13/05/2019 - 19:38

Vá "lỗ hổng" liên kết 

Đến hết tháng 3-2019, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 1.803 hợp tác xã (HTX), chiếm 11,37% tổng số HTX của cả nước. Đây cũng là 1 trong 3 vùng có số lượng HTX nông nghiệp thành lập mới cao nhất cả nước, với 552 HTX trong 2 năm từ 2016-2018. Năm 2016 bình quân 1 HTX nông nghiệp có 77 thành viên đến hết năm 2018 tăng lên 130 thành viên; quy mô đất đai tăng từ 160ha lên 324 ha/HTX. Không chỉ vậy, nhiều HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL còn ghi dấu ấn trong vai trò kết nối để lấp đầy những "lỗ hổng" trong mối liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp (DN).

Thu hoạch lúa tại vùng nguyên liệu của Tập đoàn Lộc Trời, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, qua thời gian hình thành và phát triển, HTX ngày càng thể hiện vai trò là tổ chức tập hợp của nhiều nông dân sản xuất nhỏ lẻ và đại diện cho nhiều nông dân để thương lượng, ký kết hợp đồng làm ăn với DN. Bởi thực tế, nhiều DN không có mạng lưới thu mua nông sản hàng hóa đến tận nơi sản xuất của nông dân mà phải thông qua hệ thống thương lái thu gom. Mặt khác, các DN không thể trực tiếp ký kết hợp đồng với hàng vạn hộ nông dân có quy mô sản xuất nhỏ lẻ để thu mua, chế biến một khối lượng nông sản lớn. Hiện có 2 hình thức liên kết tiêu thụ nông sản phổ biến giữa DN và HTX: Liên kết giữa nông dân với người mua và HTX đóng vai trò là trung gian; HTX ký hợp đồng mua từ nông dân và hợp đồng bán cho DN.

Tại ĐBSCL, mô hình liên kết giữa Tập đoàn Lộc Trời và HTX kiểu mới được xem là mô hình thành công tiêu biểu. Diện tích thực hiện mô hình liên kết sản xuất hàng năm của Tập đoàn dao động từ 8.000  - 10.000 ha, địa bàn chủ yếu là huyện Châu Thành, Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú và An Phú (tỉnh An Giang). Theo đó, Tập đoàn thực hiện cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đầu vụ cho nông dân với lãi suất 0% và thu hồi vốn khi thu mua cuối vụ. Trong quá trình canh tác, nông dân được đội ngũ cán bộ "3 Cùng" của  Lộc Trời tư vấn kỹ thuật, quản lý sản xuất. Sau khi thu hoạch, nông dân được hỗ trợ chi phí vận chuyển, chi phí sấy và thu mua theo giá thị trường. Nếu nông dân chưa đồng ý bán, Lộc Trời có chính sách cho lưu kho trong vòng 30 ngày không tính phí để xem biến động giá.  Hiện nay, Lộc Trời đã cùng nông dân thành lập 4 HTX kiểu mới và cử cán bộ tham gia điều hành. HTX này có nhiệm vụ hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất và tiêu thụ để liên kết với DN.

Từ thực tế có thể thấy, không thể có hình thức hợp đồng mang tính tối ưu khi niềm tin và sự chia sẻ lợi ích hay rủi ro (giá cả, thiên tai, thời tiết cực đoan,...) giữa nông dân và DN tiêu thụ chưa được hình thành. Để thúc đẩy HTX liên kết với DN cần có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị ở địa phương, nhất là trong giám sát thực hiện hợp đồng, làm trung gian hòa giải, xử lý tranh chấp. Đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các HTX để có các HTX mạnh, đủ sức thực hiện liên kết với DN. Các chính sách hỗ trợ HTX cần tập trung vào nâng cao năng lực quản trị; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; tiếp cận và áp dụng khoa học công nghệ; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Một số ý kiến đề xuất thực hiện bảo hiểm nông nghiệp cho các HTX, các mô hình liên kết sản xuất để có các giải pháp phòng ngừa rủi ro, dần tiến đến xóa bỏ tâm lý e dè của các DN khi nghĩ rằng đầu tư vào nông nghiệp là mạo hiểm,
rủi ro cao...

Bài, ảnh: QUẾ LIM

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Thu hoạch lúa