUYỀN TỰ IN, ĐẶT IN HÓA ĐƠN, SỬ DỤNG HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ CHO DOANH NGHIỆP

Vì sao nhiều doanh nghiệp vẫn lo lắng?

Doanh nghiệp làm thủ tục kê khai thuế tại Cục Thuế TP Cần Thơ. Ảnh: Q.TRƯỞNG

Ngày 14-5-2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (gọi tắt là NĐ 51). Theo đó, doanh nghiệp (DN) được quyền tự in hóa đơn, đặt in hóa đơn, sử dụng hóa đơn điện tử, cơ quan thuế sẽ không bán hóa đơn cho cơ sở kinh doanh là DN và NĐ này có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Quy định này được giới DN đồng tình ủng hộ, là khâu đột phá trong công tác tinh giảm những thủ tục phiền hà trong lĩnh vực thuế, giúp DN chủ động hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi như trên, nhiều DN, nhất là DN vừa và nhỏ vẫn tỏ ra băn khoăn, lo lắng...

QUA THỜI “XIN MUA” HÓA ĐƠN

Nói về cơ chế “xin mua” hóa đơn, Giám đốc một DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy hải sản ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, cho biết: “Theo quy định của Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 17-11-2002 của Chính phủ về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn và Thông tư số 120/2002/TT-BTC ngày 30-12-2002, Thông tư số 99/2003/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 89/2002/NĐ-CP, cơ quan thuế sau khi nhận hồ sơ mua hóa đơn lần đầu của tổ chức, cá nhân trong vòng 5 ngày phải có trách nhiệm kiểm tra sự tồn tại thực tế của tổ chức, cá nhân để thực hiện bán hóa đơn theo quy định; số lượng bán hóa đơn mua lần đầu không quá 2 quyển. Việc quy định khống chế số lượng mua hóa đơn lần đầu đã gây khó cho DN, vì với số lượng này, DN khi có nhu cầu sử dụng nhiều phải làm thủ tục mua hóa đơn nhiều lần, tốn chi phí, thời gian đi lại. Mặt khác, hồ sơ mua hóa đơn cũng rất rườm rà, như phải có giấy Chứng nhận đăng ký thuế bản photocopy có xác nhận sao y bản chính của tổ chức kinh doanh; khi đến mua hóa đơn, người đứng tên trên giấy giới thiệu phải xuất trình CMND (còn trong thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật)... Những thủ tục trên không chỉ gây khó khăn cho DN mà còn làm phát sinh chuyện DN này mua lại hóa đơn của DN khác, dễ phát sinh tiêu cực trong ngành thuế. NĐ 51 ra đời đã tạo sự thông thoáng trong khâu hóa đơn, giúp DN chủ động hơn, thuận tiện hơn, từ đó yên tâm tập trung vào sản xuất, kinh doanh”.

Theo quy định của NĐ 51, các hóa đơn được DN tự in bao gồm: Hóa đơn xuất khẩu; hóa đơn thuế giá trị gia tăng; hóa đơn bán hàng; các loại hóa đơn như vé, thẻ,... Hóa đơn phải có những nội dung sau: Tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn, tên liên hóa đơn. Đối với hóa đơn đặt in còn phải ghi tên tổ chức đã nhận in hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua; tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa , dịch vụ; thành tiền chưa có thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng, số tiền thuế giá trị gia tăng trong trường hợp là hóa đơn giá trị gia tăng; tổng số tiền thanh toán, chữ ký người mua, chữ ký người bán, dấu người bán (nếu có) và ngày, tháng, năm lập hóa đơn. Có 3 hình thức hóa đơn: Hóa đơn tự in; hóa đơn điện tử và hóa đơn đặt in.

Từ ngày 1-1-2011, cơ quan thuế không bán hóa đơn cho cơ sở kinh doanh là DN. Khi bán hàng hóa có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu nhận hóa đơn. Ngoài ra, nghị định cũng quy định các hành vi vi phạm trong việc in hóa đơn, khởi tạo hóa đơn điện tử, đặt in, mua hóa đơn, sử dụng hóa đơn khi bán hàng,... Các hành vi vi phạm có mức xử phạt hành chính thấp nhất 1 triệu đồng và cao nhất là 100 triệu đồng.

