29/02/2016 - 20:37

VÌ MỘT ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn cấp cao về quy hoạch ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại TP Cần Thơ. Hội nghị là một trong các hoạt động nhằm thực hiện nội dung tuyên bố chung của Đối thoại cấp cao "Việt Nam kêu gọi các đối tác quốc tế chung tay ứng phó với các thách thức của BĐKH vùng ĐBSCL" do Chính phủ Việt Nam, Hà Lan và Ngân hàng Thế giới đồng chủ trì bên lề Hội Nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tổ chức tại Paris (Pháp) vào tháng 12-2015. Vì một ĐBSCL thích ứng với BĐKH là một tuyên bố chung từ Hội nghị và là nỗ lực của Việt Nam, Hà Lan xây dựng những giải pháp, tầm nhìn dài hạn cho đầu tư ngắn hạn.

*Định khung cho ĐBSCL thích ứng BĐKH

ĐBSCL là một vùng trù phú, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, cung cấp gạo cho hàng triệu người dân tại nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, theo Bộ TN&MT, đây là nơi đang chịu tác động "kép" do BĐKH, nước biển dâng và do các hoạt động xây đập, khai thác, sử dụng nước không bền vững ở thượng nguồn sông Mê Công. Nhiều nơi trong vùng chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, xâm nhập mặn ngày càng tăng làm ảnh hưởng tới gần 700.000ha/1,7 triệu héc-ta đất nông nghiệp của toàn vùng. Theo kịch bản BĐKH, nếu nước biển dâng cao 1m và không có giải pháp ứng phó phù hợp, đến cuối thế kỷ này, 40% diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến gần 55% dân số trong vùng. Ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho biết: Nhận thức rõ những vấn đề vừa nêu, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo Bộ TN&MT, các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương vùng triển khai lồng ghép các hoạt động ứng phó với BĐKH vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Theo đó, nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL đã và đang được Chính phủ chỉ đạo bổ sung, điều chỉnh theo định hướng cơ bản của Kế hoạch ĐBSCL (MDP) đã được xây dựng trong khuôn khổ đối tác chiến lược thích ứng BĐKH và quản lý nước giữa hai chính phủ: Việt Nam và Hà Lan.

Các địa phương vùng ĐBSCL đang triển khai các giải pháp đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng trong vòng 100 năm qua. Trong ảnh: Nạo vét kinh dẫn nước vào đồng phục vụ sản xuất lúa ở thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

MDP là kết quả hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Hà Lan trong hơn 3 năm, 2010-2013, dựa trên khuôn mẫu của "Kế hoạch đồng bằng Rhine Meuse Scheld" ở Hà Lan. Hà Lan là vùng đất chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH và đã có hơn 100 năm kinh nghiệm ứng phó với thách thức này. Do đó, những chia sẻ của Hà Lan trong MDP sẽ có ý nghĩa thiết thực với ứng phó BĐKH, phát triển sản xuất của vùng ĐBSCL. Ông Tom Kombier, Bí thư thứ Nhất về nước và khí hậu, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, cho biết: MDP hướng đến phát triển một tầm nhìn chiến lược lâu dài cho một khu vực đồng bằng an toàn, bền vững và trù phú, bao gồm các đề xuất chính sách và các giải pháp có thể hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong phát triển và xem xét lại quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch không gian và quy hoạch tổng thể ngành cho vùng ĐBSCL cũng như định hướng trong việc đưa ra các quyết định, ban hành luật và đầu tư tại khu vực ĐBSCL trong tương lai. Chính vì thế, MDP không phải là một kế hoạch tổng thể cũng như không phải là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hay chương trình mục tiêu. MDP cũng không phải là Văn bản chính thức trong hệ thống hành chính của Việt Nam mà chỉ là một lời khuyên chiến lược cho Chính phủ Việt Nam.

