09/03/2008 - 21:51

Chủ trương cho nuôi tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL

Vì sao người dân háo hức, chính quyền chưa "bật đèn xanh"?

Con tôm thẻ chân trắng đang được nuôi trên địa bàn xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại (Bến Tre). Ảnh: CAO DƯƠNG

Năm 2007 và đầu năm 2008, một trong những thế mạnh của ngành chế biến thủy sản xuất khẩu là con tôm sú lại bị rớt giá liên tục. Nguyên nhân chính được nhận định do con tôm sú bị con tôm thẻ chân trắng (TTCT) cạnh tranh gay gắt về giá cả và về thị trường xuất khẩu trên thế giới. Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT đã có Chỉ thị số 228/CT-BNN-NTTS cho phép nuôi TTCT ở một số tỉnh miền Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Từ chỉ thị này, con TTCT được đón nhận như thế nào ở vùng ĐBSCL?

Người dân háo hức chờ chủ trương

Năm 2007 là năm khá khó khăn đối với con tôm sú của ĐBSCL ở thị trường xuất khẩu. Nguyên nhân, theo nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản, con tôm sú gặp đối thủ khá “nặng ký” là con TTCT. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội tôm - Hiệp hội Chế biến Thủy sản xuất khẩu (VASEP), Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy hải sản Minh Phú, tỉnh Cà Mau, cho biết: “TTCT dễ nuôi và có năng suất cao gấp 2 lần so với tôm sú, nên chi phí sản xuất, giá thành hạ thấp hơn nuôi tôm sú từ 25%-30%. Giá TTCT xuất khẩu lại rẻ hơn tôm sú từ 1-1,5USD/kg. Với những ưu điểm nổi trội này, tại một số hội chợ quốc tế, nhiều đối tác đã quay lưng lại với tôm sú của Việt Nam, chuyển sang TTCT của Thái Lan, Trung Quốc...”.

Ngày 25-1-2008, Bộ NN&PTNT ban hành Chỉ thị số 228/CT-BNN-NTTS về việc phát triển nuôi TTCT (Litopenaeus vanamei hoặc Penaeus vannamei) nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi và sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Theo đó, các tỉnh ở miền Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL được phép nuôi đối tượng thủy sản này.

Ông Đặng Văn Rê, xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại (Bến Tre) cho biết: “Không riêng gì tôi, nhiều người nuôi tôm sú rất mừng khi hay tin Bộ NN&PTNT cho phép nuôi TTCT. Chúng tôi đang chờ đợi chủ trương từng ngày”. Giải thích về sự háo hức, ông Rê nói: “Tôi đã đến thăm quan mô hình nuôi TTCT của một công ty trên địa bàn xã Thạnh Phước, thấy đạt hiệu quả rất cao. Tôi nhất định chuyển sang nuôi TTCT”. Ông Rê làm phép tính, nếu nuôi tôm sú khi đạt cỡ 40 con/kg, với giá thức ăn, nhân công ... như hiện nay sẽ tốn chi phí 65.000 đồng/kg, nhưng bán ra giá chỉ 70.000 đồng/kg. Nếu nuôi không đạt, nguy cơ thua lỗ trắng tay rất cao. Còn nuôi TTCT, tính ra chi phí thấp chỉ từ 32.000 - 35.000 đồng/kg, năng suất lại cao, trong khi giá hiện tại tới 60.000 - 62.000 đồng/kg nên người nuôi sẽ lời rất nhiều.

Đồng tình với ông Rê, ông Lê Văn Đức, một hộ nuôi tôm ở Vân Khánh, huyện An Minh ( Kiên Giang) cho biết: “Tôi nghe nói ở miền Bắc, miền Trung, nông dân vẫn nuôi con tôm này và hiệu quả rất cao. Có được loài thủy sản dễ nuôi, dễ bán này thì địa phương cần nhanh chóng thực hiện để dân làm”. Ông Đoàn Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty đầu tư và phát triển Hạ Long, cho biết: “Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm về nuôi TTCT ở Quảng Ninh và có thể áp dụng ngay tại Kiên Giang. Lộ trình phát triển 1.000 ha nuôi tôm của chúng tôi tại Kiên Lương có quy hoạch vùng nuôi con tôm này...”.

