25/05/2010 - 21:07

Sử dụng vật liệu xây không nung cho các công trình xây dựng

Vật liệu thay thế trong tương lai

Công ty Trung Hậu giới thiệu
mẫu bê tông siêu nhẹ.

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam phối hợp với Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) tổ chức Hội thảo Quốc tế với chủ đề “Các giải pháp đầu tư, sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) thay thế gạch đất sét nung”. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã chuyển sang sản xuất, sử dụng VLXKN và giảm dần sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Theo xu thế này, nước ta cũng đang hướng tới đẩy mạnh sản xuất và ứng dụng VLXKN cho các công trình xây dựng...

* GẠCH ĐẤT SÉT NUNG CÒN CHIẾM TỶ LỆ CAO

Theo Tiến sĩ Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam, hơn 20 năm qua, ngành công nghiệp vật liệu xây dựng nước ta đã được đầu tư phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chủng loại mặt hàng, chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu. Trong đó, gạch đất sét nung có vai trò quan trọng, được phát triển sản xuất từ thành thị đến nông thôn và miền núi, sản lượng từ hơn 3,4 tỉ viên năm 1990 lên 24 tỉ viên năm 2009, tăng gấp 6,9 lần. Tuy nhiên, gạch đất sét nung lại tiềm ẩn những yếu tố bất lợi như: sản xuất gạch tiêu tốn một lượng đất sét dẻo khổng lồ, để sản xuất 1.000 viên gạch tiêu chuẩn (210x100x60 mm) tiêu tốn trung bình 1,5 m3 đất sét, từ năm 2000 đến năm 2009 cả nước sản xuất ra 140 tỉ viên gạch đã tiêu tốn 210 triệu m3 đất sét (tương đương 10.500 ha đất) và biến đất canh tác thành ao hồ, biến ruộng bậc thang thành vùng đất trũng...

Tiến sĩ Trần Văn Huynh nhận định: Theo nhu cầu gạch xây năm 2010 là 25 tỉ viên, vào năm 2015 là 32 tỉ viên và vào năm 2020 là 42 tỉ viên. Như vậy, để sản xuất ra 400 tỉ viên gạch đất sét nung, từ nay đến năm 2020 phải tiêu tốn khoảng 600 triệu m3 đất sét, tương đương 30.000 ha đất canh tác và sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực của đất nước. Ngoài ra, để sản xuất ra 400 tỉ viên gạch phải tiêu tốn khoảng 60 triệu tấn than, thải ra một lượng lớn khói độc hại gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, sản phẩm gạch đất sét nung có kích thước nhỏ, khi xây tường tốn nhiều vữa xây, vữa trát, tốn công xây và kéo dài tiến độ xây dựng công trình, không phù hợp với việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành xây dựng. Do đó, ngày nay nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước phát triển đã giảm dần sản xuất gạch đất sét nung xuống còn 30-40%, chuyển sang VLXKN là 60-70%.

Còn ở nước ta, thời gian qua VLXKN phát triển rất chậm. Đến năm 2009 việc sản xuất và sử dụng VLXKN chỉ đạt 8-8,5% trong tổng số vật liệu xây và chủ yếu sản xuất VLXKN cốt liệu xi măng, mạt đá, cát. Nguyên nhân do người dân đã quen sử dụng gạch đất sét nung cỡ nhỏ, khi sử dụng gạch block (VLXKN) kích thước lớn, nặng, vận chuyển khó khăn và thợ xây không thích; giá bán gạch block trước đây cao hơn gạch đất sét nung. Mặt khác, Nhà nước chưa ban hành đồng bộ các chích sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN vào công trình...

* THAY THẾ BẰNG VLXKN

Ngày 28-4-2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 567/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định số 567) về việc phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020. Theo đó, phấn đấu đến 2015, nước ta sẽ phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20-25%, đến năm 2020 đạt 30-40%; hàng năm sử dụng khoảng 15-20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao...) để sản xuất VLXKN, tiết kiệm được khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải; tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công; phát triển các cơ sở sản xuất VLXKN bằng công nghệ tiên tiến với qui mô công suất phù hợp với từng vùng, khu vực. Từ năm 2011, các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) sử dụng tối thiểu 30% VLXKN loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1.000 kg/m3) trong tổng số vật liệu xây; khuyến khích các công trình xây dựng sử dụng VLXKN khác có độ rỗng lớn hơn 30% và VLXKN loại nhẹ. Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ như: công bố, phổ biến, chỉ đạo và kiểm tra việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển VLXKN trong cả nước; ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung cụ thể của chương trình; thực hiện các giải pháp về khoa học công nghệ để phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN; lập danh mục các loại thiết bị, vật tư sản xuất VLXKN được miễn thuế nhập khẩu; xây dựng lộ trình và đôn đốc thực hiện việc xóa bỏ lò gạch thủ công theo các vùng, miền; tổ chức thông tin, tuyên truyền về sản xuất, sử dụng VLXKN...

