20/04/2018 - 07:17

Ươm mầm sáng tạo 

Hội thi Tin học trẻ TP Cần Thơ lần thứ 20 năm 2018 vừa khai mạc với phần thi “Sản phẩm sáng tạo”. Có 76 thí sinh các cấp: tiểu học (TH), THCS và THPT tham gia với 33 phần mềm và 2 phần cứng. Các thí sinh mang đến hội thi nhiều sản phẩm có tính sáng tạo cao, hữu ích trong học tập, giáo dục truyền thống văn hóa và tiện ích cuộc sống...

Phần mềm văn hóa

Từ thực tế một số bạn trẻ thiếu kiến thức địa lý, lịch sử và văn hóa dân tộc, Lê Nguyễn Anh Thư, học sinh lớp 11B12, Trường THPT An Khánh (quận Ninh Kiều) cùng 2 người bạn có ý tưởng xây dựng phần mềm “Game bản đồ kiến thức”. Nhân vật chính của phần mềm là chú khỉ vui tính, sẽ có mặt ở các tỉnh, thành Nam bộ. Khi truy cập, người sử dụng có thể chọn bất cứ tỉnh, thành trên bản đồ, sau đó chú khỉ sẽ đặt câu hỏi cho người sử dụng. Nội dung câu hỏi tập trung các lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, địa lý, tình hình kinh tế - xã hội hoặc các danh nhân… ở tỉnh, thành người dùng đã chọn. Sau mỗi phần trả lời, chú khỉ sẽ phản hồi kết quả đúng- sai để người dùng biết và bổ sung kiến thức. Thư chia sẻ, phần mềm là công cụ đố vui học tập ở mảng kiến thức văn hóa - xã hội, được nhiều bạn bè đánh giá tốt. Khi bắt tay thiết kế phần mềm dự thi, Thư và bạn bè tích lũy nhiều kiến thức bổ ích về truyền thống, văn hóa - lịch sử đất và người Nam bộ. Sắp tới, nhóm Thư sẽ bổ sung phần nội dung kiến thức về miền Bắc và miền Trung để phần mềm hoàn chỉnh hơn.

Nhóm học sinh: Đào Phạm Khánh Trang, Nguyễn Trường Huy và Lê Khánh Toàn, Trường TH An Thới 2 (quận Bình Thủy), tham gia hội thi với phần mềm “Giới thiệu những nét văn hóa - di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ở TP Cần Thơ”. Cô Võ Thị Ngọc Bích, giáo viên dạy Tin học ở trường, cho biết: “Từ tháng 2 đến nay, các em mày mò, nghiên cứu thiết kế phần mềm, trong đó, giới thiệu hầu hết  di tích lịch sử - văn hóa, điểm đến nổi tiếng của thành phố, từ văn hóa chợ nổi, nhà cổ đến điểm du lịch sinh thái, di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng khác”. Phần mềm cũng là cơ hội để các em tự học tập, nâng cao kiến thức về lịch sử, văn hóa địa phương.

Nguyễn Anh Thắng và Võ Minh Khôi, học sinh Trường THCS Thốt Nốt, tham gia hội thi với phần mềm “Tự học - Kiểm tra Toán 6”. Ảnh: QUỐC THÁI
Nguyễn Anh Thắng và Võ Minh Khôi, học sinh Trường THCS Thốt Nốt, tham gia hội thi với phần mềm “Tự học - Kiểm tra Toán 6”. Ảnh: QUỐC THÁI

 

Tiện tích trong học tập và cuộc sống

Phần mềm “Điều khiển các thiết bị trong gia đình bằng giọng nói” của hai học sinh: Lê Nguyễn Chí Nhân và Huỳnh Văn Tài, Trường THPT Phan Văn Trị (huyện Phong Điền), khá thú vị vì có nhiều tiện ích sinh hoạt. Nhân chia sẻ, trong gia đình hiện có nhiều thiết bị điện tử, từ quạt máy, tivi đến máy lạnh, máy giặt. Mỗi thiết bị có dụng cụ điều khiển riêng hoặc phải dùng tay tắt - mở nên hai bạn nảy sinh ý tưởng thiết kế phần mềm dụng cụ tắt - mở. Từ tháng 7-2017 đến nay, hai bạn thiết kế phần mềm “Điều khiển các thiết bị trong gia đình bằng giọng nói”.  Theo Nhân, phần mềm cài đặt trên hệ điều hành Android của điện thoại thông minh. Người dùng chỉ cần đặt lệnh bằng giọng nói là có thể tắt hoặc khởi động các thiết bị điện tử trong phạm vi 15m.

Cũng dựa trên nền tảng Android của điện thoại thông minh, Nguyễn Anh Thắng và Võ Minh Khôi, học sinh Trường THCS Thốt Nốt (quận Thốt Nốt), thiết kế phần mềm “Tự học - Kiểm tra Toán 6”. Trong 9 tháng, hai bạn trẻ xây dựng bộ câu hỏi trắc nghiệm cơ bản, nâng cao, gồm: 50 câu bằng tiếng Việt và 200 câu bằng tiếng Anh. Qua đó, giúp học sinh tự ôn luyện kiến thức môn Toán, tự kiểm tra, đánh giá quá trình học tập và thêm nguồn tư liệu Toán tiếng Anh để phục vụ nhu cầu học tập. Cô Đỗ Thị Ngọc Duyên, giáo viên dạy Toán, cho biết: “Phần mềm này giúp giáo viên tổ chức kiểm tra môn Toán trực tuyến, nắm rõ quá trình học tập của học sinh thông qua việc theo dõi thời gian học tập và điểm số đạt được”. 

Trong  35 sản phẩm sáng tạo có khá nhiều phần mềm phục vụ nhu cầu học tập, như: Hỗ trợ học Giải tích 12, Game vui học Toán, Quản lý thông tin học tập cá nhân, Học tiếng Anh qua bài hát…; hay các phần mềm nhóm chủ đề lịch sử Đoàn - Đội, giáo dục kỹ năng được nhiều học sinh thiết kế xây dựng nhằm đa dạng công cụ hỗ trợ giáo dục đạo đức, lối sống thanh thiếu niên.

Hội thi Tin học trẻ được Thành đoàn Cần Thơ phối hợp các sở, ngành liên quan và Trường Đại học Cần Thơ tổ chức hằng năm. Đây là sân chơi học thuật bổ ích góp phần phát huy năng khiếu, thúc đẩy phong trào “Sáng tạo trẻ” trong học sinh, đồng thời, ươm mầm những tài năng trẻ, bổ sung đội tuyển tham dự Hội thi Tin học trẻ toàn quốc.

QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết