10/07/2013 - 22:04

Vấn đề Senkaku/Điếu Ngư và “cái bẫy Thucydides”

Đó là tựa đề bài viết đăng trên trang tin trực tuyến The Dilopmat hôm 10-7. Tờ báo điện tử này cho rằng trước những căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và sau hàng loạt cuộc họp cấp cao giữa các quan chức chính quyền Trung Quốc và Mỹ thời gian gần đây, giới học giả và các kênh truyền thông có dịp quay lại xem xét liệu Washington và Bắc Kinh có thể tránh được "cái bẫy Thucydides" – hậu quả xảy ra khi một nước đang phát triển trở nên mạnh mẽ, tự tin hơn khiến cường quốc lo ngại mất quyền lợi cộng với vấn đề rắc rối của các nước đồng minh làm cả hai rơi vào tình trạng chiến tranh.


Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản tuần tra khu vực gần Senkaku.
 Ảnh: The Dilopmat 

Thucydides là một nhà sử học Hy Lạp. Ông từng nghiên cứu về cuộc chiến Peloponnesian ở Hy Lạp vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên xảy ra giữa hai thành phố Sparta và Athens. Theo ông, khi một cường quốc đang "trỗi dậy" thì chắc chắn sẽ xung đột với cường quốc "đang tại vị" chính bởi "sự phát triển" và "nỗi lo sợ" của mỗi bên. Và hơn 500 năm qua, lịch sử đã cho thấy khi một quốc gia đang phát triển tranh chấp thế lực với một quốc gia hùng mạnh nhất, hậu quả tất yếu đều không nằm ngoài kết cục chiến tranh.

Cũng chính vì vậy, giới quan sát trong những năm qua đã nhiều lần viện dẫn cụm từ "bẫy Thucydides" để dự tính quỹ đạo tương lai mối quan hệ giữa một Trung Quốc mới nổi và một cường quốc hiện nay như Mỹ.

Trên thực tế, sự bất hòa đã len lỏi giữa Washington và Bắc Kinh trong gần một năm nay kể từ khi Nhật Bản – đồng minh quan trọng số một của Mỹ trong khu vực tuyên bố tiến hành quốc hữu hóa một số đảo thuộc quần đảo Senkaku hiện do Tokyo kiểm soát mà Bắc Kinh gọi Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Do đó, The Dilopmat cho rằng khái niệm "bẫy Thucydides" có thể phù hợp hơn để nói về mối quan hệ Trung - Nhật trong tình hình hiện nay.

Khi tái lập quan hệ đầu tiên vào những năm 1970, Bắc Kinh và Tokyo đã tránh được các vấn đề gai góc trong tranh chấp đảo bằng cách quyết định gác lại cho thế hệ sau này. Điều đó hoàn toàn phù hợp với cả hai bên trong những năm cuối của thập niên 1970 khi xét về nhiều phương diện tiềm lực kinh tế lẫn quân sự của Nhật Bản mạnh hơn Trung Quốc gấp nhiều lần.

Nhưng nay thời thế đã khác. Bắc Kinh đang ngày càng phát triển trái ngược với Nhật Bản đang chững lại. The Dilopmat nhận định Nhật Bản trong tương lai khó có khả năng duy trì sự cân bằng quân sự thuận lợi đối với Trung Quốc. Và nếu tiếp tục kéo dài vấn đề chủ quyền đến các thế hệ kế tiếp, một ngày nào đó Trung Quốc có thể đơn phương quyết định vấn đề này thông qua việc "sử dụng vũ lực" như giới chức Nhật Bản gần đây lo ngại. Vì thế, The Dilopmat nhận định Nhật Bản bắt buộc phải giải quyết tranh chấp chủ quyền trước khi ngày đó cận kề. Mục tiêu của Tokyo, theo The Dilopmat, có thể sẽ tăng cường quan hệ với nhiều nước trong khu vực để duy trì sự cân bằng quyền lực trong khu vực trước một Trung Quốc đang lên bởi cho dù có mạnh, Trung Quốc cũng không thể "đơn thương độc mã" áp đảo tất cả các nước láng giềng.

Trở lại quan hệ Trung – Mỹ, Tân Hoa Xã trong bài viết hôm 9-7 lạc quan cho rằng có thể xem xét "bẫy Thucydides" như một biện pháp phòng bị nhưng đây không phải là một thảm kịch không thể tránh giữa hai cường quốc thế giới. Theo đó, thế kỷ 21 sẽ không nhất thiết phải đánh dấu sự nổi lên của Trung Quốc cùng với sự sụp đổ của Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa và phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế ngày càng sâu sắc. Trung Hoa Nhật báo cũng từng cho rằng hai bên có thể nhìn thấy "sự trẻ hóa" của Trung Quốc bên cạnh sự phục hồi và phát triển của Mỹ thông qua các nỗ lực chung. Song, theo The Dilopmat, đây sẽ là một nhiệm vụ lâu dài và khó khăn khi sự khác biệt tồn tại trong hệ thống chính trị, truyền thống văn hóa và giai đoạn phát triển có thể tác động và dễ dẫn đến hiểu lầm trong quan hệ song phương.

VI VI (Theo The Dilopmat, Xinhua)

Chia sẻ bài viết