06/03/2009 - 08:33

Đồng bằng sông Cửu Long

Vì màu xanh cây rừng!

Mùa mưa năm 2008 kết thúc muộn hơn mọi năm, lại thêm có mưa trái mùa xuất hiện. Chính vì thế, theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Nam bộ, khoảng 1 tháng nữa mới bước vào cao điểm của mùa khô năm 2009. Tuy nhiên, tại các cánh rừng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), công tác phòng chống cháy rừng (PCCR) đã sẵn sàng…

Sẵn sàng canh lửa cho rừng

Những ngày đầu tháng 3-2009, mực nước dưới chân rừng của rừng tràm U Minh Hạ (Cà Mau) vẫn cao hơn mùa khô năm trước từ 50 - 60 cm. Nhưng đã có hơn 7.000/38.000 ha rừng tràm bị khô, tình trạng báo động cháy ở mức độ cấp II. Hiện người dân nhận khoán đất rừng, chủ rừng sẵn sàng cho công tác PCCR. Ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ, cho biết: Công tác PCCR đã được chuẩn bị từ trung tuần tháng 10 năm 2008. Theo đó, 81 đập lớn, nhỏ đã được đắp; 31 chòi canh lửa đều được bố trí lực lượng trực; 27 tổ máy bơm với 106 người đã sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra... Ngoài ra, đầu tháng 3-2009, công ty ký hợp đồng tạm thời với 70 người dân để tăng cường giữ rừng và tiếp tục tăng cường thêm lực lượng khi vào cao điểm của mùa khô. Bên cạnh đó, trên 140 cán bộ công nhân viên của công ty luôn đảm bảo lực lượng túc trực PCCR 24/24; đặc biệt, hơn 3.000 hộ dân nhận khoán đất rừng đã ký cam kết cùng canh lửa mùa khô...

 Lực lượng kiểm lâm tỉnh Cà Mau chuẩn bị phương tiện, sẵn sàng phòng chống cháy rừng ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Ảnh: THANH TÂM.

Lâm trường Sóc Trăng có 3 phân trường: Thạnh Trị, Phú Lợi và Mỹ Phước. Theo Ban giám đốc các phân trường này, mùa mưa năm 2008 dứt muộn hơn mọi năm, trong khi đó xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa, nên hầu hết những khu rừng tràm còn khá ẩm. Vì thế, phải còn gần 1 tháng nữa, các khu rừng tràm ở Sóc Trăng mới thật sự bước vào thời điểm cam go nhất của mùa khô, nhưng mọi công tác chuẩn bị cho PCCR đã hoàn tất. Ông Huỳnh Ở, Quyền Giám đốc Phân trường Thạnh Trị, nói: “Chúng tôi đã tổ chức lễ phát động PCCR để tuyên truyền đến tận người dân trong khu vực. Việc vệ sinh bờ bao, vệ sinh rừng đã hoàn tất. Ngoài ra, 4 chốt trực PCCR của phân trường luôn có người túc trực 24/24”... Tại Phân trường Phú Lợi, nơi có 936ha rừng tràm từ 3-8 năm tuổi, độ ẩm dưới tán rừng hiện vẫn còn khoảng 80% nhờ những cơn mưa trái mùa vừa qua và chỉ cần con nước rong là có thể đưa nước vào ngập tán rừng. Tuy nhiên, Tiểu khu trưởng Võ Văn Hai, Phân trường Phú Lợi, cho biết: “Hiện nay chúng tôi đã bố trí 4 chòi canh nhỏ và 1 chòi canh chính để có thể bao quát hết toàn bộ khu vực có rừng. Các phương tiện, dụng cụ PCCR đã được kiểm tra về độ an toàn trước khi bố trí cho các chốt trực. Ngoài 4 máy bơm cơ động (loại 5,5CV), chúng tôi còn trang bị 2 máy bơm chuyên dụng cỡ lớn để có thể khống chế ngay khi có cháy rừng”.

Nhận định thời tiết năm nay diễn biến khá phức tạp nên tỉnh Kiên Giang đã và đang gấp rút vệ sinh rừng, dọn dẹp dây leo, cây bụi tại hai Vườn quốc gia U Minh Thượng và Phú Quốc, tạo đường băng cản lửa khoảng 70km. Song song đó, ngành chức năng địa phương này đang gia cố lại các giếng, hồ chứa nước... để đảm bảo nguồn cung cấp nước khi xảy ra sự cố cháy rừng. Riêng Vườn quốc gia U Minh Thượng hiện đang giữ được mực nước trong rừng cao hơn bên ngoài, nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác cá, gác kèo ong, xâm hại rừng... Trên 100 giếng công nghiệp, giếng đào và đập... rải rác ở các khu rừng hiện đều giữ được nước nhờ đã gia cố ngay từ đầu mùa khô...

