Nhờ đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất bán tự động, anh Ðỗ Hoàng Giao, chủ cơ sở sản xuất bánh đa, hủ tiếu Nhật Nguyệt, ấp D2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) đã giúp cơ sở nâng cao năng suất, sản lượng và phát triển nghề truyền thống của gia đình.

Anh Ðỗ Hoàng Giao (bên trái) giới thiệu về sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Theo anh Đỗ Hoàng Giao, nghề làm bánh đa và hủ tiếu của gia đình đã có từ thời ông bà ngoại anh khi còn ở tỉnh Hải Dương và mang vào vùng đất này định cư, lập nghiệp. Nghề này đã gắn liền với tuổi thơ của anh cũng trên 30 năm. Trước đây, hầu hết các công đoạn sản xuất ra chiếc bánh đa và bánh hủ tiếu chủ yếu được thực hiện thủ công khá vất vả, mất nhiều thời gian, phải dậy từ 1 giờ sáng tự tay thực hiện các công đoạn và kết thúc công việc hơn 1 giờ chiều. Mặc dù vậy năng suất và sản lượng cũng không cao, vất vả cả ngày chỉ tráng được khoảng 600 cái bánh. Để phát triển nghề truyền thống của gia đình, quê hương và đưa chiếc bánh đa đến với khách hàng gần xa, năm 2016, anh Giao đã tìm hiểu và quyết định đầu tư dây chuyền tráng bánh bán tự động trị giá hơn 100 triệu đồng, cùng các máy nạo dừa, máy xay bột, máy giật bánh… trị giá khoảng 150 triệu đồng. Nhờ ứng dụng công nghệ và từng bước đưa máy móc vào phục vụ sản xuất thay cho cách làm thủ công nên năng suất lao động và sản lượng tăng lên gấp 3-4 lần. Anh Đỗ Hoàng Giao, nói: “Nếu làm thủ công mất cả ngày chỉ được một mẻ 50kg gạo tương đương 600 bánh, từ khi đầu tư, ứng dụng công nghệ, máy móc chỉ mất hơn 5 giờ có thể tráng được hơn 2.000 cái bánh tương đương 170kg gạo, cũng không cần phải thức khuya dậy sớm. Hơn nữa, trước đây ngày nào cũng tráng bánh cực lắm, bây giờ mỗi tuần tráng từ 2-3 mẻ là đủ sản lượng”.
Nguyên liệu để làm nên món bánh đa là gạo, bột mì, dừa, muối, đường và mè, còn đối với bánh hủ tiếu thì chủ yếu là gạo và bột mì. Mặc dù được đầu tư máy móc và ứng dụng công nghệ sản xuất theo hướng công nghiệp nhưng các công đoạn làm bánh vẫn đòi hỏi phải có người rành nghề, bởi khâu chọn gạo phải chọn đúng loại khô cơm, quy trình làm bánh cũng tuân thủ thời gian nghiêm ngặt, nhất là thời gian ngâm, ủ gạo và xay gạo (xay bột), các nguyên, phụ liệu phải được phối trộn theo nguyên tắc và tỷ lệ nhất định để chiếc bánh làm ra đảm bảo chất lượng và việc tráng bánh cũng dễ dàng hơn, nếu tỷ lệ này không chính xác thì khi tráng bánh sẽ bị đứt hoặc bở, nước ít cũng không tráng được, khâu tráng bánh người thợ phải túc trực bên máy tráng để điều chỉnh lượng bột cho một chiếc bánh có độ dày, mỏng theo ý muốn. Anh Đỗ Hoàng Giao nói: “Đây là nghề truyền thống của gia đình gắn với quê hương, xứ sở nên việc đầu tư máy móc, giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất và tiết kiệm được thời gian là cần thiết nhưng tiêu chí hàng đầu của cơ sở vẫn là giữ được hương vị của chiếc bánh truyền thống và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”.
Hiện nay, cơ sở bánh đa Nhật Nguyệt cung cấp cho thị trường 2 loại bánh đa, gồm: bánh đa ngọt và bánh đa mặn với nhiều kích cỡ khác nhau theo nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, cùng với hủ tiếu và bánh phở. Mỗi tháng cơ sở sản xuất và tiêu thụ khoảng 8.000 chiếc bánh đa và hơn 2.000kg hủ tiếu, bánh phở đem lại doanh thu trên 100 triệu đồng. Vì không sử dụng chất bảo quản và đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nên sản phẩm của cơ sở được người tiêu dùng ưa chuộng, đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành, như TP Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Lâm Đồng, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh… Đặc biệt, sản phẩm bánh đa và hủ tiếu của cơ sở được TP Cần Thơ chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Đồng chí Bùi Quang Nam, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi, cho biết: “Trước đây nghề làm bánh đa, hủ tiếu khá phổ biến ở địa phương, nhưng hiện nay chỉ còn vài hộ giữ được nghề. Riêng cơ sở Nhật Nguyệt của anh Đỗ Hoàng Giao đã mạnh dạn đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ sản xuất theo hình thức bán tự động và xây dựng được thương hiệu, nhãn mác và là cơ sở đầu tiên đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Địa phương đã và đang tiếp tục hỗ trợ bà con giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của gia đình, đồng thời vận động, hướng dẫn tham gia chương trình OCOP nhằm mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho sản phẩm truyền thống của địa phương.
Bài, ảnh: MINH HẢI