26/01/2024 - 20:43

Vì sao chương trình “thị thực vàng” đang dần bị loại bỏ? 

Úc là quốc gia mới nhất đã quyết định chấm dứt chương trình thị thực vàng. Mặc dù được tạo ra để thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài giàu có, nhưng nhiều kế hoạch liên quan đến chương trình “thị thực vàng” hoặc “hộ chiếu vàng” lại trở thành phương tiện thoát thân của các quan chức tham nhũng và tội phạm có tổ chức.

Nhiều hệ lụy liên quan đến thị thực vàng khiến các quốc gia đang siết chặt chương trình này.

Trong những năm gần đây, các chương trình như “thị thực vàng” hay “hộ chiếu vàng” đã thu hút sự chú ý trong bối cảnh một số chính phủ cố gắng khuyến khích người nước ngoài gửi tiền đầu tư để đổi lấy quyền cư trú hoặc quyền công dân. Đơn cử, Dominica - một hòn đảo nhỏ ở vùng Caribbe - đã nhận được nhiều tiền từ việc cấp quyền công dân cho người nước ngoài chịu đầu tư 100.000 USD vào nền kinh tế nước này. Nhờ chương trình này, Dominica thu hút nhiều công dân Trung Quốc, Nga và Iran giàu có, cùng nhiều công dân nước khác, đặc biệt là những người thường gặp khó khăn khi xuất ngoại. Giờ đây, họ được hưởng lợi khi sở hữu hộ chiếu Dominica, bao gồm 90 ngày đi lại tự do trong các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Theo DW, có hơn 60 quốc gia đang vận hành các chương trình “thị thực vàng” hoặc “hộ chiếu vàng”, trong đó có nhiều nước EU. Nhưng đáng lo ngại là các chương trình như thế đang bị lợi dụng bởi các nhóm tội phạm có tổ chức và quan chức tham nhũng. Thực trạng đó khiến Ủy ban châu Âu (EC) hồi năm ngoái kêu gọi các quốc gia thành viên siết chặt việc cung cấp “thị thực vàng” hoặc “hộ chiếu vàng”. Hiện Ireland, Síp và Hà Lan đã từ bỏ chương trình đầu tư định cư, còn Bồ Đào Nha thì mới cải tổ chương trình “thị thực vàng” vào tháng 10-2023.

Sau khi xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine, tất cả các nước thành viên EU đều thắt chặt các quy định về cấp thị thực đối với công dân Nga và Belarus. Chỉ có Malta và Hungary chưa có động thái gì trước yêu cầu của EU về việc chấm dứt chương trình thị thực vàng. 

Mới đây, Úc đã thông báo dừng chương trình cấp thị thực cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo chương trình thị thực vàng mà Úc triển khai từ năm 2012, công dân nước ngoài phải bỏ ra ít nhất 5 triệu đô-la Úc (tương đương 81 tỉ đồng) để được cấp quyền thường trú nhân tại nước này. Chính phủ xứ chuột túi cho hay có ít nhất 85% đơn xin thị thực vàng thành công là từ công dân Trung Quốc, nhưng chương trình đã không mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn mà thay vào đó lại thu hút nhiều quan chức tham nhũng. Bà Eka Rostomashvili, người đứng đầu các chiến dịch chống tham nhũng tại Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), cho biết: “Các chương trình này vốn hấp dẫn các quan chức tham nhũng và tội phạm. Tấm hộ chiếu hoặc giấy phép cư trú có thể hữu ích nếu ai đó muốn chạy trốn chính quyền”.

Còn Giáo sư xã hội học chính trị Kristin Surak tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị Luân Đôn (Anh) thì cho hay, phần lớn các trường hợp xin thị thực vàng là những người đang chuẩn bị cho họ phương án dự phòng trước một tương lai chính trị không chắc chắn. Bà Surak trích dẫn sự gia tăng lớn về số lượng công dân Mỹ tìm kiếm các lựa chọn định cư ở nước ngoài, một phần là do tình hình chính trị chia rẽ trong kỷ nguyên “Trump - Biden”. Công dân Mỹ hiện chiếm số lượng lớn nhất trong số đơn đăng ký chương trình thị thực vàng của Bồ Đào Nha.

Tuy vậy, Giáo sư Surak cho biết trong khi các quốc gia EU đang dần loại bỏ thị thực vàng, các chương trình thị thực và hộ chiếu vàng lớn nhất hiện tập trung ở khu vực Nam bán cầu - bao gồm các quốc gia như Malaysia, Panama, Thái Lan và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Theo Surak, UAE cấp quyền cư trú cho 50.000 người nước ngoài mỗi năm theo chương trình thị thực vàng - số lượng rất lớn so với 30.000 người được phép định cư tại Bồ Đào Nha trong hơn một thập kỷ qua.

Số lượng lao động nước ngoài tại Nhật Bản lần đầu vượt mốc 2 triệu người

Theo hãng thông tấn Kyodo, lần đầu tiên số lượng lao động nước ngoài ở Nhật Bản đã vượt 2 triệu người, trong bối cảnh nền kinh tế hàng đầu châu Á khan hiếm lao động khi dân số ngày càng già hóa. Số liệu thống kê tính đến tháng 10-2023 được Chính phủ Nhật Bản công bố mới đây cho thấy tổng số lao động nước ngoài tại nước này là 2.048.675 người, tăng 12,4% so với năm trước đó.

Số lượng lao động nước ngoài ở Nhật Bản liên tục tăng lên các mức cao mới kể từ năm 2013, nhưng năm 2022 chỉ tăng khiêm tốn 5,5%. Tốc độ gia tăng mạnh hơn trong năm 2023 một phần do Nhật Bản khôi phục chương trình thực tập sinh kỹ thuật sau khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19. Một quan chức Bộ Lao động Nhật Bản cho biết các lĩnh vực xây dựng, y tế và phúc lợi tuyển dụng nhiều lao động hơn nên tốc độ tăng lượng lao động nước ngoài năm 2023 đã gần bắt kịp tốc độ trước đại dịch COVID-19.

NGUYỆT CÁT (Theo DW)

Chia sẻ bài viết