 |
Nhiều doanh nghiệp vẫn tự xoay xở duy trì sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất vật liệu xây dựng ở Xí nghiệp cơ khí - Công ty cổ phần cơ khí - điện - máy Cần Thơ. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN |
Tuần qua, lãi suất (LS) ngân hàng tiếp tục trong xu hướng giảm. Nhiều ngân hàng công bố giảm mạnh LS cho vay và triển khai kế hoạch giải ngân hàng ngàn tỉ đồng từ nay đến cuối năm dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Theo nhiều doanh nghiệp, đây thật sự là tín hiệu vui cho thấy tình hình thị trường tài chính tiền tệ đã giảm bớt khó khăn, nhưng những DNVVN vẫn còn phân vân...
GIẢM GÁNH NẶNG LÃI SUẤT
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến ngày 30-9-2008, thanh khoản của các ngân hàng thừa 40.000 tỉ đồng. Trong đó, đáng chú ý là sự gia tăng nguồn vốn huy động từ dân cư, vốn nội tệ tăng 28,5%, vốn ngoại tệ tăng 35%. Do thanh khoản cao nên LS liên ngân hàng đã giảm chỉ còn 12%/năm đối với kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần, LS trên thị trường mở cũng chỉ ở mức 15%/năm. Thanh khoản của các ngân hàng tăng, cộng với quyết định điều chỉnh tăng LS tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND từ 3,6%/năm lên 5%/năm đã tác động làm LS ngân hàng tiếp tục giảm. Từ ngày 1-10-2008, LS huy động VND của khối ngân hàng thương mại nhà nước phổ biến ở mức 16,98-17,14%/năm, của khối ngân hàng thương mại cổ phần phổ biến ở mức 17,38-17,9%/năm. Nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước và Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương (Vietcombank) cũng bắt đầu áp dụng LS cho vay mới, giảm từ 0,5-1,8%/năm so với trước. Một số Ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng đang xem xét giảm LS cho vay phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cung-cầu vốn và mặt bằng LS thị trường; trong đó chú trọng giảm LS đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, thu mua lương thực, DNVVN và các dự án đầu tư có hiệu quả.
Đáng chú ý nhất trong tuần qua là hàng loạt các ngân hàng công bố giảm mạnh LS cho vay doanh nghiệp, triển khai các chương trình cho vay doanh nghiệp với LS ưu đãi và dành hàng ngàn tỉ đồng giải ngân cho DNVVN trong thời gian từ 1-10-2008 đến cuối năm. Cụ thể, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển công bố giảm LS cho vay còn ở mức từ 17,5-18,2%/năm, trong đó, LS cho vay đối với DNVVN giảm còn 17,8%/năm. Vietcombank cũng công bố giảm LS cho vay còn 19,5%/năm và dành 3.000 tỉ đồng cho vay phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh của các DNVVN làm ăn có hiệu quả. Eximbank cũng điều chỉnh giảm LS cho vay đối với DNVVN còn 17,5% và công bố dành 3.000 tỉ đồng giải ngân cho đối tượng khách hàng này.
Techcombank cũng điều chỉnh giảm LS cho vay xuống còn 20%/năm và cam kết dành khoảng 3.000-4.000 tỉ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kinh tế trọng điểm nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn trong thời gian qua, mở rộng kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế. Ông Mạc Lục Thanh, Phó Giám đốc Ngân hàng Phát triển Nhà ĐBSCL (MHB) chi nhánh Cần Thơ, cho biết: “Hiện tại, MHB đã giảm LS huy động xuống còn từ 15-16,9%/năm. Theo đó, LS cho vay thông thường cũng được điều chỉnh giảm còn 19,5%/năm. MHB còn áp dụng LS cho vay ưu đãi 18,5%/năm dành cho các đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp thu mua, chế biến lương thực, cá tra, ba sa xuất khẩu và các hộ chăn nuôi theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.
Trước đó, nhằm giúp các DNVVN tháo gỡ những khó khăn về việc tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở các tỉnh, thành nắm lại tình hình vay vốn của các DNVVN, phân tích những khó khăn và đề xuất biện pháp tháo gỡ. Theo đó, ở TP Cần Thơ, đến ngày 31-7-2008, có 1.560 DNVVN còn quan hệ tín dụng với các ngân hàng với tổng dư nợ 5.220 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 22,6% trong tổng dư nợ. Hiện tại, khó khăn chủ yếu của các DNVVN trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng vẫn là điều kiện về tài sản thế chấp. Những doanh nghiệp mới thành lập chưa có quan hệ nhiều với ngân hàng cũng khó vay vốn.
