22/10/2020 - 08:59

Ứng dụng công nghệ cao nâng chất lượng và sản lượng nông sản 

Với áp lực đất sản xuất bị thu hẹp, biến đổi khí hậu, yêu cầu nâng chất lượng sản phẩm từ thị trường…, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ngày càng trở nên bức thiết. Nhiều hợp tác xã (HTX) tại ĐBSCL đã nhanh chóng nắm bắt xu thế này và đạt được những thành quả nhất định trong việc đảm bảo số lượng và nâng chất lượng nông sản làm ra. Tuy nhiên, để việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp tạo hiệu ứng lan tỏa cần nhiều giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương cũng như sự nỗ lực, quyết tâm cao từ các HTX.

Thiết bị máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật trưng bày tại một sự kiện tổ chức ở TP Cần Thơ.

►Yêu cầu từ thực tiễn

Tại hội thảo HTX ÐBSCL ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa gạo và trái cây: Thực trạng và giải pháp được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Ðức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho biết: Trước những thay đổi trong cơ cấu ngành kinh tế, cộng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dẫn đến số lượng nhân lực và diện tích canh tác nông nghiệp của vùng ÐBSCL ngày càng thu hẹp. Tuy nhiên, những yêu cầu về nâng cao năng suất, cải tiến chất lượng hàng nông sản thì ngày càng đòi hỏi cao. Do đó, chỉ có con đường ứng dụng công nghệ cao mới giúp giải quyết được bài toán này. Hội thảo là dịp đánh giá ứng dụng công nghệ cao của HTX vùng ÐBSCL trong sản xuất lúa gạo và cây ăn trái. Từ đó đề xuất chính sách để cải thiện tình trạng ứng dụng công nghệ cao theo hướng bám sát thực tiễn, mang lại những giá trị cao nhất cho nông dân cũng như nền kinh tế Việt Nam.

Thời gian qua, số lượng HTX ứng dụng công nghệ cao tại ÐBSCL có xu hướng tăng. Nếu năm 2018 chỉ có 61 HTX thì đến tháng 8-2020 con số này tăng lên 231 HTX ứng dụng công nghệ cao, chiếm 10,6% HTX nông nghiệp của vùng. Trong đó, các HTX trồng trọt có tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao lớn nhất 86,2%. Các công nghệ cao được áp dụng gồm: kỹ thuật canh tác, nuôi trồng (81,8%), công nghệ sinh học (12,1%), tự động hóa (5,6%)...  HTX đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích, vận động các thành viên cũng như liên kết với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Ðơn cử như: xây dựng kế hoạch sản xuất; đầu tư chi phí áp dụng công nghệ cao; ký kết hợp đồng liên kết với doanh nghiệp; tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho các thành viên; sơ chế, chế biến sản phẩm…

Tại ÐBSCL, các HTX nông nghiệp đang từng bước đưa vào ứng dụng một số công nghệ cao. Ðối với sản xuất lúa gạo, đang được ứng dụng rộng rãi có thể kể đến: công nghệ drone (máy bay không người lái); công nghệ san phẳng đồng ruộng bằng thiết bị laser; công nghệ điều khiển bơm tưới từ xa với thiết bị đo nước tự động, phần mềm quản lý được cài đặt trên điện thoại di động; phân bón chậm thông minh, phân bón quang học... Ðối với sản xuất cây ăn trái, các công nghệ cao được HTX triển khai gồm: công nghệ tưới nhỏ giọt; công nghệ tưới phun; kỹ thuật rải vụ, nghịch vụ; Global GAP cho trái cây…

Cần trợ lực

Theo phản ánh từ các HTX, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã giúp tăng lợi nhuận, dễ tiêu thụ sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất... Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất, chế biến tại các HTX gặp khá nhiều khó khăn do vốn đầu tư lớn so với tiềm lực tài chính của HTX; công nghệ phức tạp trong khi các thành viên HTX thiếu kiến thức, kỹ năng ứng dụng; diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên khó áp dụng đại trà… Hiện nay nước ta vẫn chưa quy định cấp chứng nhận dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của HTX; nhiều máy móc, thiết bị chưa có trong danh mục hỗ trợ (thiết bị đo nước tự động; hệ thống giám sát sâu rầy; thiết bị theo dõi, đánh giá chất lượng nước…). Từng bước tháo gỡ những khó khăn trên, theo ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cần phải nâng cao năng lực cho các HTX trong xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh trung hạn và hằng năm; hỗ trợ HTX ứng dụng công nghệ số trong quản lý; đào tạo, tập huấn cán bộ kỹ thuật để ứng dụng công nghệ cao, chuyên gia tư vấn, quản trị HTX…

Nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết với HTX thông qua việc quy hoạch vùng sản xuất quy mô lớn; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng sản xuất vùng được quy hoạch; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi… Ông Dương Tuấn Cương, Phó Trưởng ban Chính sách và Phát triển HTX, Liên minh HTX Việt Nam, kiến nghị: Các chính sách hỗ trợ cũng cần cập nhật để theo kịp sự phát triển của thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Ðơn cử, cần cập nhật danh mục các thiết bị, máy móc được hưởng hỗ trợ hiện chưa có các thiết bị công nghệ cao, như: drone, thiết bị đo nước tự động, hệ thống giám sát sâu rầy, thiết bị đánh giá chất lượng nước, thiết bị tin học quản lý dữ liệu… Bên cạnh đó, cần nâng mức hỗ trợ lên 50% đối với dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ 100% lãi suất vay, thời hạn 3 năm cho dự án công nghệ cao của HTX, thành viên HTX.

Một vấn đề đặt ra hiện nay là đầu ra cho sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ cao. Bởi tình trạng nông sản sản xuất theo quy trình, ứng dụng công nghệ cao giá bán vẫn "cào bằng" với sản phẩm sản xuất theo phương thức truyền thống. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, đề xuất xây dựng, phát triển mô hình liên hiệp HTX theo ngành hàng. Ðồng thời, đẩy mạnh truyền thông, xây dựng mô hình điểm về HTX ứng dụng công nghệ cao để nâng cao tỷ lệ ứng dụng và giúp người dân nhận thức đúng về giá trị của nông sản sạch, chất lượng. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần có các chính sách thu hút nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ cao tại các HTX. Về phía các HTX cần phải có cách quản trị minh bạch; tôn trọng cam kết với doanh nghiệp; hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với HTX khác…

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết