19/06/2023 - 08:27

Vận dụng cơ chế, huy động nguồn lực đầu tư cho đất “Chín Rồng” 

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

ÐBSCL là khu vực nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nhờ được Trung ương quan tâm ban hành những quyết sách mới, phân bổ nguồn lực đầu tư vào dự án kết cấu hạ tầng quan trọng mang tính kết nối vùng và liên vùng. Song, làm thế nào để khai thác, phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế, đưa toàn vùng ÐBSCL phát triển nhanh, mạnh, bền vững là mối quan tâm thường trực của các bộ, ngành, nhất là các địa phương trong vùng.

Thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước... là những vấn đề cấp bách đối với vùng ÐBSCL. Trong ảnh: Một góc sông Hậu nhìn từ hướng Cồn Sơn.

Thách thức

Những năm gần đây, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng ÐBSCL được quan tâm, đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Theo báo cáo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết, hiện nay Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 13 địa phương ÐBSCL đã xây dựng nhiều đề xuất dự án với tổng mức đầu tư hơn 94.000 tỉ đồng. Hầu hết các dự án này là dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để phát triển bền vững vùng ÐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu (Mekong DPO).

Theo Bộ Xây dựng, hệ thống giao thông và các loại hình giao thông của vùng được quan tâm đầu tư mới và chú trọng hơn về sự đồng bộ, tính kết nối, liên thông. Tỷ lệ đô thị hóa tăng lên; chất lượng đô thị trong vùng từng bước được cải thiện... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, hạ tầng kỹ thuật của vùng vẫn chưa phát triển như mong muốn. Theo ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong vùng nói chung còn yếu, thiếu đồng bộ, thiếu tính liên kết. Các dự án công trình đầu mối hạ tầng khung của vùng chưa được đầu tư đồng bộ; hạ tầng kỹ thuật trong đô thị như cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải còn thiếu và chậm triển khai xây dựng, chưa phát huy được hiệu quả nguồn vốn đầu tư và đáp ứng nhu cầu phát triển. Chất lượng nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật trong một số đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật nhìn chung còn thấp và thiếu đồng bộ, chưa bảo đảm ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng phức tạp, khó đoán định đã tác động ngày càng lớn và tiêu cực đến kết cấu hạ tầng kỹ thuật, gây rất nhiều khó khăn cho công tác lập, triển khai quy hoạch và các dự án đầu tư.

Theo PGS.TS. Trần Ðình Thiên, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ÐBSCL có lợi thế đất đai màu mỡ, thời tiết thuận lợi nhưng các điều kiện phát triển thay đổi theo hướng bất lợi. Thực tế là ÐBSCL gánh trên vai sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia với thế mạnh về lúa gạo, trái cây, thủy sản nhưng thu nhập người dân trong vùng vẫn thấp so với mức trung bình cả nước. Ðầu tư công, thu hút nguồn vốn FDI còn thấp, tình trạng người dân di cư ra khỏi vùng cùng với đó là những thách thức như giảm nguồn nước ngọt, giảm phù sa, sạt lở bờ sông, bờ biển, nước biển dâng... Quá trình đô thị hóa cần nhiều vật liệu xây dựng cũng ảnh hưởng đến các con sông và tạo nên gánh nặng cho vùng ÐBSCL. Vì thế để phát triển bền vững trong tương lai cần phải tính toán đến sự đánh đổi của vùng trong quá trình xây dựng hạ tầng.

Mở hướng phát triển

Phát triển hạ tầng kỹ thuật vùng cần gắn chặt với nhiệm vụ xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch hiệu quả. Theo ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng, trước tiên cần hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, kể cả nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng bằng nhiều hình thức, phù hợp với thông hệ quốc tế. Bên cạnh đó, tổ chức quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trong vùng ÐBSCL, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch cấp thoát nước, xử lý chất thải rắn các vùng kinh tế trọng điểm, lưu vực sông nhằm góp phần bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước, các dự án bảo đảm an ninh cấp nước cho các vùng bị xâm nhập mặn. Cần thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, trong đó tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải.

Xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Tân Cảng Cái Cui, TP Cần Thơ.

Kết nối hạ tầng giao thông nội vùng và liên vùng đang mở lối cho ÐBSCL khơi thông các tiềm năng, lợi thế. Theo ông Phan Hoàng Phương, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải, Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 toàn vùng ÐBSCL sẽ hoàn thành 3 tuyến cao tốc trục ngang và 3 tuyến cao tốc trục dọc. Ðây là tiền đề quan trọng để vùng kêu gọi đầu tư, tranh thủ nguồn vốn đầu tư công bố trí để hoàn thiện các dự án cao tốc trong thời gian tới. Hiện nay ÐBSCL chưa có tuyến đường sắt kết nối và đang quy hoạch tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, có nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhiều nghiên cứu liên quan đến dự án. Tuy nhiên trong giai đoạn tập trung ngân sách nhà nước đẩy mạnh triển khai tuyến cao tốc Bắc - Nam, phương án đề xuất là tìm hướng huy động thêm các nguồn lực xã hội cho dự án kết nối tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ... ÐBSCL có nhiều lợi thế và cần phát huy tối đa các dự án hạ tầng đã và đang được đầu tư đồng thời huy động nguồn lực để đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển. Vùng cũng được Ngân hàng Thế giới, các tổ chức tài chính quốc tế quan tâm hỗ trợ nguồn vốn phát triển do đó cần tranh thủ huy động nguồn vốn ODA cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng cần quan tâm khai thác nguồn lực đất đai để phục vụ đầu tư hạ tầng.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, ÐBSCL là khu vực có vị thế hết sức quan trọng và có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế toàn diện. Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 đặt mục tiêu đến năm 2030 của khu vực là mức tăng trưởng bình quân phải đạt khoảng 6,5-7%/năm. Ðây là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới nhằm khai thác và phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển nhanh và bền vững của các địa phương trong vùng. Ðể thực hiện mục tiêu đề ra, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật là điều kiện thiết yếu và cấp bách. Quy mô, chất lượng, sự phân bố hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp nước, thoát nước, chất thải rắn, thông tin liên lạc, truyền tải và phân phối năng lượng… sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố các ngành sản xuất và các lĩnh vực kinh tế quan trọng trong xã hội. Việc củng cố, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật góp phần kích thích đầu tư, tạo thuận lợi cho việc xây dựng, mở rộng các đô thị, khu công nghiệp. Từ đó thúc đẩy thị trường phát triển, làm gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế, tạo động lực cho quá trình phân bố lại dân cư, lao động của vùng.

Chia sẻ bài viết