Theo nhiều DN, NĐ 51 ra đời ngoài việc giảm bớt phiền hà còn giảm chi phí mua hóa đơn cho những DN lớn. Bởi lẽ, DN có thể tự mình đầu tư trang thiết bị cho việc in hóa đơn hoặc có thể đàm phán giá cả theo cơ chế thị trường đối với đối tác hoạt động trong lĩnh vực in. Còn hiện tại, khi thực hiện mua hóa đơn ở cơ quan thuế, giá hóa đơn đã được ấn định sẵn và chỉ có cơ quan thẩm quyền mới được quyền in ấn, bán hóa đơn nên không tạo ra sự cạnh tranh về giá. Hay nói cách khác, việc in ấn, bán hóa đơn theo cơ chế độc quyền, không có sự cạnh tranh, dù có giá cao, DN cũng phải chấp nhận.

CẦN CÓ BƯỚC CHUẨN BỊ TỐT

Bà Nguyễn Thị Nga, chủ một nhà hàng ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, phấn khởi nói: “Hằng ngày, nhà hàng của chúng tôi bán cho hơn 200 khách hàng, chủ yếu là giới bình dân, số tiền khoảng 200 ngàn đồng/khách. Theo quy định mới, nhà hàng của chúng tôi không phải lập hóa đơn bán lẻ cho mỗi lần bán, nếu khách hàng không có yêu cầu. Đến cuối ngày, chỉ cần lập 1 hóa đơn ghi số tiền bán hàng hóa trong ngày trên dòng cột của bảng kê, giữ liên giao cho người mua tại cuốn, các liên khác luân chuyển, rất thuận tiện”.

Hiện nay, một số DN đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực hiện NĐ 51. Giám đốc một công ty ở quận Ninh Kiều cho biết: “Hiện công ty đã mua trang thiết bị in ấn, tự thiết kế mẫu hóa đơn, đáp ứng theo các quy định của ngành thuế, sẵn sàng cho việc in ấn hóa đơn khi NĐ 51 có hiệu lực”.

Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi, bên cạnh những thuận lợi, NĐ 51 cũng đang tạo nhiều lo lắng cho DN, bởi lẽ, NĐ 51 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011 nhưng đến thời điểm này, Bộ Tài chính vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn thi hành và cơ quan thuế chưa tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp. Vì thế, khi đến ngày NĐ có hiệu lực, DN lo lắng sẽ trở tay không kịp. Không chỉ vậy, NĐ 51 còn nhiều điểm chưa thống nhất. Cụ thể, từ ngày 1-1-2011, cơ quan thuế sẽ không bán hóa đơn cho DN. Trong trường hợp này, khi DN chưa triển khai hệ thống trang thiết bị tự in hóa đơn hoặc chưa ký được kết hợp đồng in hóa đơn với đối tác sẽ dẫn đến tình trạng không có hóa đơn sử dụng. Trong khi đó, đối với những DN vừa và nhỏ, nhu cầu sử dụng hóa đơn không nhiều, việc đầu tư thiết bị in hoặc đặt in hóa đơn sẽ tốn nhiều chi phí, DN lại gặp khó.

Ông Lưu Thanh Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Nốp Cần Thơ, cho biết: “NĐ 51 ra đời khiến DN vừa mừng, vừa lo, mừng vì Nhà nước tạo bước đột phá, cải cách thủ tục thuế, giảm phiền hà cho DN; lo vì sự chậm chạp trong hướng dẫn, tập huấn cũng như một số quy định của NĐ 51 chưa thống nhất, khiến DN lúng túng. Trường hợp DN nhỏ, nhu cầu sử dụng hóa đơn hàng năm chỉ vài cuốn mua ở cơ quan thuế, số tiền không đáng là bao; còn đầu tư trang thiết bị in hóa đơn đảm bảo theo yêu cầu, không phải chuyện đơn giản, chưa kể phải bố trí thêm nhân sự, rồi công tác bảo quản hóa đơn,... Một vấn đề quan trọng khác là việc bảo mật thông tin hóa đơn, đây là khâu rất khó vì nếu làm không tốt, đối tượng xấu có thể lợi dụng, gây hậu quả khó lường”.

