12/03/2021 - 08:13

Vận hội mới cho ÐBSCL 

Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 (Nghị quyết 120) của Chính phủ về phát triển bền vững ÐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH), tại nhiều địa phương trong vùng đã có những mô hình thuận thiên. Các địa phương đang dần thay đổi theo hướng “thuận thiên”, định hướng cốt lõi của Nghị quyết 120. Các chuyên gia nhận định, Nghị quyết 120 là “cơ hội vàng” để ÐBSCL bứt phá và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.

Kè sông Cần Thơ - Dự án thích ứng với BÐKH. Ảnh: L.T

Chuyển hướng của các địa phương

Là châu thổ trẻ, ÐBSCL được nhận định là vùng mẫn cảm trước các tác động tiêu cực của thiên nhiên, đặc biệt là BÐKH và nước biển dâng. Vì vậy, Nghị quyết 120 được xem là sự định vị lại các cấu trúc phát triển cho vùng. Mặc dù qua 3 năm triển khai Nghị quyết 120, chưa thể đo đếm đầy đủ quá trình chuyển đổi của đồng bằng, nhưng có thể khẳng định rằng các địa phương đang tái cấu trúc lại cơ cấu kinh tế.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, 3 năm thực hiện Nghị quyết 120, tỉnh đã tập trung nguồn lực xây dựng ngành nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, đầu tư trọng điểm khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các vùng nguyên liệu và đầu tư hạ tầng hỗ trợ. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng thủy sản - trái cây - lúa gạo. Tỉnh đã chuyển đổi gần 2.000ha đất vườn tạp, đất mía kém hiệu quả và lúa 3 vụ sang trồng cây ăn quả, rau màu, nuôi thủy sản. Cùng với đó, tỉnh chủ động bố trí nguồn lực thực hiện sớm việc nạo vét hệ thống thủy lợi để trữ nước ngọt và ngăn mặn. Tăng cường tuyên truyền đến người dân, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Tỉnh Sóc Trăng tập trung xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo 3 trọng tâm là: thủy sản - cây ăn quả - lúa dựa trên các vùng sinh thái nước ngọt, nước lợ, nước mặn. Các cấp, các ngành đã tăng cường phổ biến sâu rộng trong cộng đồng dân cư về tác động của BÐKH. Ông Ngô Thái Chân, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Sóc Trăng, thông tin: Tỉnh đã triển khai xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BÐKH tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; kế hoạch hành động ứng phó với BÐKH tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đề xuất giải pháp duy trì hợp lý và bền vững quỹ đất cho nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, bảo tồn tài nguyên, thiên nhiên trong điều kiện BÐKH. Tổ chức điều tra, đánh giá thực trạng, tiềm năng, chất lượng, suy thoái, ô nhiễm đất làm cơ sở để tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ðồng thời, tăng cường công tác xây dựng cơ sở dữ liệu về biến động và sử dụng tài nguyên nước, đảm bảo hiệu quả trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Tại TP Cần Thơ, các sở, ngành thành phố tập trung triển khai rà soát quy hoạch đô thị, cập nhật định hướng phát triển chung về kinh tế - xã hội. Thành phố cũng tập trung đầu tư nguồn lực cho các dự án ứng phó với BÐKH thuộc các lĩnh vực ngành nông nghiệp, thủy lợi, đô thị, thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt nội ô thành phố… Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 120, Sở đã triển khai dự án đánh giá lại các tác động của BÐKH trên địa bàn. Trên cơ sở này, tham mưu thành phố triển khai các nhiệm vụ cũng như giải pháp để thích ứng hiệu quả với BÐKH. Triển khai lập dự án khoanh vùng nguồn nước cần bảo vệ; kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước mặt, nước ngầm trên địa bàn, đầu tư hệ thống quan trắc tự động nguồn nước mặt, nước ngầm để nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng nguồn nước cũng như chủ động ứng phó tình trạng xâm nhập mặn”. Ngành Xây dựng cũng đã triển khai quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn thành phố, triển khai nâng cấp hệ thống thoát nước cho khu vực nội thị ứng phó với ngập lụt do triều cường. Ngành Nông nghiệp triển khai các dự án chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng với BÐKH và các dự án ứng phó sạt lở bờ sông, kênh rạch…

Thế khó trong triển khai
   Nghị quyết

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ÐBSCL cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 120, các địa phương đều lúng túng. Ông Trương Cảnh Tuyên cho rằng, nguồn lực của địa phương để triển khai thực hiện kế hoạch hành động phát triển bền vững, thích ứng với BÐKH theo Nghị quyết 120 chưa theo kịp yêu cầu. Nguồn lực tài chính bố trí riêng để thực hiện các nhiệm vụ, dự án ở cấp độ địa phương chưa có. Tương tự, tại tỉnh Sóc Trăng, theo ông Ngô Thái Chân, nhu cầu đầu tư cho các chương trình, dự án về phòng, chống thiên tai và thích ứng với BÐKH trên địa bàn tỉnh rất lớn, trong khi ngân sách của tỉnh khó khăn. Phần lớn nhiệm vụ, dự án thuộc lĩnh vực BÐKH của địa phương chưa được bố trí kinh phí, nên tiến độ triển khai chậm, các dự án sử dụng vốn ODA phải tuân thủ quy định của nhà tài trợ, làm thời gian thực hiện dự án bị kéo dài.