Chủ trương cũng như hiệu quả của con TTCT đã và đang được “truyền khẩu” rất nhanh tại những vùng nuôi tôm sú ở ĐBSCL. Đặc biệt là những vùng nuôi tôm sú gần như không còn hiệu quả, thậm chí thua lỗ, nông dân đang tìm đối tượng nuôi mới để chuyển đổi, thì con TTCT được xem như là vật nuôi đầy hứa hẹn.

Chính quyền địa phương thận trọng

Tuy nhiên, ông Nguyễn Vân Thanh, Chi cục Phó Chi cục Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và thú y thủy sản Kiên Giang, cho biết: “Dịch bệnh trên tôm sú hiện nay là một vấn nạn, một số bệnh chưa có thuốc điều trị. Trong khi TTCT lại rất dễ mang bệnh taura. Bệnh này chưa có thuốc đặc trị và dễ dàng lây lan sang các loài giáp xác qua đường nước, kể cả cua, ghẹ. Nếu nuôi tràn lan, không đúng kỹ thuật, khi xảy ra bệnh này thì nguồn lợi thủy, hải sản của tỉnh Kiên Giang cũng như các tỉnh nuôi tôm sú vùng ĐBSCL sẽ gặp đại dịch...”.

Theo Trung tâm thông tin thương mại - Bộ Công Thương, nhược điểm lớn nhất của TTCT là bị nhiều loại dịch bệnh. Vì thế Bộ Thủy sản (cũ) đã cấm sản xuất giống và nuôi đối tượng này lẫn với tôm sú từ năm 2003, do lo ngại việc nhập lậu tôm bố mẹ, tôm giống (post) qua biên giới bằng đường bộ vốn rất phức tạp và khó kiểm soát làm kết quả nuôi không ổn định, hiện tượng tôm nhiễm bệnh xảy ra. Ở nước ta, chưa có nghiên cứu, cũng như chính sách rõ ràng về quản lý và kiểm soát chặt việc nhập khẩu TTCT giống bố mẹ. Trong khi đó, theo Cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản (NAFIQUAVED), chỉ các công ty lớn nuôi TTCT tập trung mới có đủ điều kiện nuôi tách biệt đảm bảo cách ly về dịch bệnh, còn lại các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ mang tính tự phát, rất khó kiểm soát được dịch bệnh.

Tại Bạc Liêu, TTCT được nuôi tại Công ty Duyên Hải từ năm 2001. Công ty này đã nhập tôm giống và tôm bố mẹ để sản xuất giống, ương nuôi dưới sự giám sát của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, bước đầu đã mang lại một số thành công nhất định: Tôm phát triển khá tốt, năng suất đạt khá. Song, theo Sở Thủy sản Bạc Liêu, việc nhân rộng nuôi TTCT gặp rất nhiều khó khăn, do đây là một đối tượng quá mới, quy trình kỹ thuật nuôi chưa được hoàn chỉnh, đặc biệt là chưa có doanh nghiệp nào mua loại tôm này xuất khẩu nên giá bán thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Vì vậy, trước mắt Sở Thủy sản Bạc Liêu không khuyến khích người dân chuyển sang nuôi TTCT ồ ạt để tránh rủi ro, mà chủ yếu nuôi thử nghiệm tại các điểm: Công ty nuôi trồng Vĩnh Hậu, Công ty Duyên Hải, các khu nuôi tôm sú công nghiệp, bán công nghiệp nhiều năm sản xuất không hiệu quả thuộc xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình) và phường Nhà Mát (thị xã Bạc Liêu), nhưng phải khoanh vùng cụ thể. Ưu tiên cho những hộ có khả năng về vốn và kỹ thuật đầu tư triển khai nuôi thí điểm.

