23/10/2009 - 08:33

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII

Ưu tiên các mục tiêu xã hội, cải thiện đời sống nhân dân

Ngày 22-10, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2009 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010.

Các đại biểu cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 và kế hoạch năm 2010 và cho rằng, năm 2009 nền kinh tế nước ta tiếp tục gặp những khó khăn và thách thức lớn do đồng thời phải chịu tác động của đợt lạm phát cao năm 2008 và đối mặt với cuộc suy thoái trầm trọng của kinh tế thế giới. Với đặc điểm của một nền kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và vốn đầu tư nước ngoài nên kinh tế nước ta chịu tác động rất lớn từ cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đã sụt giảm mạnh trong quý I, nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, bằng những chính sách mạnh mẽ, kịp thời và phù hợp, nền kinh tế đã dần phục hồi trong quý II và quý III. Tuy nhiên, các đại biểu bày tỏ quan tâm nhiều hơn tới chất lượng tăng trưởng kinh tế, dành nguồn lực ưu tiên đầu tư cho các mục tiêu xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Theo đại biểu Dương Anh Điền (Hải Phòng), kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2009 cơ bản là tốt. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra 5 năm tới, kết quả 2009 cũng đặt ra những vấn đề cần xem xét, nghiên cứu một cách nghiêm túc. Đó là một số cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc, còn nhiều yếu tố tiềm ẩn bất ổn. Bội chi ngân sách cao trong nhiều năm trở lại đây và năm 2009 là 6,9% GDP, đó là còn chưa tính đến các khoản chi từ nguồn trái phiếu Chính phủ và một số khoản chi khác. Nợ Chính phủ tăng cao, nếu không có giải pháp quyết liệt để giảm dần bội chi ngân sách thì trong vài năm tới sẽ tiến dần đến mức giới hạn an toàn được cảnh báo...

Theo đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), những kết quả đạt được rất tích cực nhưng mới chỉ là xử lý tốt những vấn đề bề nổi. Thực tế, hiệu quả đầu tư hiện còn thấp, chất lượng tăng trưởng chưa đảm bảo, còn lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản... Đại biểu Lê Văn Cuông đề nghị: Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với đảm bảo chất lượng, phát triển bền vững; giải quyết những vấn đề bức xúc; có giải pháp xử lý những tồn tại, tiêu cực về y tế, giáo dục để tạo niềm tin cho người dân. Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, muốn ổn định an sinh xã hội, cần làm tốt hơn nữa công tác dự báo, hoạch định chính sách, tập trung, chủ động hơn; trong đó, chú trọng tăng cường tham vấn của chuyên gia nước ngoài, ngoài việc tổ chức các tổ chức hội thảo, hội nghị...

Nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ nông dân, phát triển nông nghiệp nông thôn. Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cho rằng các chính sách hỗ trợ với người nghèo rất đúng đắn nhưng chưa phải là biện pháp thực sự lâu dài, căn cơ, vì muốn phát triển sản xuất cần nhiều điều kiện phối hợp như kỹ thuật, thị trường, đầu ra... chứ không chỉ phát tiền cho người nông dân mua cây, mua con giống. Vấn đề quan trọng là giúp họ sử dụng đồng vốn và cây, con giống đó như thế nào thế nào, đánh giá hiệu quả ra sao... Thoát nghèo bền vững là một vấn đề khó, chỉ đạo điều hành phải trên cơ sở hiểu sâu sắc tình hình địa phương, cơ sở mới thực sự hiệu quả, nếu không chỉ như “mưa mát mặt một lúc rồi đâu lại vào đó”. Một số lĩnh vực như vật tư nông nghiệp, đầu ra cho nông nghiệp... hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Các đại biểu Triệu Mùi Nái (Hà Giang), Đinh Thị Biểu (Quảng Ngãi) và nhiều đại biểu đánh giá: Nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân, đồng bào dân tộc đã được ban hành kịp thời, tuy nhiên còn những tồn tại nổi cộm như tốc độ giảm nghèo giữa các khu vực, các vùng còn chênh lệch lớn; tỷ lệ nghèo ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc còn cao; đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn; đầu ra cho các sản phẩm của nông dân còn nhiều trở ngại; hiệu quả đầu tư chưa cao. Theo đại biểu, để các chương trình cốt lõi như 134, 135, các chương trình phát triển kinh tế vùng dân tộc đạt hiệu quả cao hơn, trong năm 2010, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo khắc phục những chồng chéo trong tổ chức thực hiện, chỉ đạo sát sao hơn để đạt hiệu quả cao nhất, tác động tích cực đến đời sống và sản xuất của đồng bào.

Đại biểu Huỳnh Thành Lập (TP. Hồ Chí Minh) đề xuất một số vấn đề cần quan tâm trong thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2010 như: Tạo việc làm, xuất khẩu lao động; chăm lo đời sống gia đình có công với nước; dạy nghề nói chung và dạy nghề cho khu vực nông thôn, miền núi; đẩy mạnh xã hội hóa trong dạy nghề, y tế để dành ngân sách lo cho nông thôn, nông nghiệp, miền núi; tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân bởi không làm tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng.

BÍCH THỦY - THANH HÒA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết