Rời phòng khám, chị thất thần. Chị nghĩ tới hai đứa con, chúng còn nhỏ quá. Chị nghĩ tới bản thân, mình còn trẻ quá. Chị nghĩ tới số phận, sao lại có thể là mình. Và rồi chị nghĩ tới chồng, có lẽ phải cho anh biết... nhưng có lẽ thôi.
Trở về nhà thì đã hơn sáu giờ chiều. Một ngày thật dài với chị. Nhà vắng lặng. Con trai nhỏ có lẽ đã được dì giúp việc đẩy xe nôi đi chơi dưới sảnh khu chung cư. Con gái lớn theo lịch đi học thêm tiếng Anh. Chồng chị giờ này chắc đang mải miết chạy theo quả bóng tròn. Chồng ham thích đến sân cỏ sau giờ làm khiến chị có cảm giác anh bỏ bê cả vợ con, nói nhiều mà chẳng thay đổi được gì nên chị cũng chán, không nói nữa. Ngồi phịch xuống ghế, chị thở dài. Những tia nắng cuối ngày cố len qua khung cửa sổ ở mé bên, chiếu sau lưng chị rồi đổ một vệt bóng dài đen mờ. Khung an toàn nơi ô cửa sổ chia bóng nắng thành những vệt song song cách đều nhau. Bóng của chị ở chính giữa, như bị những song sắt vây lấy.
Lấy chồng được tám năm nay, chị sinh đủ cả nếp và tẻ. Chị làm công việc văn phòng ở một công ty tại khu công nghiệp. Chồng chị là kỹ sư của nhà máy thuộc loại lớn nhất ở đó. Căn nhà chung cư gia đình chị đang ở được công ty chồng phân cho. Chưa phải lo làm nhà nên anh chị dành dụm mua được chiếc ô tô. Thu nhập của hai vợ chồng chị cũng coi như khá so với mặt bằng chung. Thế nhưng nỗi buồn không tên cứ lớn dần lên trong chị theo thời gian. Chồng chị hiền lành nhưng vô tâm. Những điều trong sinh hoạt thường ngày anh xem là nhỏ nhặt nên không để ý. Chị nhắc thì anh kêu chị nói nhiều. Vụn vặt cuộc sống cứ chất dầy lên theo thời gian.
Hôm nay bác sĩ nói: "Nguy cơ cao chị bị ung thư, có yếu tố di truyền, cần phải làm sinh thiết để xác định chính xác...". Nỗi lo lắng xâm chiếm lấy chị. Chị bần thần chẳng biết phải làm gì. Chị nghĩ tới kết cục tối tăm nhất, rồi gục đầu trong nhá nhem chập choạng của chiều tối đang tới rất nhanh. Những tia nắng cuối ngày cũng mờ dần rồi tắt hẳn.
Như cùng một lúc, chồng chị nhễ nhại mồ hôi xách đôi giày đá bóng, con gái đeo ba lô tan học, dì giúp việc đẩy xe nôi trở về. Chồng chị bật điện lên rồi hỏi: "Sao em để nhà tối thế". Chị biết anh chỉ thuận miệng hỏi thế thôi chứ chẳng để ý xem chị đang vui hay buồn. Con gái chạy đi cất sách vở rồi lấy đồ đi tắm. Con trai mới hơn một tuổi ngọng nghịu gọi mẹ liên hồi rồi đòi chị ẵm. Nhấc mình lên theo tiếng gọi của con, chị ôm thằng bé vào lòng, để nó bíu lấy cổ mẹ, chui rúc hít hà. Con là năng lượng sống lớn nhất của chị lúc này. Rồi chị bất chợt thẫn thờ nghĩ con còn nhỏ quá.
Mâm cơm dọn ra thì chồng và bé lớn vừa tắm xong. Cả nhà sà vào mâm cơm như một ngày bình thường. Chồng chị lấy từ tủ lạnh ra lon bia nhấm nháp. Anh thường không uống nhiều, mỗi bữa ăn chỉ một lon. Chị mua chất một góc tủ lạnh loại bia anh thích.
Nghĩ lại chị vẫn nhớ rõ nỗi phân vân của mình khi chọn anh là người gắn bó cuộc đời này. Thời con gái, chị thừa hưởng nét đẹp của mẹ - người một thời có tiếng là đẹp nhất xã, và còn có chiều cao của cha. Trong nhà, chị là con gái út nên được bố mẹ và các anh chị yêu thương hết mực. Chị học xong đại học tại Hà Nội thì về quê làm việc văn phòng cho một dự án gần nhà. Dự án lớn nên có rất nhiều kỹ sư trong công ty và nhiều người theo đuổi chị. Chồng chị ngày xưa cũng là một trong số đó. Phải nói rằng, chồng chị đẹp trai, nổi bật trong công việc vì có tài, nhưng anh lại mang cả cái khô cứng của công việc vào trong những lần trò chuyện cùng chị. Chị chắc chắn rằng anh không có gì đáng chê cả, nhưng nếu chị muốn tìm một người hiểu mình sâu sắc để tâm sự như một tâm giao tri kỷ thì người đó chưa chắc là anh. Chị và anh đều là người cùng quê, nhà cách nhau chưa đầy một cây số, lại được bố mẹ hai bên vun vén vào. Hết dự án, các kỹ sư công trường lần lượt rời đi, văn phòng đông thế mà những ngày gần cuối cứ thưa thớt, trống trải. Anh chuyển từ kỹ sư nhà thầu sang làm kỹ sư cho nhà máy, có thể nói là công việc đã được ổn định. Khi đó, mỗi nhân viên nhà máy đều được phân một căn nhà tập thể rộng rãi. An cư, lạc nghiệp nên anh ngỏ lời cưới chị. Con gái có thì, cha mẹ cũng mong con gái út lấy chồng gần nhà. Chị đắn đo rồi cũng gật đầu.