Trên cơ sở chủ trương của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Cà Mau thống nhất cho Công ty cổ phần thủy hải sản Minh Phú tổ chức nuôi thí điểm TTCT tại hộ ông Trần Văn Tuấn ở ấp Kinh Tắc, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn. Tổng diện tích nuôi ban đầu khoảng 10 ha. Ông Phạm Văn Đức, Giám đốc Sở Thủy sản Cà Mau, cho biết đây vẫn là bước thử nghiệm giống tôm mới này. Trên cơ sở đó, Công ty cổ phần thủy hải sản Minh Phú sẽ đầu tư vốn, con giống, thức ăn, chế phẩm vi sinh và kỹ thuật, sau đó thu mua lại sản phẩm theo giá thị trường. Trong quá trình nuôi phải được các sở, ngành chức năng quản lý theo đúng tiêu chuẩn quy định, đồng thời kiểm soát chặt chẽ vấn đề ô nhiễm môi trường và nguy cơ lây lan dịch bệnh. Còn theo bà Trần Thị Thu Nga, Phó Giám đốc Sở Thủy sản Bến Tre: “Trong khi chờ hướng dẫn từ Bộ NN&PTNT và không để cơ hội đầu tư của nông dân bị chậm trễ, ngành thủy sản đã đưa ra qui hoạch tạm thời một số vùng nuôi, qui chế nuôi để trình UBND tỉnh phê quyệt và triển khai đến người dân. Bến Tre vẫn xem con tôm sú là đối tượng nuôi chủ lực và TTCT chỉ nuôi ở một giới hạn cho phép”.

Ngành thủy sản ĐBSCL cho rằng, thời gian qua tình hình xuất khẩu tôm sú gặp bất lợi trong đó sự cạnh tranh của TTCT làm nhiều người lo sợ chủ trương của Bộ NN&PTNT vô hình chung “bật đèn xanh” cho việc nuôi TTCT tràn lan sẽ gây ảnh hưởng đến vùng nuôi thủy sản toàn khu vực. Chủ động đối phó với vấn đề này, nhiều tỉnh vùng ĐBSCL ra chủ trương nghiêm cấm và xử phạt nghiêm những cá nhân thả nuôi TTCT ngoài vùng quy hoạch. Để đảm bảo môi trường nuôi trồng thủy sản, các tỉnh vùng nuôi tôm sú ĐBSCL quy định người nuôi TTCT phải đăng ký với chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý và phải được sự đồng tình của những người nuôi tôm sú lân cận (thông qua việc lấy ý kiến dân) mới được triển khai nuôi, nhưng phải bảo đảm đúng theo các tiêu chuẩn quy định...

Sự trở lại của con TTCT đã và đang đe dọa cho thị trường xuất khẩu của con tôm sú. Tuy nhiên, việc thận trọng của chính quyền địa phương các tỉnh ĐBSCL hiện nay là một việc làm cần thiết. Bởi đây là một đối tượng nuôi mới, quy trình kỹ thuật nuôi chưa được hoàn chỉnh và vấn đề kiểm soát dịch bệnh trên đàn tôm bố mẹ, tôm giống và cả tôm thương phẩm vẫn đang là vấn đề nan giải.

• NHÓM PV

Tôm thẻ chân trắng thương phẩm. Ảnh: CAO DƯƠNG

Các tỉnh ở miền Đông Nam Bộ và ĐBSCL được phép nuôi TTCT theo hình thức thâm canh tại các cơ sở đủ điều kiện theo tiêu chuẩn : “28 TCN 191: 2004 Vùng nuôi tôm - Điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”. Trại sản xuất tôm giống tại các tỉnh thuộc ĐBSCL phải nằm trong vùng sản xuất giống tập trung đã được Bộ quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất, công suất 500 triệu tôm PL15 trở lên.

Bộ NN&PTNT yêu cầu UBND các tỉnh chỉ đạo các ban ngành địa phương quản lý, hướng dẫn phát triển nuôi TTCT theo kế hoạch, quy hoạch, đồng thời kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp nuôi TTCT không đúng quy định, sản xuất lưu hành tôm giống không đạt tiêu chuẩn chất lượng để TTCT thoát ra các vùng nước xung quanh gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh vùng nuôi. Cục Hợp tác xã và Phát triển Nông thôn phối hợp với Vụ Nuôi trồng Thủy sản chỉ đạo địa phương nghiên cứu tổ chức sản xuất để các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tham gia nuôi TTCT, xây dựng các mô hình HTX, tổ hợp tác, cộng đồng, khuyến khích đầu tư, tạo mối liên kết 4 nhà để phát triển TTCT tạo nguồn nguyên liệu an toàn trên cả nước.

(Trích, lược Chỉ thị số 228/CT-BNN-NTTS)

Chia sẻ bài viết