*Tầm nhìn dài hạn cho đầu tư ngắn hạn

Lý do chính của MDP là BĐKH vì BĐKH chủ yếu tác động tiêu cực đến đồng bằng. Mưa sẽ lớn hơn vào mùa mưa và ít hơn vào mùa khô. Điều này sẽ ảnh hưởng tới sự cân bằng giữa nguồn lợi từ nước và việc sống chung với nước. Triều cường sẽ tăng nguy cơ ngập lụt cho dải ven bờ và tăng xâm nhập mặn. Theo các chuyên gia cao cấp Hà Lan, cách thức cần là chuẩn bị sẵn sàng những chiến lược cần thiết kể cả trong những tình huống xấu nhất. Đó là tầm nhìn dài hạn cho đầu tư ngắn hạn. Đầu tư cho các giải pháp có lợi trong bất cứ kịch bản nào. Ví dụ xâm nhập mặn, giảm phèn hóa, khai thác nước ngầm và duy trì hệ sinh thái lành mạnh để tối đa hóa việc giữ nước. MDP có 4 kịch bản dài hạn và biện pháp đo lường tác động gợi mở cho ĐBSCL trong điều kiện BĐKH, gồm: "an ninh lương thực"; "công nghiệp hóa nông nghiệp"; "công nghiệp hóa hành lang kinh tế" và "công nghiệp hóa nút kép". Với mỗi kịch bản, ĐBSCL sẽ đóng vai trò khác nhau trong nền kinh tế Việt Nam song hành với các phương án thích ứng với BĐKH và việc sử dụng đất và nước khác nhau. Theo bà Lilian van den Aarsen, chuyên gia cao cấp Hà Lan, việc xây dựng một MDP lâu dài bền, vững cần thiết phải có nền tảng kiến thức vững chắc và tích hợp các vấn đề, như: quy hoạch sử dụng đất và nước, giảm tính dễ bị tổn thương do lũ, hạn hán và phát triển kinh tế - xã hội… Dù các phát triển không được dự đoán nhưng các nhà làm luật cần đưa ra các quyết định cho các chiến lược và chính sách liên quan đến BĐKH ngay tại thời điểm hiện tại, để ngăn ngừa các tác động xã hội có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu không có hành động kịp thời.

Tháng 12-2013, tại Hội nghị cấp cao về phối hợp hỗ trợ phát triển vùng ĐBSCL, Việt Nam chính thức nhận MDP từ phía Hà Lan. Tuy nhiên, ông Tom Kombier, Bí thư thứ Nhất về nước và khí hậu, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, cho rằng: Việc triển khai các dự án ngắn hạn trong MDP "chậm tiến độ" do các bên có liên quan chưa hiểu đầy đủ các mục tiêu dài hạn và các khuyến nghị của MDP. Do vậy, cần thiết phải xây dựng quá trình tham gia để thu hút các bên liên quan tại địa phương, nâng cao hiểu biết và hỗ trợ. Các Bộ, ngành cần được thông tin tốt hơn về các nguyên tắc và kiến nghị của MDP và nên đưa các khuyến nghị này vào quá trình lập kế hoạch. MDP hiện bao gồm các khuyến nghị cấp thiết nhưng cần phải được cụ thể hóa thông qua việc phát triển một quy hoạch tổng thể ĐBSCL mang tính pháp lý cao. Cơ sở cho bản quy hoạch tổng thể ĐBSCL có thể là việc phát triển các chiến lược thực hiện dựa trên các phân vùng của ĐBSCL như đề xuất trong MDP (vùng ven biển, đồng bằng trung tâm và đồng bằng phía trên) được xây dựng bởi chính các đơn vị phát triển chiến lược; đặc biệt quan trọng là có sự tham gia của rất nhiều bên có liên quan… "Xây dựng bản quy hoạch tổng thể ĐBSCL với một chương trình thực hiện cụ thể có sự gắn kết giữa các đầu tư ngắn hạn với các mục tiêu dài hạn về thích ứng BĐKH như một công cụ để chuẩn bị cho thu hút nguồn tài chính, như Quỹ khí hậu xanh (Green Climate Fund) là một ví dụ điển hình" – ông Tom Kombier đề xuất.

Triển khai MDP, ứng phó với BĐKH đòi hỏi có sự chung tay và chia sẻ kinh nghiệm của các địa phương. Tuy nhiên, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: ĐBSCL chưa có kế hoạch liên kết đồng bộ để đảm bảo công tác ứng phó BĐKH đạt hiệu quả cho toàn vùng. Với vị trí trung tâm ĐBSCL, TP Cần Thơ chủ động và sẵn sàng hợp tác, liên kết với các tỉnh trong vùng, đặc biệt là Ủy ban sông Mê Công và các Bộ, ngành trung ương để có hướng đi, kế hoạch hành động thống nhất và đồng bộ cho cả vùng, đảm bảo ứng phó BĐKH hiệu quả hơn. Để thực hiện điều này, cần cơ chế liên kết vùng với bước đầu chuẩn bị xây dựng kế hoạch ứng phó đồng bộ cho ĐBSCL; tập hợp các chuyên gia, nhà quản lý, cộng đồng và tổ chức quốc tế trong một diễn đàn để xây dựng khung chiến lược ứng phó BĐKH. Từ đó chia sẻ kiến thức, nâng cao năng lực chính quyền các tổ chức cộng đồng và các tổ chức khoa học, vận động xây dựng chính sách, bộ máy, kế hoạch ứng phó cấp vùng. Có như vậy sẽ khơi thông được các nguồn lực, tăng cường liên kết toàn diện giữa các địa phương trong vùng vì mục tiêu chung: ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

Bài, ảnh: Hà Triều

Chia sẻ bài viết