01/02/2013 - 21:25

Vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) năm 1992 tiếp tục khẳng định và thể hiện rõ hơn tư tưởng phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; coi đại đoàn kết dân tộc là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. DTSĐHP giữ quy định về MTTQ Việt Nam và Công đoàn trong Hiến pháp năm 1992, nhưng có bổ sung, làm rõ vai trò của Mặt trận, Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi ích của các thành viên, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội.

Vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam lần đầu tiên được quy định tại Điều 9 Hiến pháp năm 1992: “Mặt trận giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, viên chức nhà nước”. Sau đó, vai trò giám sát này được thể chế hóa trong Luật MTTQ Việt Nam với những quy định khung về tính chất, mục đích, phạm vi, đối tượng giám sát, hình thức giám sát, cơ chế kiến nghị của Mặt trận và trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với hoạt động giám sát của Mặt trận. Qua hơn 20 năm thực hiện Điều 9 của Hiến pháp 1992 về giám sát, trên thực tế, Mặt trận và nhân dân đã và đang thực hiện vai trò giám sát của mình với những phương thức cơ bản, vững chắc theo quy định của pháp luật, đóng góp thiết thực, hiệu quả trong công tác Mặt trận tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân. Đó là hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, trong cơ quan nhà nước, trong doanh nghiệp nhà nước; hoạt động của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; Quy chế giám sát cán bộ, đảng viên, công chức ở khu dân cư… Vai trò phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam được quyết nghị tại Đại hội lần thứ X của Đảng, được ghi trong Cương lĩnh (bổ sung và phát triển năm 2011) của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Các văn kiện đó đã chỉ rõ Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội. Tại Điều 9 DTSĐHP đã bổ sung vai trò phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam... Hiến pháp năm 1992 quy định: “…Mặt trận phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân...”; thì nay DTSĐHP được sửa đổi thành: “… Mặt trận phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc...”. Ông Trần Quốc Phẩm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội cựu Thanh niên xung phong TP Cần Thơ thống nhất cao với sửa đổi này.

Theo TS Phan Trung Hiền, Phó Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ, việc bổ sung nhiệm vụ “phản biện xã hội” của MTTQ là quy định hết sức cần thiết, nhằm phát huy dân chủ và vai trò khối đại đoàn kết của MTTQ. Tuy nhiên, TS Phan Trung Hiền đề xuất bổ sung Điều 9 của DTSĐHP theo hướng cần quy định rõ các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên của MTTQ nằm trong cơ cấu của quyền lực chính trị. Ngoài công đoàn, cần quy định vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội như: Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và Hội Cựu chiến binh. Lý do: Ngoài MTTQ và Công đoàn, các tổ chức như: Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và Hội Cựu chiến binh là các tổ chức chính trị - xã hội cơ cấu “khung” gắn liền với bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cấp cơ sở. Hơn nữa, những người làm việc trong các cơ quan này đều chịu sự điều chỉnh của pháp luật cán bộ, công chức; trong đó, có số lượng lớn cán bộ được bầu cử theo nhiệm kỳ và được hưởng lương từ ngân sách nhà nước…

Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 9 của DTSĐHP năm 1992 có quy định: “Nhà nước tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động”. Ông Võ Văn Đời, Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, kiến nghị: Thay vì quy định “Nhà nước tạo điều kiện…”, thì nên quy định: “Nhà nước đảm bảo điều kiện để MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động”. Quy định như thế sẽ hợp lý hơn và đảm bảo các điều kiện cần thiết MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động… 

Giám sát và phản biện xã hội vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của nhân dân, của MTTQ Việt Nam, được quy định ở một đạo luật gốc, cơ bản nhất của Nhà nước, sẽ là cơ sở để cụ thể hóa thành cơ chế, chính sách ở các đạo luật sau này. Giám sát và phản biện xã hội có mối quan hệ chặt chẽ trong quá trình hoạt động của MTTQ Việt Nam. Giám sát có hiệu quả là cơ sở cho các hoạt động phản biện và ngược lại. Nhân dân giám sát và phản biện là thể hiện dân chủ trực tiếp. Mặt trận giám sát và phản biện là thể hiện dân chủ đại diện. Kết hợp chặt chẽ hai hình thức này sẽ tạo sức mạnh trong hoạt động của nhân dân, của Mặt trận trong vai trò tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, góp phần xây dựng cơ quan nhà nước, chính quyền ngày càng trong sạch, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả…

CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết