03/08/2024 - 08:37

Uyển chuyển như chiếc khăn rằn 

Những năm gần đây, cùng với sự lên ngôi của trang phục truyền thống như áo dài, áo bà ba, thì chiếc khăn rằn cũng được tôn vinh như một biểu trưng văn hóa của vùng đất Nam Bộ. Chiếc khăn rằn uyển chuyển, mềm mại và đa dụng, làm nên nét đẹp riêng.

Người đẹp Phan Lê Kim Ngọc trình diễn trang phục lấy cảm hứng thiết kế từ khăn rằn trong fashion show “Rằn”. Ảnh: CTV

Mới đây, nhóm sinh viên với tên gọi Đồng Media & Event của Trường Đại học FPT Cần Thơ đã tổ chức chương trình triển lãm và trình diễn thời trang "Rằn", tạo được hiệu ứng rất tốt. Diệu Mỹ, trưởng nhóm, cho biết: Nhóm gồm 3 sinh viên Trường Đại Học FPT Cần Thơ và "Rằn" là đồ án tốt nghiệp do nhóm thực hiện. Thông qua thời trang, nhóm mong muốn gửi gắm những thông điệp và ý nghĩa văn hóa của chiếc khăn rằn miền Tây đến giới trẻ. "Đặc biệt, nhóm cũng mong rằng, triển lãm và fashion show lần này sẽ góp phần bảo tồn, phát triển và tạo thêm thu nhập cho làng nghề dệt choàng ở tỉnh Đồng Tháp, nghề đã được vinh danh "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia", Diệu Mỹ nói thêm.

Tham dự chương trình, không gian "Rằn" thực sự đậm nét từ nghệ thuật sắp đặt, bày trí đến biểu diễn thời trang, từ vật thể khăn rằn đến phi vật thể cảm hứng từ hoa văn rằn, nhất là những tà áo kết hợp hoa văn khăn rằn hoặc kết hợp chiếc khăn rằn quen thuộc… Qua ngôn ngữ thời trang, chiếc khăn rằn không chỉ là vật dụng dùng để "choàng" hay quấn cổ, đội đầu, mà trở nên đa dụng và hiện đại. Tham gia trình diễn trong bộ cánh cách điệu từ khăn rằn, người đẹp Phan Lê Kim Ngọc ấn tượng: "Từ chiếc khăn rằn quen thuộc, bộ cánh được thiết kế đầy sang trọng, cuốn hút. Qua đây, tôi càng yêu quý chiếc khăn rằn hơn".

Có nhiều giả thuyết, lẫn tranh luận, xoay quanh nguồn gốc và thời điểm ra đời chiếc khăn rằn. Duy có điều ai cũng công nhận, khăn rằn là một trong những biểu trưng văn hóa cho vùng đất Nam Bộ. Nhà nghiên cứu Nhâm Hùng chia sẻ, đó là một loại khăn mà 4 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm đều sử dụng. Một loại khăn tiện dụng trong lao động, sản xuất, sinh hoạt thường ngày và là vật bất ly thân của người Nam Bộ từ thời khẩn hoang, qua thời kháng chiến, đến thời hiện đại. Mỗi công dụng, mỗi thời kỳ, khăn rằn đều có sức quyến rũ và vẻ đẹp riêng. "Tôi đang viết một cuốn sách chuyên về chiếc khăn rằn, càng tìm hiểu, tôi lại càng ấn tượng và có những phát hiện đầy thú vị", ông Hùng nhấn mạnh.

Thân thương sao hình ảnh những người mẹ dùng khăn rằn quấn đầu hay choàng cổ; hình ảnh người cha cột khăn rằn ngang eo vung tay chém phảng phác cỏ đầu bờ; hình ảnh các cô gái miền Tây duyên dáng thẹn thùng với chiếc khăn rằn phủ kín đầu. Nhớ sao là nhớ giấc ngủ "dã chiến" giữa đồng của những em bé khi mẹ dùng khăn rằn cột làm võng. Chiếc khăn rằn theo dân ta ra trận, theo những dãi dầu mưa nắng miền Tây và bền bỉ cùng hành trình giữ gìn văn hóa đồng bằng. Nhà thiết kế Huệ Thi, người từng có nhiều bộ sưu tập thời trang sử dụng hoa văn khăn rằn làm chủ đạo, chia sẻ: "Khăn rằn luôn mang cho tôi những cảm hứng sáng tạo bất tận trong thiết kế".

Câu chuyện một nhóm sinh viên tôn vinh chiếc khăn rằn đầy sáng tạo và hiện đại cũng cho thấy sức sống của loại khăn này trong đời sống đương đại. Đó cũng là sự uyển chuyển vốn có của khăn rằn.

DUY KHÔI

 

Chia sẻ bài viết