DOANH NGHIỆP VẪN TỰ XOAY XỞ LÀ CHÍNH
Ông Nguyễn Lương Phước, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp In Bao bì Hoàng Lộc, cho biết: “Các ngân hàng mà công ty có quan hệ tín dụng chưa thông báo về việc giảm LS cho vay và đẩy mạnh giải ngân cho DNVVN. Hiện tại, việc vay vốn lưu động của công ty đã bớt khó khăn, nhưng khó vay vốn trung và dài hạn do không có tài sản thế chấp. Vừa qua, chúng tôi có kế hoạch đầu tư thiết bị cho nhà máy bao bì trị giá khoảng 5,5 tỉ đồng, nhưng ngân hàng không chấp thuận đầu tư. Chúng tôi đã mời đối tác cung cấp thiết bị đến công ty trực tiếp khảo sát hoạt động sản xuất kinh doanh và thương lượng trả chậm. Kết quả, đối tác Đài Loan đồng ý cho chúng tôi thanh toán trước 30%, số tiền còn lại trả trong 2 năm. Ngoài ra, chúng tôi cũng linh hoạt đàm phán được với các khách hàng lớn rút ngắn thời gian thanh toán tiền hàng, đổi lại chúng tôi dành một số ưu đãi cho khách hàng”.
Công ty TNHH Cơ khí Thế Dân chủ yếu sử dụng vốn tự có nên không gặp nhiều khó khăn do chính sách thắt chặt tiền tệ trong thời gian qua. Năm nay, tình hình thị trường có nhiều khó khăn do giá cả biến động nhưng công ty này đã hoàn thành hợp đồng cũ và tiến hành ký kết hợp đồng mới với khách hàng ngay trong thời điểm giá cả nguyên vật liệu tăng nên không bị thiệt hại. Ngoài ra, công ty còn phát triển thêm được khách hàng ở Úc, Ấn Độ; uyển chuyển thay đổi mặt hàng, chuyển từ gia công sang chế tạo máy và thương lượng với khách hàng được tạm ứng trước 70% giá trị hợp đồng. Tất cả là nhờ công ty có uy tín lâu năm với khách hàng, nên hiệu quả kinh doanh 9 tháng đầu năm vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. Ông Lâm Thế Vân, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Thế Dân, nhận định: “Việc các ngân hàng giảm LS cho vay và tăng cường hỗ trợ vốn cho DNVVN là tín hiệu vui. Tuy nhiên, công ty chúng tôi đã quyết định tạm gác lại kế hoạch đầu tư phân xưởng mới với kinh phí khoảng 4 tỉ đồng vào cuối năm nay do LS ngân hàng vẫn còn cao, thị trường vẫn còn diễn biến khó lường”.
Công ty TNHH Cơ khí Minh Tú là một trong những DNVVN được các ngân hàng đánh giá là uy tín tốt, nhưng vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay trung và dài hạn dù công ty vẫn được ngân hàng cung cấp vốn lưu động theo hạn mức đã có. Ông Trịnh Minh Tú, Giám đốc công ty, nói: “Việc các ngân hàng công bố giảm LS cho vay và dành hàng ngàn tỉ đồng hỗ trợ vốn cho DNVVN, theo tôi chỉ là dấu hiệu cho thấy thị trường vốn đã được nới lỏng vì thực tế các chương trình này của ngân hàng chưa được triển khai rộng rãi. Mức LS cho vay hiện cũng còn quá cao, nhiều rủi ro trong tình hình kinh doanh khó khăn như hiện nay. Vì vậy, chúng tôi đã tạm gác lại dự án đầu tư với kinh phí khoảng 100 tỉ đồng. Thay vì vay vốn ngân hàng, chúng tôi đang tính đến phương án gọi vốn cổ phần”.
Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ, nói: “Những giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Nhưng dù tình hình thị trường tài chính tiền tệ đã khả quan hơn nhưng vẫn chưa được cải thiện hoàn toàn, nên DNVVN vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay. Ngoài việc cắt giảm chi phí, thu hẹp quy mô hoạt động, các DNVVN ở TP Cần Thơ chủ yếu vẫn tự xoay xở vốn bằng cách huy động vốn qua các mối quan hệ xã hội, đàm phán với khách hàng rút ngắn thời gian thanh toán tiền hàng... Tuy nhiên, phần lớn DNVVN đều gặp khó khăn. Chỉ những doanh nghiệp có uy tín, dự báo tốt về tình hình thị trường và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh kịp thời mới có thể đảm bảo hoạt động không lỗ và có hiệu quả”.
XUYẾN CHI