27/02/2019 - 08:56

Vì sao Ngoại trưởng Iran xin từ chức? 

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (ảnh) bất ngờ thông báo xin từ chức trên trang mạng Instagram hôm 25-2.

Trên tài khoản cá nhân, Ngoại trưởng Zarif cảm ơn người dân cùng giới quan chức Iran đã tin tưởng kể từ khi ông được bổ nhiệm vào tháng 8-2013. Qua đây, người đứng đầu ngành ngoại giao Iran gởi lời xin lỗi do không thể tiếp tục chức vụ và cũng vì những thiếu sót suốt thời gian tại chức. Sinh năm 1960, ông Zarif sống ở Mỹ từ năm 17 tuổi khi theo đuổi lấy bằng đại học tại San Francisco và cao học tại Denver. Ông từng là đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) trong giai đoạn 2002-2007.

Alireza Miryousefi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran và phái đoàn nước này tại LHQ, đã xác nhận tuyên bố từ chức của ông Zarif. Tuy nhiên, ông Ali Najafi Khoshroodi, người phát ngôn của Ủy ban An ninh Quốc gia và Chính sách Đối ngoại của Quốc hội Iran cho biết ông và phần lớn nghị sĩ nước này đã ký lá thư chung kêu gọi Tổng thống Hassan Rouhani bác đơn từ chức khi cho rằng sự ra đi của ông Zarif gây bất lợi đối với chính phủ, đặc biệt trao thêm quyền lực cho phe bảo thủ trong nước. Tổng thống cũng Rouhani chưa chính thức chấp nhận đơn từ chức của ông Zarif.

Chủ trương đường lối ôn hòa, Tổng thống Rouhani được cho là người mở cánh cửa đưa Iran xích gần hơn với cộng đồng quốc tế, trong khi Ngoại trưởng Zarif được ví như “kiến trúc sư trưởng” trong quá trình Tehran đàm phán, ký kết thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) với nhóm P5 + 1 năm 2015. Tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi hiệp ước mang tính bước ngoặt đồng thời tái áp đặt trừng phạt Iran làm giảm đáng kể lợi ích kinh tế mà Tehran mong đợi, dấy lên thất vọng trong nước và leo thang căng thẳng giữa chính phủ ôn hòa với những nhân vật theo đường lối cứng rắn bài phương Tây. Trong khi một số người kêu gọi ông Rouhani từ chức, mũi nhọn công kích cũng nhắm đến Ngoại trưởng Zarif.

Trong mục trả lời phỏng vấn nhật báo Jomhuri Eslami (Iran) số ra ngày 26-2, Ngoại trưởng Zarif tuy không đưa ra lý do cụ thể cho quyết định từ chức của mình nhưng nói rằng cuộc đấu đá giữa các đảng phái và phe cánh tại Iran là thứ “thuốc độc chết người” trong việc hoạch định chính sách đối ngoại. Hãng thông tấn IRNA dẫn lời Ngoại trưởng Zarif nói thêm quyết định từ chức bất ngờ của ông sẽ giúp "khôi phục vị thế pháp lý của Bộ Ngoại giao trong quan hệ đối ngoại" và kêu gọi các đồng nghiệp ngoại giao của mình không bỏ công việc. Vì thế,  giới phân tích tin rằng nhân tố chủ chốt của phái ôn hòa như ông Zarif rút đi có thể đánh dấu sự chấm dứt của những nỗ lực tại Iran nhằm xây dựng chính sách đối ngoại mở rộng hợp tác với phương Tây. Đặc biệt, cựu chủ tịch Hội đồng Quốc gia Mỹ - Iran Trita Parsi đánh giá “cuộc chiến” của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với JCPOA không chỉ tác động chính trị ở Iran mà còn cả Liên minh châu Âu với nhiều khả năng người đứng đầu chính sách đối ngoại của khối Federika Mogherini cũng sẽ từ chức.

Thông báo từ chức của Ngoại trưởng Zarif diễn ra cùng ngày Tổng thống Syria Bashar al-Assad có mặt tại Thủ đô Tehran để gặp lãnh đạo tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cùng Tổng thống Rouhani. Đây là chuyến thăm công khai đầu tiên của ông Assad tới quốc gia đồng minh thân cận kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria bùng phát hồi năm 2011.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết