16/07/2009 - 07:42

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe báo cáo về việc chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội tại phiên họp thứ 21

* Ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự

Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ diễn ra từ ngày 16 đến 18-7. Tại phiên họp này, dự kiến, UBTVQH sẽ xem xét Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh chính sách thu ngân sách đối với số lợi nhuận bất thường có được của nhà thầu dầu khí do giá dầu thô biến động tăng; cho ý kiến về phương án sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ bổ sung năm 2009; nghe báo cáo về việc chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội; đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII.

UBTVQH, Đảng đoàn QH cũng sẽ xem xét việc thành lập Hội đồng Khoa học và công tác nhân sự; cho ý kiến về chủ trương sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 48- NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến 2010, định hướng đến 2020. Đề án Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2015 và tầm nhìn 2020; Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao về việc thay đổi thành viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án Quân sự Trung ương; Tờ trình của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về việc thay đổi thành viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương cũng sẽ được UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp này.

Về công tác lập pháp, UBTVQH sẽ cho ý kiến về một số vấn đề lớn của các dự án Luật đã được QH thảo luận tại Kỳ họp thứ Năm như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Người cao tuổi; Luật Dân quân tự vệ...

* Chính phủ vừa ban hành Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự. Theo đó, Nghị định quy định chi tiết các điều: 46, 60, 65, 73, 85, 86, 98 và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự.

Nghị định gồm 5 chương, 36 điều quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án, thỏa thuận thi hành án; thủ tục thi hành án dân sự; miễn, giảm thi hành án và bảo đảm tài chính để thi hành án; chi phí, phí thi hành án; điều khoản thi hành.

Theo đó, việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước chỉ được thực hiện khi người phải thi hành nghĩa vụ đã thi hành được ít nhất bằng 1/20 khoản phải thi hành, nhưng giá trị không được thấp hơn mức án phí không có giá ngạch. Mức xét giảm khoản nghĩa vụ thu nộp ngân sách nhà nước được thực hiện như sau: đối với khoản nghĩa vụ phải thi hành án còn lại có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá 1/3 số tiền còn lại phải thi hành án; đối với khoản nghĩa vụ phải thi hành án còn lại có giá trị từ trên 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá 1/5 số tiền còn lại phải thi hành án.

Chi phí cưỡng chế thi hành án sẽ được miễn, giảm nếu đương sự có thu nhập không đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu để sinh sống bình thường, hoặc lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn; thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng; thuộc diện neo đơn, tàn tật, ốm đau kéo dài.

Mức phí thi hành án được quy định là 3% trên số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận nhưng tối đa không vượt quá 200 triệu đồng/1 đơn yêu cầu thi hành án. Nghị định cũng quy định rõ về những trường hợp không phải chịu phí thi hành án khi người được thi hành án được nhận các khoản tiền, tài sản: tiền cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; tiền lương, tiền công lao động; tiền trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc; tiền bảo hiểm xã hội; bồi thường thiệt hại vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động; kinh phí thực hiện chương trình chính sách xã hội của Nhà nước xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vùng sâu, xa, khó khăn, đặc biệt khó khăn...; hiện vật được nhận chỉ có ý nghĩa tinh thần, gắn với nhân thân người nhận, không có khả năng trao đổi; số tiền hoặc giá trị tài sản theo các đơn vị yêu cầu thi hành án không vượt quá hai lần mức lương tối thiểu chung do nhà nước quy định; khoản thu hồi nợ vay cho Ngân hàng Chính sách Xã hội.

THANH HÒA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết