Mới đây, “Hội nghị Diên Hồng” cho ĐBSCL được tổ chức tại TP Cần Thơ, các bộ, ngành Trung ương, chuyên gia và các địa phương trong vùng cho rằng, cần cân đối vốn cho vùng ĐBSCL triển khai các dự án, công trình nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Nhu cầu vốn lớn
ĐBSCL đã và đang chịu tác động lớn của BĐKH, nước biển dâng. Sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân, quá trình phát triển của các địa phương trong vùng cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Thời gian qua, câu chuyện phát triển vùng ĐBSCL gắn với BĐKH, nước biển dâng đã được đặt ra. Về chiến lược phát triển vùng ĐBSCL, Chính phủ đã quyết định đầu tư nhiều chương trình, dự án liên quan đến lũ như: thoát lũ ra phía Tây, chương trình kiểm soát lũ, nhiều chương trình thủy lợi cho lúa và thủy sản... nhưng vẫn chưa thể giải quyết bài toán phát triển bền vững.
Thời gian qua, Trung ương luôn quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng ĐBSCL phát triển bền vững, nhất là giao thông. Ảnh: ANH KHOA
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về nhu cầu vốn cho ĐBSCL, nhu cầu tổng thể cho ứng phó với BĐKH trong thời gian tới là rất lớn, bao gồm nhiều lĩnh vực như: hạ tầng giao thông, thủy lợi, văn hóa, xã hội... Hiện có nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước về BĐKH, nhưng chưa đưa ra được giải pháp tổng thể và nhu cầu vốn cụ thể. Trước mắt, nhu cầu vốn dựa trên các căn cứ: Quy hoạch Phát triển tổng thể ĐBSCL theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, nhu cầu cho khắc phục hậu quả và nâng cao khả năng chống chịu BĐKH, theo khuyến cáo MDP (Kế hoạch châu thổ ĐBSCL) – Kịch bản “Không hối tiếc”, nhu cầu cho thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh phát triển bền vững...
Giai đoạn 2016-2020, theo tính toán, nhu cầu cho khắc phục hậu quả BĐKH dự kiến 105.000 tỉ đồng, chủ yếu là ngân sách nhà nước, cả Trung ương và địa phương. Khuyến cáo MDP có 58 dự án đầu tư “Không hối tiếc” trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi theo hướng tái cơ cấu vùng ĐBSCL với số vốn là 43.000 tỉ đồng (chủ yếu là ngân sách nhà nước). Ngoài ra, nhu cầu đầu tư cho Tăng trưởng xanh ở ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025 là 5.000 tỉ đồng. Giai đoạn 2021-2025 là 208.900 tỉ đồng; trong đó BĐKH là 112.000 tỉ đồng, các dự án “Không hối tiếc” là 23.800 tỉ đồng, giao thông 63.100 tỉ đồng và tăng trưởng xanh 10.000 tỉ đồng.
Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2011-2016, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ĐBSCL là 248.830 tỉ đồng, chiếm 4,62% của cả nước, tốc độ tăng thu bình quân 11,5%/năm. Tổng chi ngân sách địa phương quản lý của vùng là 388.764 tỉ đồng, chiếm 13,5% so với tổng chi ngân sách địa phương quản lý của cả nước. Như vậy, tổng ngân sách chỉ đáp ứng được 67,6% tổng chi. Các địa phương vùng ĐBSCL, chỉ có TP Cần Thơ có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương.
Đẩy mạnh đầu tư
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, để ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH cần phải chuyển đổi quy mô lớn về mô hình phát triển ĐBSCL. Theo đó, phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của vùng, từng địa phương trong vùng. Rà soát quy hoạch, kế hoạch phát triển một số ngành, sản phẩm. Đầu tư cơ sở hạ tầng thích ứng với BĐKH, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông. Chuyển đổi định hướng phát triển sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển bền vững cho các tiểu vùng ĐBSCL.
Song song đó, rà soát, nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tài chính có tính đến yếu tố đặc thù của vùng. Qua đó, giải quyết những nút thắt như: cơ chế đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết, giúp huy động tối đa nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL. Tiếp tục thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước như: tín dụng nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm, giảm nghèo. Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, trong bối cảnh Việt Nam đã kết thúc vay IDA vào tháng 7-2017 và dự kiến kết thúc vay vốn ADF của ADB vào năm 2019, nguồn vốn ODA còn lại rất hạn chế, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà tài trợ tiếp tục huy động nguồn vốn ưu đãi cho các dự án phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH.
Về phía địa phương trong vùng ĐBSCL, trong bối cảnh ngân sách nhà nước năm 2018 và các năm tiếp theo tiếp tục khó khăn, để đáp ứng yêu cầu phát triển cần cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng hợp lý tỷ trọng chi đầu tư, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên. Các địa phương cần tập trung thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư công, tập trung đầu tư các công trình trọng điểm có sức lan tỏa lớn và giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng…
Ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng: Giai đoạn 2016-2020, cần xác định các dự án ưu tiên trên cơ sở Quy hoạch tích hợp ĐBSCL và kiến nghị của MDP. Ưu tiên bố trí vốn giai đoạn 2018-2020. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án BĐKH đã được bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, sớm đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả.
Theo ông Mai, các bộ chủ động rà soát kế hoạch đầu tư trung hạn, ưu tiên đầu tư các dự án liên quan BĐKH ở ĐBSCL. Xây dựng cơ chế thu hút đầu tư tư nhân, trong đó ngân sách nhà nước đóng vai trò chất xúc tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, hỗ trợ các dự án thí điểm. Nghiên cứu đề xuất một số cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội đang áp dụng cho các khu kinh tế, khu công nghiệp, vùng nông nghiệp công nghệ cao để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước, góp phần đưa ĐBSCL phát triển bền vững.
Giai đoạn 2016-2020, tổng số nhu cầu vốn cho vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH là 153.000 tỉ đồng. Trong khi khả năng cân đối vốn BĐKH cho cả giai đoạn chỉ 90.800 tỉ đồng, cho tăng trưởng xanh 1.637 tỉ đồng.
ANH KHOA