Ông Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết: “Việc sản xuất và sử dụng VLXKN ở nước ta trong những năm qua chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây cung cấp cho các công trình xây dựng, hàng năm vẫn phải vừa sản xuất gạch đất sét nung truyền thống, vừa phát triển VLXKN. Vì vậy, định hướng phát triển vật liệu xây ở Việt Nam trong giai đoạn tới như sau: đối với vật liệu nung áp dụng công nghệ sản xuất gạch bền vững đáp ứng các yêu cầu giảm khí thải độc hại, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng, có khả năng cơ giới hóa và tự động hóa trong sản xuất, ưu tiên phát triển công nghệ lò nung tuynel và từng bước xóa bỏ lò thủ công... Đối với VLXKN, gạch xi măng-cốt liệu tiếp tục là chủ đạo, ngoài ra còn ưu tiên phát triển và sử dụng gạch nhẹ (bê tông khí chưng áp AAC, bê tông bọt) và các loại gạch khác (đá chẻ, gạch đá ong, vật liệu xây dựng từ đất đồi và phế thải xây dựng...)...”.

Tiến sĩ Trần Văn Huynh đã đề xuất một số giải pháp phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN để thay thế gạch đất sét nung. Để thực hiện đạt mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 40% vào năm 2020, cần căn cứ vào nguồn nguyên liệu của từng vùng, nhu cầu của thị trường để đầu tư các cơ sở sản xuất VLXKN thích hợp; chủ yếu là phát triển sản xuất VLXKN cốt liệu xi măng, cát, tro xỉ, mạt đá và tập trung đầu tư phát triển VLXKN mới (bê tông nhẹ)... Ngoài ra, cần có các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất VLXKN; nhanh chóng hoàn thiện công nghệ sản xuất VLXKN, trong đó nghiên cứu sử dụng tất cả các nguồn phế thải công nghiệp để sản xuất VLXKN; nâng cao năng lực ngành cơ khí trong nước để chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN...

* NHIỀU CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT VLXKN

Tại hội thảo, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng đã giới thiệu các công nghệ, thiết bị mới sản xuất VLXKN như: bê tông khí AAC, bê tông bọt, các tấm thạch cao, vật liệu 3D, gạch không nung từ đất đồi và phế thải... Các loại VLXKN trên được cho là thay thế rất tốt gạch đất sét nung trong các công trình xây dựng. Tổng công ty Xuất nhập khẩu Máy Thiên Tân (Trung Quốc) giới thiệu dây chuyền sản xuất gạch xây bê tông khí chưng áp AAC có công suất từ 100.000-300.000 m3/năm, cho ra một loại vật liệu xây tường rất nhẹ, chỉ nặng 400-700 kg/m3(tương đương 1/3 so với gạch đất sét nung). Nếu chọn loại vật liệu này xây sẽ làm giảm chi phí đầu tư cho công trình do giảm chi phí làm nền móng... Ông Hoàng Ngọc Cang, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng 3D, cũng cho biết: “Công ty đã xây dựng nhiều nhà cao tầng (khách sạn, cao ốc văn phòng...) bằng công nghệ 3D panel, trong đó có tòa nhà Cao ốc văn phòng Nguyễn Hiếu (ở đường Trần Hưng Đạo, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Đến nay, các tòa nhà cao tầng do công ty xây dựng bằng công nghệ 3D panel đều có chất lượng đảm bảo. Với trọng lượng chỉ bằng 60% so với gạch và bê tông truyền thống, công nghệ 3D panel thích hợp cho những chung cư cao tầng xây dựng trên nền đất yếu vì tiết kiệm chi phí gia cố nền móng, giảm giá thành đầu tư cho phần xây thô công trình ít nhất khoảng 20%...”.

Theo ông Trần Trung Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế tạo máy và Sản xuất vật liệu mới Trung Hậu (ở TP Hồ chí Minh), đến nay, công ty đã lắp đặt xong dây chuyền sản xuất gạch siêu nhẹ (bê tông bọt) và chuyển giao công nghệ cho 3 khách hàng là Công ty cổ phần Thương mại-Dịch vụ Xây dựng Minh Đức (ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Lũng Lô 2.1 (tỉnh Nghệ An) và Công ty cổ phần Địa ốc An Giang (tỉnh An Giang). Đồng thời, công ty đang lắp đặt dây chuyền sản xuất gạch siêu nhẹ cho hàng chục khách hàng khác ở nhiều địa phương trên cả nước. Công ty nhận lắp đặt dây chuyền sản xuất gạch siêu nhẹ có công suất từ 20-300m3/ngày, tổng mức đầu tư từ 200.000-2.000.000 USD/dây chuyền, với giá bán sản phẩm 1,1 triệu đồng/m3 sẽ thu hồi vốn đầu tư trong vòng 8-20 tháng tùy theo dây chuyền. Dây chuyền sản xuất gạch siêu nhẹ này cho ra các sản phẩm gạch bê tông siêu nhẹ, tỷ trọng nhỏ hơn 1.000 kg/m3 (nhẹ hơn nước) nên phù hợp cho các công trình nhà cao tầng. Ngoài ra, loại gạch bê tông nhẹ này cách nhiệt, cách âm tốt hơn so với gạch đất sét nung truyền thống...

Bài, ảnh: ANH KHOA

Công ty Trung Hậu giới thiệu mẫu bê tông siêu nhẹ.

Chia sẻ bài viết