Những năm qua, TP Cần Thơ không ngừng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, từng bước hoàn thiện "chính quyền điện tử", "công dân điện tử", bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan. Sau thành công của mô hình "Một cửa điện tử" (MCĐT) tại UBND cấp quận, gần đây, thành phố đã nhân rộng mô hình này áp dụng tại 85/85 xã, phường, thị trấn; đồng thời, triển khai phần mềm quản lý văn bản tại các sở, ngành và quận, huyện... Không dừng lại đó, thành phố đã thực hiện thành công chữ ký số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tạo tiền đề cho việc phát triển "chính quyền điện tử" và "thương mại điện tử" ở địa phương
Hiện đại hóa nền hành chính
 |
Bộ phận “MCĐT” của UBND huyện Thới Lai. |
Ở TP Cần Thơ, việc hiện đại hóa nền hành chính nhà nước được UBND thành phố quan tâm từ nhiều năm qua. Cụ thể, là việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT từ hệ thống cấp thành phố đến xã, phường, thị trấn. Sau khi đầu tư xây dựng xong Bộ phận "MCĐT" cấp huyện, với tổng kinh phí hơn 9 tỉ đồng, trong hai năm 2012-2013, cả 9 quận, huyện trên địa bàn thành phố khẩn khương ra mắt và vận hành Bộ phận "MCĐT" cấp xã ở 100% xã, phường, thị trấn. Theo ông Võ Đức Minh, Trưởng phòng Nội vụ huyện Thới Lai, tùy theo tình hình thực tế mà ở mỗi địa phương có mức kinh phí đầu tư, dao động từ 300 đến 500 triệu đồng. Kể từ ngày vận hành Bộ phận "MCĐT" ở cấp xã đã tạo ra môi trường làm việc hiện đại, giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân được nhanh chóng.
Ngoài ra, ở TP Cần Thơ, các cơ quan, đơn vị đã được triển khai, ứng dụng phần mềm phục vụ quản lý và các cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành phổ biến như: quản lý kế toán, nhân sự... Một số đơn vị được đầu tư, ứng dụng các phần mềm chuyên ngành phục vụ cho công tác chuyên môn như: phần mềm và CSDL quản lý hộ khẩu, phần mềm và CSDL quản lý cán bộ, công chức (CBCC) viên chức toàn thành phố, phần mềm và CSDL hộ tịch, phần mềm và CSDL quản lý đất đai, phần mềm và CSDL quản lý phương tiện giao thông bộ, phần mềm và CSDL quản lý xuất nhập cảnh... Ngoài ra, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai đến 37 đơn vị (Đề án 112). Hệ thống thư điện tử của thành phố đã được đầu tư, nâng cấp sẵn sàng đáp ứng yêu cầu sử dụng; đến nay, đã cấp 3.350 địa chỉ thư điện tử cho CBCC ở cấp sở, cấp huyện và cấp xã, các tổ chức Đảng, đoàn thể. Trong đó, số CBCC cấp sở, cấp huyện được cấp thư điện tử chiếm tỷ lệ 100%. Tỷ lệ CBCC thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc là 68%. Các đơn vị, CBCC đã từng bước tăng cường việc trao đổi, gửi nhận qua thư điện tử các loại văn bản như: Công văn, lịch làm việc, thư mời, báo cáo, góp ý dự thảo... góp phần tiết kiệm giấy tờ, trao đổi thông tin được nhanh chóng, kịp thời.
Mục tiêu tiếp theo trong hiện đại hóa nền hành chính nhà nước ở TP Cần Thơ là thực hiện chữ ký số ở tất cả các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn. Sau 3 tháng triển khai thực hiện (từ ngày 1-3-2013 đến ngày 3-6-2013) các cơ quan hành chính trên địa bàn đã sử dụng chữ ký số chứng thực văn bản của cơ quan, đơn vị, với số lượng văn bản phát hành 8.415 văn bản, tổng số tiền tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm và phát hành văn bản hơn 182 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Trung Nhân, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, việc triển khai sử dụng chữ ký số tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố dần đi vào nề nếp và ổn định, bước đầu đã mang lại hiệu quả cao như: tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm khối lượng công việc cho cán bộ phụ trách văn thư của cơ quan, đơn vị
Không chỉ vậy, một số địa phương đã xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên. Điển hình như ở UBND huyện Phong Điền, dự kiến trong những tháng cuối năm nay, UBND huyện sẽ thực hiện thí điểm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 ở lĩnh vực Tư pháp - Hộ tịch. Đối với hình thức này, khi người dân muốn giao dịch các thủ tục hành chính như: Khai sinh, khai tử thì chỉ cần chiếc máy tính được nối mạng Internet, ở bất kỳ đâu, người dân cũng có thể nộp hồ sơ qua môi trường mạng mà người dân không cần phải đến Bộ phận TN&TKQ cấp xã để làm thủ tục như trước kia. Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Trưởng phòng Nội vụ huyện Phong Điền, cho biết: "Nếu thực hiện được thành công mô hình này sẽ tiết kiệm được khá nhiều thời gian và chi phí đi lại cho người dân". Hiện nay, mô hình này đang được các quận, huyện trên địa bàn thành phố nghiên cứu, bắt tay vào thực hiện thí điểm, nhằm phục vụ yêu cầu của tổ chức, cá nhân ngày càng tốt hơn...
Xu hướng phát triển CNTT
Trên thế giới, nhân loại đang bước vào một thời đại mới - đó là thời đại mà thông tin, tri thức trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp; thời đại của xã hội thông tin và nền kinh tế tri thức được hình thành trên cơ sở phát triển và ứng dụng rộng rãi CNTT - truyền thông. Tại nhiều quốc gia, công nghiệp CNTT - truyền thông được coi là một lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn, có tốc độ phát triển cao, nhu cầu thị trường phát triển ngày càng tăng trong nước và trên thế giới, góp phần tăng trưởng kinh tế mạnh, có mối liên hệ và tác động liên ngành sâu sắc và có khả năng xuất khẩu thu ngoại tệ cho quốc gia.
Ở Việt Nam, giai đoạn từ nay đến năm 2015, theo dự báo ngành viễn thông sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng với tỷ lệ tương đối cao, tốc độ tăng doanh thu và tốc độ tăng năng suất vẫn đạt mức tương đương với giai đoạn trước. Ngoài ra, với việc Việt Nam trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp CNTT sẽ là yếu tố tích cực cho việc tiếp cận và chuyển giao những công nghệ mới vào Việt Nam, tạo điều kiện cho công nghiệp CNTT phát triển mạnh mẽ hơn. Công nghiệp CNTT sẽ tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất và cung cấp toàn cầu
Theo ông Nguyễn Trung Nhân, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, thời gian tới, Cần Thơ sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, nhằm đưa CNTT trở thành phương tiện chủ lực để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, góp phần quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố. Đồng thời, thành phố chú trọng xây dựng và phát triển công nghiệp CNTT trở thành một ngành kinh tế quan trọng, có tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng GDP của thành phố.
Bài, ảnh: CHẤN HƯNG