Các tỉnh, thành còn gặp khó khăn vì thiếu cơ sở dữ liệu liên ngành được sử dụng chung cho việc ra các quyết định quản lý, phối hợp thực hiện quản lý tài nguyên, môi trường và các vấn đề kinh tế - xã hội. Theo lãnh đạo Sở TN&MT TP Cần Thơ, nhận thức của người dân về tác động của BÐKH còn một số hạn chế nhất định, dẫn đến khả năng thích nghi, ứng phó với BÐKH chưa đạt hiệu quả. Các hoạt động khai thác, sử dụng nước thiếu bền vững, năng lực dự báo, cảnh báo phục vụ công tác phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BÐKH ở địa phương còn hạn chế.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BÐKH (Trường Ðại học Cần Thơ), cho rằng: Nông dân ÐBSCL rất nhạy cảm trong sản xuất vì liên quan trực tiếp đến sinh kế, cuộc sống của họ. Vì vậy, thời gian qua, nông dân có rất nhiều sáng tạo mang tính thuận thiên. Ðiển hình là thiếu nước ngọt thì nông dân đào ao tích trữ nước cuối mùa lũ hay nước mưa; đồng thời chuyển đổi sản xuất, giảm diện tích trồng lúa ở vùng mặn sang mô hình lúa - tôm, mùa mưa thì trồng lúa, mùa khô thì nuôi tôm. Những mô hình này mỗi nơi tuy có khác nhau, tùy điều kiện canh tác, nguồn vốn, nhưng đây là điều sẽ giúp cho nông dân phát triển bền vững hơn. Nông dân sản xuất đa canh để phòng trường hợp bất trắc, sản xuất dựa vào lợi thế của tự nhiên. Các địa phương cũng nhận thấy BÐKH làm cho mùa khô tăng lên, mùa nắng kéo dài hơn, thuận lợi cho phát triển điện mặt trời, phát triển điện gió và nhiều địa phương đang tận dụng những lợi thế này. Hiện nay, ở nhiều địa phương, phong trào sản xuất xanh, sản xuất hữu cơ đang dần tiếp cận với nội dung của Nghị quyết 120. Tuy nhiên, dù các địa phương vùng đã cố gắng thực hiện một số kế hoạch hành động dựa vào Nghị quyết 120, nhưng thành quả chưa đạt như mong muốn.

Hiểu đúng để triển khai hiệu quả

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, việc hiểu về Nghị quyết 120 của các địa phương còn khác nhau. Có người cho rằng thuận thiên là trở về thời xa xưa, nhưng không phải vậy, mà là theo diễn biến của tự nhiên thêm yếu tố đe dọa từ BÐKH, từ đập thủy điện, nội tại của mình. Và còn một số suy nghĩ nữa là chủ động kiểm soát thiên nhiên bằng các công trình. Một số địa phương dựa vào chương trình sẵn có, rồi diễn đạt theo kiểu tinh thần Nghị quyết 120 và thiếu quy hoạch tổng thể tích hợp các ngành, chưa tính đến việc phát triển ngành này có gây xung đột với ngành khác hay không. Chính điều này làm cho kết quả thực hiện Nghị quyết 120 chưa như mong muốn.

Theo ông Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, để triển khai hiệu quả Nghị quyết 120, các bộ, ngành Trung ương cần xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch vùng, sớm đưa vào triển khai thực hiện, tạo cơ chế chính sách để ÐBSCL phát triển bền vững, thích ứng BÐKH. Ðồng bằng rất cần trục giao thông để kết nối hành lang kinh tế ven biển, mở ra không gian phát triển mới. Các địa phương rất mong Trung ương có cơ chế, chính sách đầu tư phát triển toàn diện kết cấu hạ tầng cho vùng ÐBSCL như: thủy lợi - cấp nước, giao thông - logistics, năng lượng, hạ tầng số… Giới thiệu các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn đến đầu tư tại vùng ÐBSCL, gắn với tái cấu trúc nền kinh tế toàn vùng. Có cơ chế phát triển khoa học công nghệ cho vùng, nhất là cho ngành nông nghiệp; tăng cường đầu tư cho giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mới.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang đề xuất: “Các địa phương ÐBSCL mong Trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Ðề án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về ÐBSCL phục vụ phát triển bền vững và thích ứng với BÐKH. Hiện nay, Hội đồng điều phối vùng đã được thành lập và có quy chế hoạt động theo Quyết định số 825/QÐ-TTg ngày 12-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ; do đó, cần làm rõ, thúc đẩy vai trò của Hội đồng để sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển”. Theo ông Ngô Thái Chân, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng, với nguồn lực đầu tư, Trung ương cần có cơ chế tài chính phù hợp, đầu tư trọng tâm, trọng điểm đảm bảo hiệu quả, bền vững. Các địa phương cũng phải chủ động phối hợp, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu về BÐKH, tài nguyên và môi trường với nhau nhằm chủ động trong ứng phó với BÐKH. Triển khai kịp thời việc đánh giá, phổ biến nhân rộng các mô hình, sáng kiến hiệu quả về thích ứng với BÐKH…

Các chuyên gia cho rằng, Quy hoạch tích hợp vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Kế hoạch và Ðầu tư hoàn thiện, cùng với định hướng lớn của Chính phủ tại Nghị quyết 120 sẽ tạo động lực mới cho ÐBSCL phát triển tương xứng với tiềm năng và vị trí chiến lược của vùng.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL, cho rằng: Nếu ví ĐBSCL như một cơ thể sống vận hành trong một tổng thể thì các hệ thống này không theo ranh giới hành chính của các địa phương. BĐKH cũng không diễn ra theo ranh giới hành chính các tỉnh. Vì vậy, liên kết vùng là một việc tất yếu phải làm, những vấn đề ở cấp vùng phải giải quyết chung chứ không thể “đèn nhà ai nấy sáng” được. Liên kết vùng cần hiểu rộng hơn là để cộng lực giữa các địa phương, tránh mâu thuẫn, tránh cạnh tranh không cần thiết giữa các địa phương…

TRẦN THANH - LÊ AN

Chia sẻ bài viết