Tối đó, sau khi các con ngủ, chị ngó sang thấy chồng đang cầm điện thoại. Thói quen của anh là vậy, tối nào cũng chỉ có một trò là đánh cờ tướng trực tuyến, có khi thức tới tận một, hai giờ sáng. Chị có nhắc anh dành thời gian với con cái nhiều hơn thì anh nói ai cũng cần chút không gian riêng, thành ra chị cũng không thể nói thêm gì nữa. Tối nay, trằn trọc mãi chị cũng nói với anh, dù thấy rằng anh đang dí mắt vào ván cờ đánh dở: "Ngày mai em xin nghỉ việc, em phải ra Hà Nội khám bệnh". Anh hỏi chị: "Vậy em có cần anh đi cùng không?". Chị nghe vậy mà buồn bã: "Không cần đâu, ngoài đó có Thảo đi cùng em rồi". Câu chuyện của hai vợ chồng kết thúc, anh lại tiếp ván cờ, còn chị thở dài mắt chăm chăm nhìn lên trần nhà nghĩ ngợi.
Sáng hôm sau, khi đưa con gái lên xe đưa đón tới trường, chị đi Hà Nội. Chị đặt lịch khám vào đầu giờ chiều. Cũng may ngoài đó chị có hai người bạn thân, chơi với nhau từ hồi học đại học và thân nhau tới tận bây giờ. Chị nhắn chiều nay chị ra. Thảo, cô bạn mở spa tại nhà, đón chị tại bến xe rồi đưa chị vào bệnh viện. Vào phòng sinh thiết, chị ngửi thấy mùi thuốc sát trùng, chỉ một màu trắng xóa của phòng bệnh. Chị thấy cuộc sống lúc này thật mong manh, đầu chị nghĩ quẩn bao nhiêu là thứ, chị nghĩ tới tình huống xấu nhất, rồi lại nghĩ tới hai đứa con.
Vết chọc sinh thiết tạo thành một lỗ trên ngực chị, rỉ máu và phải băng lại. Bác sĩ nói chị đợi một tuần sẽ có kết quả. Đó sẽ là một tuần dài đằng đẵng với chị. Thảo đợi bên ngoài suốt buổi, rồi đưa chị về nhà. Chị nhắn chồng đêm nay chị sẽ ở lại Hà Nội. Chiều muộn, cô bạn làm ngân hàng về, tối nay chỉ có ba người bạn thân như hồi sinh viên, tới chợ đêm phố cổ, sà vào các hàng quán mà ăn uống, tạm thời tan hết những lo lắng của cuộc đời. Bên những người bạn thân, chị tạm quên nỗi lo để vui cười. Đã lâu lắm rồi chị mới thoải mái như vậy.
Một tuần chờ đợi kết quả thật dài, chị ngóng ra ngóng vào, nghĩ suy đủ chuyện linh tinh. Rồi ngày đó cũng tới, kết quả là một chuỗi dài các thông tin y học với nhiều thuật ngữ khó hiểu. Kết quả báo qua ứng dụng trên điện thoại, chị nhờ chồng xem giùm. Anh đọc lướt qua rồi reo lên: "Không sao em ơi! Không sao rồi". Anh giải thích cho chị từng thuật ngữ, từng con số và kết luận của bác sĩ. Lúc đó chị mới ngớ người ra. Thì ra chồng chị đã tìm hiểu rất kỹ về căn bệnh mà chị lo lắng mắc phải. Anh cũng lo lắng, cũng hồi hộp chờ đợi, thế nhưng cách quan tâm của anh chỉ một mình anh biết. Rồi anh nói với chị, anh đi đây một lát.
Thực ra, cũng như chị, khối nặng đè lên người anh cả tuần nay đã được dỡ bỏ, anh thấy cần phải hít thở bầu không khí yên tĩnh một mình để cân bằng lại cảm xúc lúc này. Như chiếc nồi áp suất được nung nóng trong một tuần trời, giờ tới lúc xả áp. Đàn ông là vậy, anh cần những phút chỉ của riêng mình. Từ trên cửa sổ tầng cao, chị thấy anh lững thững bước đi dưới hàng cây bàng trên sân chung cư. Anh bước từng bước đạp lên những chiếc lá vàng rơi rụng trên sân. Chị thấy anh ngửa mặt lên nhìn vòm lá xanh, hít một hơi thật dài, rồi lại cúi đầu lặng lẽ bước.
Lúc này đây, chị hiểu anh quan tâm tới chị, nhưng theo cách rất riêng của mình. Chị chợt nhớ đã đọc được cuốn sách có tựa "Đàn ông đến từ sao Hỏa, đàn bà đến từ sao Kim". Cách nghĩ và quỹ đạo của hai ngôi sao cách biệt ấy khác xa nhau. Thế nhưng chúng đều quay quanh mặt trời. Chị biết mặt trời của chị và chồng lúc này là hai đứa con nhỏ đang ngủ vùi trong chăn. Chị bất giác mỉm cười. Chị đợi chồng trở lại.
Một lát sau, chồng chị về phòng, tưởng chị đã ngủ, anh nhẹ nhàng nằm xuống. Anh rờ tay lấy chiếc điện thoại lên, định sẽ lướt web một lúc. Chị nhẹ nhàng trở người, vòng tay ôm chồng, cứ ôm vậy, không nói một lời. Hơi ấm và mùi hương làn tóc của chị từ từ lan tỏa sang người anh. Anh bỏ chiếc điện thoại ra, vòng tay ôm vợ. Chị thấy tình yêu lan tỏa như ngày đầu mới yêu nhau.