Tất cả cùng vào cuộc

Cà Mau hiện có 80.000 ha đất lâm phần là rừng tràm, trong đó có 38.000 ha đất có cây rừng. Trong số diện tích có rừng thì có hơn 60.000 hộ dân nhận khoán đất rừng và trong số này có khoảng 30% hộ nghèo. Năm 2008, xảy ra 6 vụ cháy làm thiệt hại 12,45 ha đều là rừng của dân trồng. Chính vì thế, việc PCCR ở Cà Mau, nhất là ở vườn quốc gia U Minh Hạ nhiều năm nay luôn được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Quang Của, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, cho biết: “Trước đây, tất cả công tác quản lý đều do Lâm ngư trường nên rất khó hợp tác với bà con trong công tác PCCR mùa khô. Hiện nay, việc quản lý người dân sống ven bìa rừng đã được chính quyền địa phương thay đổi theo mô hình ấp. Rừng giao cho người dân tự trồng nhưng phải đảm bảo tỷ lệ trồng theo quy định của nhà nước. Khi chuyển sang mô hình mới này, nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo đã vào đến rừng như: nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, khai thác rừng tràm người dân hưởng 95%. Nhiều xã người dân nhận khoán đất rừng đã có sổ đỏ”. Cũng theo ông Của, bây giờ mùa khô, rừng tràm xe máy chạy khắp nơi, xe ô tô đã về được khoảng 50% diện tích rừng. Sắp tới Dự án nâng cao năng lực cộng đồng của Nhật Bản tài chợ 905 triệu yên sẽ góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn rừng tràm, tạo thuận lợi công tác PCCR... Ngoài ra, trong năm 2009, UBND tỉnh Cà Mau đã phê duyệt phương án PCCR mùa khô cho Vườn quốc gia U Minh Hạ hơn 5 tỉ đồng mua 6 máy bơm loại lớn, 2 xe vận tải chuyên dùng, xe cuốc, xây dựng nhiều chòi quan sát, canh lửa, đắp 21 đập, cống bọng và nạo vét kênh mương giữ nước, san lấp mặt đường giao thông nội bộ; lập 19 chốt, trạm quản lý bảo vệ rừng; 374 lực lượng chữa cháy dự phòng trong cộng đồng dân cư, sẵn sàng ứng cứu. Các tuyến kênh và 54 km đường giao thông phục vụ cho các phương tiện chữa cháy trong lâm phần đã được khơi thông...

Năm 2009, Kiên Giang chi ngân sách 3 tỉ đồng phục vụ công tác phòng chống cháy rừng, tăng hơn năm 2008 khoảng 500 triệu đồng. 120 tổ, đội PCCR và lực lượng tại chỗ 2.230 người luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố cháy rừng. Ngoài ra, còn có 7 xe chữa cháy và 122 máy bơm và hàng ngàn phương tiện chữa cháy cầm tay được trang bị cho lực lượng PCCR ứng phó khi có sự cố xảy ra. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Phần lớn diện tích rừng ở Kiên Giang thuộc khu dự trữ sinh quyển nên việc bảo vệ rất nghiêm ngặt và được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức phi chính phủ. Nhờ đó, nghiệp vụ của ngành kiểm lâm và ý thức của người dân sống ở vùng đệm, chủ rừng... ngày càng được nâng cao. Nhiều năm nay, Kiên Giang không để xảy ra những vụ cháy rừng lớn. Đặc biệt là 2 vườn quốc gia không xảy ra vụ cháy nào...”.

Riêng tại Sóc Trăng, các phân trường đều thiết kế hệ thống kênh mương hợp lý vừa để trữ nước cho mùa khô, vừa tận dụng nuôi cá, cải thiện thu nhập cho phân trường viên. Nếu như trước đây, vào mùa khô, người dân thường vào rừng lấy củi và bắt cá cạn rất nguy hiểm cho công tác PCCR, thì những năm gần đây tình trạng này đã chấm dứt. Theo anh Võ Văn Hai, Phân trường Phú Lợi, đó là nhờ công tác vận động, tuyên truyền bảo vệ, PCCR nhiều năm nay được các cấp chính quyền, ngành chức năng thực hiện một cách nghiêm túc, ý thức người dân đã được nâng lên rất cao. Chỉ khi nào Ban giám đốc phân trường cho phép, người dân mới vào rừng bắt cá, kiếm củi khô hay gác kèo ong...

NHÓM PV – CTV

Chia sẻ bài viết