14/05/2022 - 09:22

Ươm mầm sự tử tế 

MÂY HỒNG 

Cùng với sự giáo dục từ nhà trường và xã hội, gia đình là yếu tố then chốt trong việc hình thành, nuôi dưỡng và phát triển nhân cách của trẻ. Ðặc biệt, là những năm đầu đời, khi trẻ có khả năng học hỏi rất nhanh.

Việc hướng dẫn trẻ tự phục vụ bản thân là một trong những cách thức để hình thành, nuôi dưỡng và phát triển nhân cách. Ảnh: Trường Mầm non Cá Heo Nhỏ cung cấp.

Con hư tại ai?

Cưới nhau hơn 10 năm, vợ chồng chị K.H ở quận Ninh Kiều, mới sinh được cậu con trai như ý nguyện. Từ nhỏ, bé Bo đã là “ông trời con” trong nhà, được ông bà và cha mẹ cưng chiều hết mực. Gia đình chị K.H có kinh tế khá giả nên bé Bo thích gì đều được cả nhà đáp ứng. Ðược cha mẹ bảo bọc, chiều chuộng nên cậu bé luôn xem mình là trung tâm của vũ trụ. Ðến tuổi đi học, Bo trở thành nhân vật cá biệt vì cách sống ích kỷ, sống thiếu trung thực, ỷ thế con nhà giàu bắt nạt bạn bè. Do không biết cách sống hòa đồng nên Bo bị bạn bè cô lập, tẩy chay, không cho chơi cùng. Bé Bo trả thù bằng cách đánh, chửi bạn… Thay vì khuyên răn con trẻ nhận thấy lỗi sai, cha mẹ Bo lại bênh vực con trai. Mỗi khi được mời họp phụ huynh, vợ chồng chị K.H dùng mọi lý lẽ để bao biện lỗi đánh bạn của quý tử.

Gia đình anh T.C ngụ tại quận Ninh Kiều, cũng rơi vào tình huống tương tự. Anh T.C bận công việc, không có thời gian quan tâm con, dẫn đến việc con trai chỉ biết lên mạng xã hội, chơi game… Lâu ngày, cậu bé càng không thích trò chuyện với mọi người trong gia đình, thường ra lệnh cho cả nhà phải phục vụ mình. Chỉ việc cha mẹ không mua thức ăn đúng khẩu vị, cậu bé 12 tuổi đã lớn tiếng nói những lời hỗn xược với cha mẹ mình… Thế nhưng, khi “cậu ấm” hỗn hào, la khóc vòi vĩnh, cả nhà không hề trách mắng, dạy dỗ. 

Chiếc nôi đầu đời

Mở đầu cuộc trò chuyện về phương pháp dạy cho cậu con trai nhỏ 5 tuổi về sự tử tế, chị Nguyễn Thị Bảo Ngọc ngụ quận Bình Thủy, chia sẻ: “Nhà trường không thể giáo dục học trò nên người, sống đạo đức, tử tế nếu như giáo dục gia đình bị khiếm khuyết, lệch chuẩn từ khi các em được sinh ra. Vì vậy, vợ chồng tôi luôn làm gương, hướng cho con cư xử chuẩn mực với mọi người xung quanh ngay từ khi ở lứa tuổi còn rất nhỏ; dạy con biết cách yêu thương người thân, thầy cô, bạn bè và yêu thương cả cây cối, động vật...”. Chị Ngọc thường chia sẻ với con những thông tin về các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn để con đồng cảm. Chị cho con tham gia cùng chị vào những chương trình tặng gạo thiện nguyện… Trong gia đình, chị luôn dành lời “cảm ơn” khi con trai làm được việc có ích; thường xuyên khích lệ mỗi khi con làm việc tốt: giúp đỡ bạn bè, lễ phép với ông bà, người lớn; khuyến khích con suy nghĩ tích cực, tự lập. Theo chị Ngọc, trong hành trình dạy con về sự tử tế, yếu tố quan trọng nhất vẫn là làm bạn cùng con. Chị Ngọc kể: “Tôi luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con. Tôi nghĩ, khi mình lắng nghe con, con cũng học được cách lắng nghe. Chỉ khi nhận được sự quan tâm, con trẻ cũng sẽ học được cách quan tâm người khác. Từ đó, tình yêu thương ngày càng được nâng cao và sự tử tế cũng được hình thành”.

Theo nhiều chuyên gia tâm lý, hiện nay, vẫn có một bộ phận phụ huynh nuông chiều con một cách thái quá. Từ đó, trẻ khó dạy dỗ, khó uốn nắn hơn vì chúng được nhận nhiều hơn là cho và ít có cơ hội để thử thách, trải nghiệm cuộc sống. Gia đình là chiếc nôi đầu đời, là nơi hình thành, nuôi dưỡng và phát triển nhân cách của trẻ. Muốn con trẻ trở thành công dân tốt, ứng xử văn minh, trước hết cha mẹ, người lớn trong gia đình phải là những người tử tế.

Cùng với gia đình, nhà trường cũng chính là nơi ươm mầm sự tử tế ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Cô Nguyễn Thị Thùy Trang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cá Heo Nhỏ - Little Dolphins Montessori Preschool, cho biết: “Việc giáo dục cảm xúc luôn được nhà trường lưu tâm hàng đầu. Có thể nói, những tháng năm đầu đời của trẻ rất quan trọng; trẻ có trở thành một người được yêu mến, tôn trọng hay không đều nhờ vào sự giáo dục đúng đắn của gia đình và thầy cô”. Với tinh thần giáo dục trên, Trường Mầm non Cá Heo Nhỏ thường xuyên tổ chức các hoạt động để trẻ trải nghiệm, thực hiện những hành vi tốt. Không chỉ dạy trẻ biết đồng cảm mà nhà trường còn giúp trẻ học cách quản lý cảm xúc, tìm hướng giải quyết mâu thuẫn tích cực, biết nói lời cảm ơn; dạy trẻ có những suy nghĩ về sự quan tâm và yêu thương mọi thứ xung quanh mình. Nhà trường thường tổ chức hoạt động cho trẻ tình nguyện làm việc tự phục vụ bản thân và giúp đỡ người khác, như: giúp cô dọn dẹp đồ chơi, tự mặc quần áo, lấy chén ăn cơm,… “Tuy là việc bình thường nhưng giúp cho trẻ hình thành tích cách, có trách nhiệm từ nhỏ, gắn liền với sự tử tế...” - cô Thùy Trang chia sẻ.

Chia sẻ bài viết