Quy định cho phép DN tự in hóa đơn không phải là quy định mới. Theo Nghị định 89/2002/NĐ-CP ngày 17-11-2002 của Chính phủ đã cho phép DN thực hiện vấn đề này nếu DN đáp ứng đủ điều kiện và thực tế đã có nhiều DN thực hiện. Ông Võ Hoàng Tâm, phụ trách pháp chế, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, cho biết: “Từ năm 2004, công ty đã thực hiện việc tự in hóa đơn theo quy định. Vì thế khi NĐ 51 có hiệu lực, trên nền tảng đã thực hiện từ trước, công ty không gặp vướng mắc gì. Tuy nhiên, cơ quan thẩm quyền cần có hướng dẫn việc sử dụng hóa đơn đã in xong khi NĐ 51 có hiệu lực”.

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cần Thơ, cho biết: “Sau khi NĐ 51 được Chính phủ ban hành, Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ đã khảo sát nhanh một số DN, ghi nhận hầu hết DN hài lòng và cho rằng việc quy định cho phép DN tự in hóa đơn, đặt in hóa đơn, sử dụng hóa đơn điện tử là một chính sách thông thoáng, giảm phiền hà cho DN. Tuy nhiên, nhiều DN, nhất là loại hình DN vừa và nhỏ, tỏ ra lo lắng, vì theo họ, qui mô hoạt động không lớn, nhu cầu hóa đơn thanh toán không nhiều thì việc đầu tư trang thiết bị để in hóa đơn hoặc đặt in sẽ tạo gánh nặng chi phí. Mặt khác, nếu đặt in hóa đơn với số lượng lớn rất khó bảo quản, khi có sự thay đổi thông tin thì phải hủy hóa đơn đã in và phải in hóa đơn mới tốn kém”. Bà Thuận cũng nêu kiến nghị: “Thời gian NĐ 51 có hiệu lực không còn bao lâu nữa, trong khi việc hướng dẫn thi hành và tập huấn cho DN chưa được thực hiện rộng rãi. Hơn nữa, đây là quy định mới, DN còn lúng lúng và sẽ có nhiều vướng mắc phát sinh khi thực hiện. Do đó, để tạo điều kiện tốt cho DN, việc thực hiện NĐ cần phải có lộ trình”.

Ông Trần Bình Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần In tổng hợp Cần Thơ, cho biết: “Việc thực hiện in hóa đơn thuế, Công ty cổ phần In tổng hợp Cần Thơ đã thực hiện từ lâu. Với dây chuyền in hiện đại, bảo mật tuyệt đối an toàn, công ty có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu in, không chỉ riêng trong lĩnh vực hóa đơn mà các lĩnh vực khác như báo, vé số, sách giáo khoa cho cả vùng ĐBSCL. Mặt khác, ngoài việc in hóa đơn, công ty còn có đội ngũ nhân viên chuyên thiết kế mẫu hóa đơn theo yêu cầu của khách hàng cũng như nhiều loại hợp đồng phù hợp cho các DN”.

Theo ông Võ Kim Hoàng, Cục trưởng Cục Thuế TP Cần Thơ: “Thực hiện NĐ 51 không chỉ đơn thuần là cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, tạo thuận lợi cho DN mà còn góp phần chuyển đổi cơ chế quản lý của ngành thuế. Cục Thuế TP Cần Thơ xác định việc triển khai NĐ 51 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành từ đây đến cuối năm. Khi có thông tư hướng dẫn NĐ 51, Cục Thuế sẽ thành lập Ban chỉ đạo thực hiện NĐ và tổ chức tập huấn cho DN, đồng thời ghi nhận các ý kiến của DN để báo cáo với cấp thẩm quyền, giúp DN xở gỡ khó khăn, chủ động trong thực hiện”.

VÂN LÂM

Chia sẻ bài viết